Gai của "hoa hồng"

(Baonghean) - Không biết ai là người đầu tiên đã nghĩ ra cách ví von những khoản tiền đút lót, chia chác, lại quả phần trăm sau mỗi thương vụ làm ăn là “hoa hồng”.
Càng ngẫm nghĩ, càng thấy hay và sâu sắc mọi nhẽ. Hoa hồng thì vừa đẹp, vừa thơm ai mà không thích, không ham. Và đã nhận hoa hồng thì đồng nghĩa với việc thuận tình mở lối đi lại, tạo thuận lợi cho cả bên tặng và bên nhận. Và còn một ẩn ý nữa, là đi kèm với hoa hồng thì bao giờ cũng có gai sắc và nhọn. Vấn đề, ai là người được cầm hoa để ngửi và ai buộc phải cầm phải gai để rồi đứt tay, chảy máu, nhưng chỉ dám xuýt xoa chấp nhận, không biết kêu ai?
Tranh biếm họa
Tranh biếm họa
Liên quan đến chuyện “hoa hồng”, cách đây mấy hôm, một công ty y khoa Mỹ đã phải đồng ý nộp phạt cho chính phủ Mỹ khoảng 55 triệu USD để giải quyết cáo buộc hối lộ tại 3 nước trong đó có Việt Nam, để đưa sản phẩm của mình vào các bệnh viện và phòng thí nghiệm. Lãnh đạo công ty đó thú nhận là đã phải chi khoản tiền “hoa hồng” lên tới 2,2 triệu USD cho các cá nhân, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam để giành quyền lưu hành sản phẩm trong các bệnh viện công. Theo đó, khoảng từ năm 2005 tới cuối năm 2009, văn phòng Việt Nam của Bio-Rad đã thanh toán sai trái 2.2 triệu USD cho các đại lý và các nhà phân phối, và họ đã chuyển tiếp tiền “hoa hồng” này cho những người có quyền quyết định trong các bệnh viện, phòng thí nghiệm.
Những khoản tiền hối lộ này, được ghi trong sổ sách là “tiền thưởng bán hàng”, “phí quảng cáo”, và “phí đào tạo”. Dĩ nhiên, số tiền phải chi này sẽ được cộng gộp vào giá thành sản phẩm và cuối cùng người sử dụng các sản phẩm đó là các bệnh nhân phải gánh chịu, phải chi trả. Vì thế mà giá cả một số loại thuốc ngoại nhập cao vọt lên, đã mang lại cho Bi-Rad doanh thu trước thuế là hàng chục triệu USD. Và đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến cho người bệnh đã phải chứng kiến những chuyện cười ra nước mắt như, khám tiêu hóa, bác sỹ lại cho uống sản phẩm tăng cường sinh lý với đơn giá 2,9 triệu đồng một đơn thuốc.
Chuyện này xảy ra ở Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh) hôm 13/8 vừa rồi. Từ thông tin này, phóng viên báo chí tìm đến Bệnh viện Bình Dân và phát hiện ra khá nhiều đơn thuốc trái khoáy tương tự với giá thành từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi đơn. Các “từ mẫu” đã làm vậy để giải phóng nhanh lượng thuốc mới nhập về và cũng là để nhanh chóng nhập mới. Vì mỗi lần nhập là mỗi lần được tặng “hoa hồng”. Và “hoa hồng” thì các “từ mẫu” hưởng, còn bệnh nhân thì đành thúc thủ chấp nhận để những cái gai nhọn của hoa chọc thủng túi tiền còm cõi của mình, cho tới đồng tiền cuối cùng!
Và không chỉ có ở bệnh viện mà nhiều nơi khác cũng có “hoa hồng”. Kể cả trong trường học. Cụ thể là ở TP. Hồ Chí Minh, bốn, năm năm trước, Công ty EMG Education (gọi tắt là EMG) được Trung tâm Khảo thí quốc tế Cambridge (CIE) ủy quyền cho phân phối chương trình Cambridge tại Việt Nam. Để có “đầu ra”, EMG đã “chào hàng” và được Sở GD-ĐT thành phố này “gật đầu” cho đưa “hàng” vào các trường phổ thông từ tiểu học cho đến THPT. Để tạo thuận lợi cho đối tác, Sở GD-ĐT còn động viên, khuyến khích các trường và các phòng giáo dục quận, huyện “mở cửa” để EMG “tiêu thụ” sản phẩm với lời khẳng định của lãnh đạo sở: “Đó là một chương trình tốt, hiện nhiều nước trên thế giới đã chọn lựa để giảng dạy cho học sinh của mình”.
Vì sao ngành Giáo dục thành phố lại nhiệt tình, hăng hái với chương trình Cambridge đến vậy? Lời giải thật không khó. Cứ nhìn vào số tiền học phí để theo học chương trình Cambridge (150 USD/tháng/học sinh, chưa kể tiền sách vở), với số giờ các cháu được học trong tháng thì thấy giá học phí cho mỗi tiết học đắt ngang với học phí trường quốc tế. Và với hơn 5. 000 học sinh theo học thì số tiền “hoa hồng” mỗi tháng được tính theo đầu người học sẽ là một khoản thu nhập không nhỏ và “đều như vắt chanh”.
Ấy vậy mà, tới năm học này, Sở lại đột ngột cấm tiệt Cambridge và đưa ra một chương trình học tiếng Anh khác dưới cái tên tích hợp. Và cũng như lần trước, lần này như Sở GD-ĐT lại ra sức “quảng cáo” thì “sản phẩm này được nghiên cứu và xây dựng theo hướng rà soát nội dung chương trình giảng dạy các môn của hai hệ thống giáo dục quốc gia Việt Nam và Anh quốc, để bổ sung kiến thức được học sâu hơn ở một trong hai chương trình và lược bỏ những phần kiến thức ít cần thiết, ít phù hợp”. Vậy là sau 4 năm “chung thủy” với Cambridge, ngành Giáo dục đào tạo quyết dứt áo và “bén duyên” với chương trình tiếng Anh tích hợp. Báo hại hàng nghìn học sinh đang dang dở với Cambridge, nay lại phải chuyển sang chương trình mới. Không biết sau 4 năm nữa, chương trình tích hợp có bị thay thế bởi một chương trình tiếng Anh nào khác nữa chỉ vì bó “hoa hồng” to hơn? Và đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh ta học tiếng Anh từ bé đến lớn vẫn không giao tiếp được một cách “chuẩn không cần chỉnh”!
Trên đây, mới chỉ là 2 ví dụ cụ thể về “hoa hồng” và cái “gai” của nó mà ai cũng thấy rõ. Còn những khoản “hoa hồng” biết rõ là có mà không thể nói ra được vì “thuộc tầm vĩ mô”, không có nhân chứng, vật chứng cụ thể thì không biết đằng nào mà lần. Chỉ nghĩ trong món nợ công chia đều cho mỗi người dân Việt từ trẻ sơ sinh cho đến người ở tuổi “gần đất, xa trời” phải gánh 1.000 USD tiền nợ, thể nào cũng có phần không nhỏ phát sinh từ “hoa hồng”. Và cái “gai” có giá trị một nghìn Mỹ kim đó không biết đến bao giờ mới nhổ đi được?!
Bụt Sơn