Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

(Baonghean) - Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương thực hiện được đánh giá là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Hoạt động này góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội... Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều, mặt khác, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức. Đó là vấn đề đáng quan tâm giải quyết.
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị nêu rõ: cần ưu tiên cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng CSXH. Để Chỉ thị 40-CT/TƯ thực sự đi vào cuộc sống, HĐND, UBND các cấp cần tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. 
Vấn đề đặt ra là các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội như một trong những nhiệm vụ thường xuyên. Các hoạt động này được gắn với việc thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững... Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này. 
Có thể nói, Chỉ thị 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng là một chủ trương tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho nhân dân các địa phương. Song, muốn nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, thì “điều kiện đủ” là chủ thể thực hiện - Ngân hàng CSXH cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường việc huy động, quản lý và sử dụng vốn. Thể hiện bằng việc tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện sản xuất, chăn nuôi theo hướng ổn định, bền vững.
Phùng Đức Thuật
Phòng Lao động TBXH TX. Cửa Lò