Tránh lãng phí trong đầu tư trang thiết bị y tế

(Baonghean) - Sau khi có thông tin Công ty Bio-Rad (một công ty nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế của Mỹ) chi 2,2 triệu USD hối lộ quan chức các bệnh viện Việt Nam để bán thiết bị, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra và phát hiện: rất nhiều bệnh viện đang lãng phí trong mua sắm trang thiết bị y tế.
TIN LIÊN QUAN
Bằng nguồn vốn dự án hỗ trợ y tế đồng bằng sông Cửu Long, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ được trang bị máy chụp cộng hưởng từ MRI trị giá 26,6 tỷ đồng, máy chụp cắt lớp CT Scanner 64 lát cắt trị giá hơn 20 tỷ đồng, nhưng dự án kết thúc chưa được bao lâu thì cả 2 máy hiện đại này đều “đắp chiếu”. Nhiều bệnh viện ở Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Định cũng rơi vào tình trạng đầu tư trang thiết bị y tế dư thừa, không có người sử dụng...
 Ở Nghệ An, tình trạng lãng phí trong đầu tư trang thiết bị y tế cũng xẩy ra ở một vài bệnh viện tư có điều kiện mua sắm. Có bệnh viện đầu tư 2 máy chụp cộng hưởng từ của Nhật (từ lực 0,4 Tesla), máy chụp cắt lớp vi tính (16 lát cắt), máy chụp X.quang kỹ thuật số, labo xét nghiệm tự động hiện đại, phòng mổ hiện đại... Tuy nhiên, do thiếu bác sỹ nên những loại máy trên chưa khai thác hết công dụng phục vụ điều trị cho người bệnh. Dẫn đến việc người dân phải tìm đến các bệnh viện tuyến trên để chữa bệnh. Đây là tình trạng chung của các bệnh viện tư hiện nay...
Trong khi một số bệnh viện tư “dư thừa” trang thiết bị y tế thì hầu hết các bệnh viện nhà nước ở Nghệ An đều đang thiếu trang thiết bị hoạt động. Bệnh viện Hữu nghị đa khoa có 46 khoa, phòng với trên 300 bác sỹ chuyên khoa, sau khi chuyển đến cơ sở mới quy mô trên 700 giường bệnh, trở thành bệnh viện quy mô hiện đại của khu vực Bắc miền Trung; nhưng về trang thiết bị y tế cũng chỉ mới ở mức cơ bản và đang cần trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại hơn để phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
 Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về đầu tư trang thiết bị y tế cho biết: Hiện nay mức đầu tư cho một bệnh viện hạng 1 trực thuộc tỉnh ít nhất 1,5 tỷ đồng/giường bệnh, một bệnh viện Trung ương khoảng 5 tỷ đồng/giường bệnh (trong đó có thiết bị chiếu, chụp). Đầu tư một máy chụp cộng hưởng từ với từ lực 1,5 Tesla hết khoảng 38 tỷ đồng, chi phí cho một năm thay khí Heli hết khoảng 1,2 tỷ đồng; chi phí vận hành, sửa chữa, bảo trì khoảng 100 triệu đồng/năm; máy hư hỏng thay phụ tùng từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Đầu tư loại máy này bình quân mỗi ngày phải chụp cho 40 - 50 người bệnh thì mới phát huy hết công năng. Với giá chụp rất cao như hiện nay, ở các bệnh viện tuyến tỉnh trở xuống rất khó đạt chỉ số đó, trong khi máy chỉ sử dụng tối đa 10 năm. 
 Với sự tiến bộ nhanh chóng của y học hiện đại, trang thiết bị y tế vô cùng quan trọng đối với bất kỳ bệnh viện nào. Nhưng niềm tin của bệnh nhân chỉ gửi gắm vào trình độ chuyên môn và y đức của người thầy thuốc chứ không gửi gắm vào các thiết bị hiện đại. Bởi vậy, việc đầu tư trang thiết bị y tế cần tính toán hợp lý để không gây lãng phí. Nếu là bệnh viện công thì gây lãng phí ngân sách nhà nước, nếu là bệnh viện tư thì gây lãng phí cho nhà đầu tư, và hệ quả cuối cùng là người bệnh phải gánh chịu, bởi giá viện phí và các loại dịch vụ y tế tăng cao. Đối với các bệnh viện tư, cần tránh tình trạng đua nhau mua sắm trang thiết bị để cạnh tranh tạo “thương hiệu” mà không chú ý xây dựng đội ngũ thầy thuốc giỏi nghề và có y đức. Ngành Y tế nên có cơ chế tạo điều kiện cho các bệnh viện cùng sử dụng chung những thiết bị hiện đại như máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp... Nền kinh tế của chúng ta còn có những khó khăn, thu nhập của người dân chưa cao, vì vậy, nếu các bệnh viện cùng đầu tư, khai thác hiệu quả các loại máy móc hiện đại sẽ khai thác hết công suất và giảm chi phí khám, chữa bệnh...
Trần Hồng Cơ