"Tận thu" lòng nhân ái?

(Baonghean) - Thú thực, khi đọc bài báo “Quyên góp như thế, nên chăng?”, của nhóm phóng viên đăng trên báo Nghệ An (ra ngày 13/4/2015), phản ánh về hoạt động thiện nguyện của các học sinh khuyết tật, đang “tỏa” xuống các trường khu vực miền núi để biểu diễn văn nghệ nhằm huy động quyên góp tiền, đặc biệt qua những hình ảnh trên báo chí, chắc ít ai có thể cầm lòng trước hoàn cảnh và những số phận của các cháu. Vâng, đấy là những đứa trẻ khuyết tật, tạo hóa đã lấy đi của các cháu sự may mắn, nhưng bù lại cho tạo hóa đã hun đúc trở thành những con người tràn đầy lạc quan và nghị lực vươn lên.
TIN LIÊN QUAN
Được biết, “diễn viên” của buổi văn nghệ giao lưu, “trừ nữ trưởng đoàn và tài xế là lành lặn, còn lại là người khuyết tật”. Thật xót xa và cũng đầy cảm động! Như vậy, đây là nhóm văn nghệ của học sinh khuyết tật. Các cháu được người “lành lặn” dẫn đi giao lưu với học sinh tại các trường học miền núi. Một hoạt động ngoại khóa tuyệt vời, các cháu quả là những tấm gương nghị lực rất đáng biểu dương, rất đáng tuyên truyền, rất đáng “giao lưu”. Tuy nhiên, chuyện sẽ không có gì phải nói nếu nó nằm ngoài chữ “quyên góp”. Được tiếng là “giao lưu” nhưng có kèm theo hòm từ thiện. Lâu nay chuyện vận động ủng hộ người khuyết tật hiển nhiên là bình thường và đáng khuyến khích, nhưng băn khoăn là nằm ở chỗ đối tượng tham gia chương trình lại là học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đã thế cách triển khai của những người ‘lành lặn” trong chuỗi hoạt động này có cái gì đó chưa thực sự thuyết phục.
Qua ý kiến của vị Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, là bởi vì “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng họ đến để giao lưu văn hóa, văn nghệ, đưa học sinh đi như một hình thức ngoại khóa chứ không biết có tình trạng quyên góp, ủng hộ tiền. Kỳ Sơn còn rất nghèo, gia đình các em học sinh và giáo viên đang thiếu thốn đủ bề...”. Còn ông Trần Xuân Bí, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh lại nói: "Bây giờ mới có thông tin”, ông cũng chẳng ngại ngần bày tỏ quan điểm: "Đến Kỳ Sơn giao lưu văn nghệ thì còn được chứ đến đấy để kêu gọi giúp đỡ thì thật vô lý...". 
Vậy là đã rõ! Hôm nay, viết những dòng này, tôi không muốn và cũng không thể nặng lời với những gì thuộc về thiện nguyện. Tuy nhiên, sự sẻ chia của tình nhân ái phải xuất phát chính từ tình nhân ái. Nó là sự phát tâm, nó chảy một cách không ồn ào từ cội nguồn rất sâu xa của lòng trắc ẩn. Nhân ái là thứ không thể vật chất hóa, là thứ không thể mua, không thể trao đổi nhưng rất tiếc đôi khi nó lại có thể bị lợi dụng. Tôi tin những người đang dẫn các cháu đi hát kia đã có sự chuẩn bị nhất định về lý lẽ, rất có thể người ta có cơ sở về mặt thủ tục pháp lý hay tiêu chí phục vụ để hợp thức cho hoạt động của mình. Chúng ta cũng không thể phủ nhận việc các cháu tật nguyền lên sân khấu hát múa sẽ có tác dụng khích lệ, tiếp thêm nghị lực phấn đấu của học sinh nơi vùng sâu, vùng xa. Với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, biết tiết kiệm một chút tiền quà để làm thiện nguyện chia sẻ với người khuyết tật hiển nhiên là hoạt động hướng các cháu về phía nhân văn, nó có giá trị giáo dục tình yêu thương giữa con người với con người. Đó cũng là giáo dục đạo đức.
Thật tiếc, một hoạt động ý nghĩa và cao cả như thế mà vừa qua lại làm cho người ta có cảm giác ngờ ngợ. Hội Khuyến học tỉnh “không biết”, ủy ban huyện thì “tưởng” là chỉ có giao lưu nên mới “tạo điều kiện”. Liệu có xảy ra trường hợp ai đó lành lặn đã “lẻn” đưa các cháu khuyết tật tranh thủ “đi cơ sở”? Xin lỗi, nói điều này thật cay đắng, tôi cũng không có ý định vơ đũa cả nắm nhưng trên thực tế đã có những trường hợp sử dụng người khuyết tật như một công cụ kiếm tiền. Tuy tình trạng này chưa phổ biến, mức độ, hình thức, đối tượng, địa bàn có thể khác nhau nhưng không phải là không có. 
Hoạt động thiện nguyện trước hết và luôn luôn phải chính danh, minh bạch và đàng hoàng, thiếu một trong 3 thứ đó thì sẽ khó có được thứ quan trọng nhất là lòng tin. Thưa rằng, chúng ta không ai đề cập nhiều đến chuyện tiền nong, quả thực với những hoàn cảnh khuyết tật thì mọi sự bù đắp nếu tính về giá trị vật chất thì đều là muối bỏ biển. Tuy nhiên, tôi cứ ám ảnh mãi về một phóng sự truyền hình chiếu cảnh học sinh miền núi tỉnh nhà phải dựng lán cạnh trường để trọ học. Bữa ăn thì cơm trắng trộn với mấy cọng canh rau rừng, phong phanh tấm áo giữa cái lạnh co ro… Có thể nói, nhìn về “năng lực tài chính”, tôi nghĩ rằng học sinh dân tộc thiểu số này chắc cũng chả hơn gì mấy cháu khuyết tật kia. Nếu các cháu học sinh vùng miền núi nhà mình quyên góp chia sẻ với các bạn khuyết tật thì cũng là “lá rách nhiều đùm lá rách nhiều” mà thôi. Vận động quyên góp thì đúng rồi, nhưng liệu đã đến mức đoàn phải về đến tận nơi “hang cùng ngõ hẻm,” nơi những đứa trẻ vượt rừng đi tìm con chữ để đặt hòm từ thiện hay chưa? Thiết nghĩ nếu không hiểu, không chủ động chia sẻ hoàn cảnh các cháu học sinh miền núi thì quả thật cũng khó mà trọn vẹn lòng thương với trẻ tật nguyền. Giá như có điều kiện, mời đoàn ghé thăm, “giao lưu” một bữa trưa tại lán trọ của các cháu vùng sâu thì ý nghĩa biết bao. 
Tổ chức các hình thức vận động đóng góp chia sẻ với người khuyết tật là một nghĩa cử cao đẹp cần được tôn vinh. Tuy nhiên, hơn bất cứ thứ gì, làm từ thiện không thể xuất phát ở đâu khác ngoài cái tâm, nó chắc chắn phải là phi lợi nhuận. Không ai có quyền làm khổ các cháu khuyết tật, cũng đừng ai buộc những đứa trẻ không còn gì chia sẻ vẫn phải để sẻ chia. Lòng nhân ái bao la lắm, biết vậy, nhưng có lẽ đừng “tận thu” nó!
Nguyễn Khắc An