Nỗi niềm báo... giấy

(Baonghean) - Như đã trở thành thói quen, cứ đến sáng thứ năm tôi lại chạy ra bưu điện mua vài tờ Nghệ An cuối tuần. Vừa để đọc vừa để tặng, vừa là để... cất. Mỗi lần đến đây, tôi đều gặp những người bạn, họ cũng mua báo, phần nhiều là lớn tuổi, chỉ có vài người trẻ, chắc họ cũng giống tôi - thích đọc báo giấy.
Trong những năm gần đây, quả là công nghệ số cùng với internet đã làm nên một cuộc cách mạng thần kỳ cho báo chí. Những ưu việt đồng thời là thế mạnh mà nó mang lại đã dường như trở thành cơn bão đầy ma lực, không cho phép bất kỳ một tờ báo nào có thể “đứng ngoài cuộc”. Thật khó để thống kê hết những ưu thế vượt trội và ngày càng vượt trội của loại hình báo chí hiện đại này. Nhanh, đa dạng, thuận tiện, giá rẻ của nó hấp dẫn độc giả và tạo nên một cú “bứt phá” ngoạn mục. Không ai có thể cưỡng lại được xu thế phát triển của thời đại...
Nếu tính từ số đầu tiên của tờ Gia Định báo ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn thì lịch sử báo giấy Việt Nam đã có đến 150 năm tuổi, vắt ngang qua 3 thế kỷ. Tuy nhiên, sự kiện thực sự đánh dấu khai sinh cho một nền báo chí cách mạng chính là sự ra đời của tờ báo Thanh niên, ngày 21 tháng 6 năm 1925. Báo chí cách mạng đã đồng hành cùng lịch sử của dân tộc. Không chỉ giản đơn như là những “thư ký xã hội”, báo giấy đã cần mẫn, sắc sảo nói tiếng nói của quần chúng để trở thành vũ khí đấu tranh cho hòa bình và công lý. Từ những sơ khai đầu tiên, dần dần có đến hàng chục, hàng trăm tờ báo dõng dạc nói lên tiếng nói của lẽ phải, ngày càng khẳng định vị thế cũng như sứ mệnh vẻ vang của mình. 
Cho dù lịch sử phát triển có đổi thay, từ báo giấy có thêm báo tiếng, rồi báo hình, và ngày nay là báo mạng, nhưng chưa bao giờ dù là một giây báo giấy mất đi vị thế đặc biệt trong lòng bạn đọc. Như một sự gắn bó mật thiết, một sự ngự trị linh thiêng, hơn thế như là một hình ảnh mẫu mực của văn hóa đọc, tôi có niềm tin rằng, báo giấy đã từng, đang là và sẽ còn chiếm lĩnh tình cảm thủy chung, sâu nặng của độc giả. Người hoài cổ sẽ còn tiếc mãi những buổi sinh hoạt Đoàn nghe đọc báo tập thể. Ngày nay, bạn trẻ có thể có ngay thông tin miễn trong tay sở hữu chiếc smart phone và không “nằm ngoài vùng phủ sóng”.
Tuy nhiên, liệu cái thứ “công nghệ cao” ấy có thể len vào mà thay thế sự tao nhã của một buổi sáng bên tách cà phê cùng tờ báo giấy? Đọc báo giấy không đơn thuần chỉ là tìm kiếm thông tin mà với nhiều người, đó là một nếp sinh hoạt thường nhật, thiếu gì thì thiếu, thiếu báo thì không! Họ đọc, họ tìm hiểu, họ nâng niu từng tờ báo, đọc xong là cất, là lưu giữ. Họ đọc báo giấy không phải vì thiếu Iphone hay máy tính bảng, mà do chính những giá trị của báo giấy mang lại. Có lẽ do đặc tính khó chỉnh sửa cũng như không thể “gỡ bài xoành xoạch” như báo mạng, nên có thể độ tin cậy về thông tin đối với tờ báo giấy thường cao hơn chăng? Những tờ báo giấy đứng đắn cũng ít bị tra tấn bởi thông tin xô bồ. Tuy nhiên, “rau nào sâu nấy” chúng ta hoàn toàn có thể là nạn nhân của những tờ báo giấy đưa tin rẻ tiền, bên cạnh rất nhiều trang báo mạng “sạch”. Nhưng hình như trên một tờ báo giấy chỉ giới hạn một lượng thông tin nhất định, nên người đọc có thể ít bị phân tán hơn, có điều kiện cảm nhận sâu hơn so với “lướt web”...?
Còn nhớ cách đây mấy tháng, tờ báo giấy “Văn Nghệ trẻ” chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình để nhập cuộc “chơi mạng”, một bạn đọc đã lo ngại: Báo điện tử và báo giấy có không gian và sắc màu nghệ thuật hoàn toàn khác nhau cho dù cùng truyền tải một thông điệp. Có thể tìm thấy những thứ không có trong báo giấy nhưng lại có trong báo điện tử và ngược lại. Vậy khi không còn báo giấy, biết tìm những thiếu vắng ấy ở đâu? 
Rất tiếc không phải ai cũng yêu báo giấy, chả thế mà nghe nói có cơ quan nọ cuối năm gọi đồng nát đến thanh lý cả tạ báo còn... mới tinh!
Chúng ta phải thích nghi với sách báo điện tử, không thể khước từ những thành tựu kỳ diệu của khoa học công nghệ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Nhưng ước gì nó - những thứ mang danh điện tử ấy sẽ không triệt tiêu đi những tờ báo giấy yêu thương? Quả là không cường điệu khi nói báo giấy có cái hồn riêng của mình. Với tôi, mất báo giấy sẽ là một sự hụt hẫng khó bù đắp. Sẽ ra sao nếu sau này mỗi lần đọc báo, lại nhất thiết phải có “pin” hoặc chí ít cũng mong không bị... mất điện!
Nguyễn Khắc An