Nghịch lý nhà đất?

(Baonghean) - Dư luận xôn xao với vẻ đầy lạ lùng rằng, không ít dự án ở Hà Nội vừa xẩy ra tình trạng giá 1 mét vuông đất nền lại “rẻ” ngang bằng với giá 1 mét vuông căn hộ chung cư. Lạ, lạ lắm, lạ đến mức “nhà đài” (VTV1) phải làm hẳn cả một phóng sự về câu chuyện “xưa nay hiếm” này. Theo như lời bình luận rất hồn nhiên trên ti vi thì điều này là “nghịch lý”, thậm chí cảm giác nó còn được bàn đến tựa như hiện tượng “giữa mùa hè tuyết rơi” vậy. 
Liệu có đúng đây đích thực là một nghịch lý? Vì cho là nghịch lý nên người ta đem dẫn chứng với chi phí chỉ 15 triệu đồng cho 1 mét vuông đất nền thì xem như là “bèo” lắm rồi, là “đáy”, là thấp ngoài tưởng tượng hay nói một cách hình ảnh là rẻ như mua 1 mét vuông căn hộ chung cư. 
Trước hết xin đặt lại vấn đề thế nào là rẻ? Xin ai đó hãy vui lòng nhường việc định giá lại cho thị trường. Một thời gian dài khách hàng chúng ta quen với cụm từ “rơi tự do” hay “lao dốc không phanh” gì đó mỗi khi đề cập đến giá bất động sản. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, thực chất của giá bất động sản mấy năm gần đây không hề “mất” mà nó đang đi về phía giá trị thực sau bao nhiêu năm hè nhau thổi bong bóng “tăng tự do” chóng mặt trước đó. Bây giờ thấy xuống còn một nửa thì nghĩ là rẻ. Thực ra nói rẻ cũng chỉ là một sự so sánh với thời kỳ cao điểm mà thôi.
Chúng ta thử làm phép tính: cứ cho giá đất nền “bèo” đến mức 15 triệu đồng trên 1 mét vuông như chương trình phóng sự nọ chẳng hạn. Như vậy gia đình nào muốn có mảnh đất cỡ 100 mét vuông thì móc ra khỏi ví không được phép ít hơn 1,5 tỷ đồng (sau đó cũng phải khoảng ngần ấy nữa để làm nhà). Tổng cộng, tại thời điểm được coi là “bèo”, ai đó muốn có một căn nhà “trệt” để thỏa mãn giấc mơ trở thành công dân thủ đô cũng phải ngót nghét 3 tỷ đồng.
Giả sử lấy mức lương trung bình của công chức (tạm tính 5 triệu đồng), cộng thu nhập tiền lương 2 vợ chồng là 10 triệu đồng. Chi phí ăn tiêu tằn tiện lắm chắc cũng hết không dưới 7 triệu, còn 3 triệu tích cóp mua đất làm nhà. Như vậy, một cặp vợ chồng công chức muốn mua được đất, làm được nhà cũng phải tích lũy liên lục khoảng… 85 năm! “Rẻ” đấy ư? Không, vẫn chưa rẻ, đất Hà Nội (và cả nhiều đô thị khác) thực chất mới chỉ đỡ đắt hơn mà thôi.
Còn chuyện giá nhà chung cư, nếu so sánh giá nhà chung cư ở Hà Nội với nhà chung cư ở các đô thị khác thì giá chung cư Hà Nội tất nhiên “anh chị” hơn nhiều, “anh chị” nhất nước! Tại sao cùng chi phí vật liệu và nhân công như nhau mà giá lại khác nhau? Do nhu cầu của thị trường, chính nhu cầu của bong bóng thị trường đã biến đất trở thành tội đồ treo giá căn hộ chung cư ở Hà Nội lên gần với mây xanh như vậy. Đất đắt thì căn hộ cũng phải đắt, thế thôi! 
Có một thực tế là hầu hết tâm lý người Việt vẫn “sướng” nhà “trệt” hơn căn hộ chung cư. Chính điều này ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đất ở và tỷ lệ diện tích xây dựng của đô thị. Ai cũng biết nếu cùng một lượng dân số như nhau thì xây dựng chung cư sẽ tiết kiệm được diện tích đất hơn, cơ hội cho không gian cây xanh, hạ tầng giao thông cũng thông thoáng hơn. Biết vậy nhưng “hổng” thích “zậy”, ấy cũng là một nghịch lý. Và cũng chính nghịch lý này đã làm cho giá đất nền bỏ xa giá chung cư trong suốt một thời gian dài.
Trở lại với vấn đề giá đất giá nhà mấy ngày qua. Người ta đua nhau nhận định “thị trường bất động sản đang ấm lên”, thậm chí có tờ báo còn giật tít “Một mét vuông mỗi ngày tăng một triệu” làm cho không ít người có nhu cầu mua đất làm nhà thật bắt đầu sốt ruột. Và đội “cò” nhà đất bắt đầu xuất hiện, cái gọi là “tiền chênh” đã ngấp nghé hình thành. Không nghi ngờ gì nữa, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi liệu có phải một cơn sốt ảo đã bắt đầu… âm ấm? Và liệu nó có là dự báo nguy cơ một trận “ốm” thiệt đang hình thành? “Sốt” ảo nhưng rất có thể “bệnh” thật, một nghịch lý cung cầu?
À, mà cũng lạ, thường thì khi bị ế, người bán hàng sẽ chấp nhận hạ giá bán đến mức người mua không thể bỏ lỡ, ấy mà bất động sản “nhà mình” nó khác. Mấy năm trời gọi là “thị trường đóng băng” các nhà đầu tư vẫn “nắm tay nhau” để vượt qua. Kể cả thời điểm cam go nhất thì giá bất động sản vẫn nằm xa ngoài tầm với của thu nhập công chức. Có người khen mấy “ông” nhà đất “bản lĩnh” thật, bằng chứng là cả mấy năm trời giá bất động sản lao dốc, nhưng thử hỏi có nhà đầu tư nào bán đổ bán tháo đâu. Thị trường bất động sản có thể “chết” nhưng nhà đầu tư thì kiên quyết không thể… “hy sinh”? Đó cũng là nghịch lý?
An Khánh