Khắc phục rào cản trong chuyển giao công nghệ

(Baonghean) - Theo số liệu Bộ Khoa học Công nghệ công bố, tỷ trọng doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ cao mới đạt khoảng 20,6%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Philipines 29,1%, Indonesia 29,7%, Thái Lan 30,8%, Malaysia 51,3%, Singapore 73%). Trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng 12% (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), còn lại 88% thuộc loại trung bình và lạc hậu.
Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,5% doanh thu (trong khi Hàn Quốc là 10%). Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 68 trên tổng số 144 quốc gia được xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu; trong đó mức độ sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 99, vai trò các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong chuyển giao công nghệ đứng thứ 93, mức độ hấp thu công nghệ của doanh nghiệp đứng thứ 121, khả năng tiếp thu công nghệ mới của doanh nghiệp đứng thứ 123.
 Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên đây là do đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn dài hạn, đang thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để đổi mới, nâng cấp công nghệ; doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn thấp. Việt Nam hiện có 1.200 tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) gấp 2,5 lần so với năm 1995, trong đó 60% thuộc sở hữu nhà nước. Mặc dù số lượng tăng nhanh nhưng chất lượng hoạt động và khả năng sáng tạo của các tổ chức KHCN còn thấp. Trong khi đó chưa có những cơ chế hợp lý để đưa tiến bộ KHCN vào doanh nghiệp. 
 Sở dĩ doanh nghiệp Việt Nam lạc hậu về trình độ công nghệ là do đang có nhiều rào cản trong chuyển giao công nghệ. Đạt tới trình độ công nghệ tiên tiến chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Nhưng việc đổi mới, nâng cấp công nghệ ở các doanh nghiệp này (là công ty con) lại do các công ty mẹ ở nước ngoài quyết định. Các công ty nước ngoài đưa công nghệ vào Việt Nam chủ yếu là đầu tư dây chuyền gia công lắp ráp sản phẩm qua các doanh nghiệp FDI. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình chuyển giao công nghệ, do không có năng lực tài chính và do nhiều nguyên nhân khác (trong đó có sự chi phối của nhóm lợi ích, sự thao túng của những phần tử tham nhũng) đã dẫn đến tình trạng nhập các thiết bị giây chuyền công nghệ lạc hậu. Theo khảo sát của các chuyên gia kỹ thuật, ngành cơ khí của Việt Nam lạc hậu tới 4 thập kỷ so với mặt bằng kỹ thuật của thế giới. Công nghệ trong các ngành cơ khí sử dụng để sản xuất máy công cụ, máy động học, hàng tiêu dùng… hầu hết đều ra đời từ trước năm 1980, có tới 30% thiết bị tuổi thọ hơn nửa thế kỷ.
 Việc phân công lại lao động sau khi chuyển giao công nghệ cũng là một lực cản mà nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được. Do công nghệ lạc hậu, chất lượng lao động thấp nên lực lượng lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam (kể cả doanh nghiệp FDI) chủ yếu là lao động phổ thông. Khi chuyển giao công nghệ, những thiết bị hiện đại sẽ “đào thải” hàng loạt lao động chất lượng thấp ra khỏi dây chuyền. Đối với các doanh nghiệp tư nhân thì đó là chuyện bình thường. Còn đối với các doanh nghiệp nhà nước (hoặc doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa) thì giải quyết việc làm cho người lao động sau khi chuyển giao công nghệ là một gánh nặng. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc chuyển giao công nghệ, có doanh nghiệp khi chuyển giao công nghệ đã không lắp đặt một số thiết bị hiện đại, vẫn duy trì lao động thủ công để công nhân có việc làm. 
 Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cơ bản của Việt Nam hiện nay là phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mô hình tăng trưởng bằng khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư… sang mô hình tăng trưởng bằng công nghệ hiện đại, đi tắt đón đầu để theo kịp trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới. Muốn đạt mục tiêu đó thì Nhà nước phải có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm gạt bỏ rào cản, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao công nghệ theo hướng ngày càng hiện đại. Cộng đồng các doanh nghiệp phải xem việc đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ là giải pháp cơ bản, để tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững hơn.
Trần Hồng Cơ