Phép trừ vô cảm

(Baonghean) - Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2014, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định không còn bệnh nhân phải nằm ghép là 1 trong 7 nhiệm vụ cấp bách của ngành. Và “nhất hô, bá ứng”, lập tức tại hội nghị có ngay lãnh đạo của 13 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Như một hiệu ứng dây chuyền, sau đó không lâu, nhiều bệnh viện cũng lên tiếng cam kết là không để bệnh nhân nằm ghép theo các mức độ khác nhau... 
Sự hưởng ứng nhanh chóng và mạnh mẽ đó khiến nhiều người cảm thấy hào hứng chen lẫn xúc động, vì cho hành động đó là thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả ngành Y tế đột phá vào khâu khó nhất, ì ạch nhất trong nhiều năm qua. Với khí thế đó, chắc sẽ tạo ra được một bước ngoặt mới trong công tác khám, chữa bệnh. Nhưng, cũng có người lo ngại là sự hưởng ứng mau chóng, rộng rãi mà chưa có thời gian chuẩn bị chu đáo e sẽ nặng tính phong trào, thiếu thực chất. Sự nghi ngờ đó, không phải là không có cơ sở.
Vì lẽ, muốn không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép, nhất là ở các bệnh viện tuyến trung ương thì phải giảm được lượng bệnh nhân từ các nơi dồn về, bằng cách nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến cơ sở. Hoặc là, phải cơi nới hay xây thêm để có thêm giường bệnh cho bệnh nhân. Cả 2 phương án đó đều phải có thời gian chuẩn bị chứ không thể nói một cái là làm ngay được. Còn nếu để thực hiện ngay được cái cam kết rất khó đó, thì chỉ có cách là đẩy nhanh tiến độ khám, chữa bệnh và rút ngắn thời gian điều trị, phục hồi sức khỏe để tăng cao mật độ luân chuyển bệnh nhân. Đi cùng với đó là siết chặt việc chuyển viện và đưa bệnh nhân ra điều trị ngoại trú để bớt chỗ nằm. 
	Tranh minh họa - Internet
Tranh minh họa - Internet
Kết cục là, sau mấy tháng triển khai thực hiện, sự lo ngại đó đã được hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể. Như lời một chị có con đang điều trị chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Nhi phàn nàn: “Trước đây, được điều trị nội trú, khi cháu bị sốt hay có hiện tượng gì bất thường thì có thể gọi ngay bác sĩ, nhưng nay phải ra ở ngoại trú, có vấn đề gì thì lại phải mất thời gian cho cháu nhập viện. Thật nhiêu khê quá đi!”. Rồi chị quả quyết, đây chắc là do bệnh viện đã cam kết không để xảy ra tình trạng nằm ghép, nên tìm mọi cách để giải phóng bệnh nhân càng sớm càng tốt đây mà. Vậy là quyền lợi của những bệnh nhân như con tôi đã bị co hẹp lại để được việc cho bệnh viện.
Còn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì để nhanh chóng thực hiện được cam kết “không nằm ghép”, người ta sáng tạo ra cách kê thêm giường ở hành lang bệnh viện. Cho dù, hành lang rất rộng và sạch sẽ, mùa hè vẫn có quạt mát, mùa đông có máy sưởi để phục vụ người bệnh. Thêm vào đó, khi được hỏi, các bệnh nhân đều khẳng định, họ cảm thấy rất thoải mái và cho biết nằm ngoài thoáng mát hơn nằm trong. Nhưng thú thật là vẫn cảm thấy việc thực hiện cam kết vẫn có gì đó chông chênh, chao đảo, thiếu bền vững. Còn ở các bệnh viện tuyến Trung ương, không ít trường hợp vừa mới phẫu thuật xong, vết thương chưa thật sự ổn định đã được các bác sĩ ký lệnh chuyển về các bệnh viện tuyến dưới để điều trị tiếp. Khiến bệnh nhân không khỏi chạnh lòng, lo lắng về sự an toàn sức khỏe của chính mình.
Và người ta cứ nghĩ, bệnh viện “đẩy” họ đi là vì để có chỗ cho người khác, khỏi lâm vào tình trạng nằm chung, nằm ghép chứ không hẳn là vì bệnh tình đã ổn định. Trong khi đó, các bệnh viện vẫn chưa có một bộ phận dạng như “kiểm toán độc lập” để kiểm chứng và xác định rằng việc cho ra viện sớm hơn thường lệ. Mà như lời một bác sĩ thổ lộ: “Đồng ý giải quyết việc nằm ghép là khâu đột phá của việc chống quá tải.
Tuy nhiên, hiện chúng ta đã có đủ kế hoạch tiềm lực và sự chuẩn bị để giảm thương vong cho khâu đột phá này chưa? Hay chúng ta đã thật sự có đủ quy trình đánh giá chuyên môn để quyết định nhập viện và xuất viện đúng thời điểm, không nguy hiểm cho bệnh nhân chưa? Để giải bài toán quá tải, phải giải quyết vấn đề từ gốc, phải có triết lý phục vụ thích hợp, từng bước chuyển đổi hệ thống, tách biệt giữa phục vụ và cung cấp dịch vụ y tế, xây dựng một hệ thống, bao gồm nhân lực, vật lực, khả năng quản lý, đủ sức đáp ứng với nhu cầu”. Chứ không phải là nói lấy ngay và làm lấy được. Có vẻ như người ta làm vậy là để giữ đúng cam kết hơn là vì người bệnh.
Cho nên, mới xảy ra câu chuyện một gia đình có đứa cháu 4 tháng tuổi, do sinh non nên thường mắc các bệnh về đường hô hấp, đã 3 lần phải điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi T.Ư. Lần nào cũng chỉ khỏi được 70 - 80% là bác sỹ đã “cho về”. Và vì thế, bệnh cứ tái phát đi tái phát lại. Gia đình của cháu xin ở lại để điều trị dứt điểm, bác sỹ không đồng ý, vì tiếp tục ở lại thì làm gì có giường, nằm ghép thì tuyệt nhiên không được rồi. Dĩ nhiên, chuyện buồn đó không phải là phổ biến nhưng nó cứ cồm cộm, canh cánh trong lòng. Cổ nhân có câu “Dục tốc bất đạt", cái gì làm nhanh quá thì thường không đạt được như ý muốn. Không chỉ vậy mà sẽ có thêm rất nhiều hệ lụy từ những cam kết "nóng" này và những hệ lụy sẽ bắt chính những người bệnh mà ngành Y đang mong muốn cho họ được hưởng lợi lại phải gánh chịu những thiệt thòi. 
Đừng để việc chấm dứt tình trạng nằm ghép như là cách giảm bớt người nằm viện một cách cơ học. Đừng nên coi việc “không nằm ghép” như là một thành tích, để rồi trở thành một phép trừ vô cảm, miễn là đạt được cam kết, bất chấp tất cả?!
Bụt Sơn