Từ lô chè tẩm hóa chất

(Baonghean) - Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện 12 tấn trà tẩm hóa chất của cơ sở  Đông Phương (ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Theo chủ cơ sở này khai thì cứ 3kg trà được tẩm 1g bột hóa chất hương liệu không rõ nguồn gốc. Phân tích những mẫu này, TS Phạm Thành Quân, Khoa công nghệ hóa học, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hóa chất trên xếp loại độc hại gốc hữu cơ, vì vậy ngâm tẩm các chất này lâu ngày, liều lượng cao, người ngửi, uống bị chóng mặt, thậm chí ngất xỉu do tác động lên hệ thần kinh. Thông tin này cùng với việc một số lô chè xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài trả lại… càng làm cho người tiêu dùng phân vân, lo ngại.
Từ xưa tới nay, cây chè xanh được xem là loại cây sạch nhất. Nhà ông bà ngoại tôi cũng trồng một vườn chè nhưng chưa bao giờ phun thuốc trừ sâu hoặc các hóa chất khác. Mùa mưa, nụ chè đua nhau vọt lên, dì tôi cặm cụi hái và sao được vài ki-lô-gam chè, gọi cho mãi chẳng ai chịu nhận bởi chê chè của dì quê mùa. Giờ nghe thông tin chè bị tẩm hóa chất mới thấy những bọc chè dì là đặc sản và “sạch 100%”. Không phải chỉ riêng nhà ngoại trồng chè sạch mà hầu như cả làng ở quê tôi trồng chè để uống và bán ở các chợ. Lâu nay, nhiều vùng quê của Nghệ An, cũng triển khai các vườn chè VietGap, tạo sự yên tâm cho sản phẩm chè. Đã có những tổ chức đứng ra xây dựng mô hình chè VietGap như Trạm khuyến nông, Hội phụ nữ, nông dân... 
Ấy vậy mà những thông tin khắp nơi chè nhiễm hóa chất, chè tẩm hương liệu độc hại khiến người tiêu dùng lo lắng, còn người trồng chè sạch bị vạ lây. Cây chè đã là cây xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng quê, trở thành sản phẩm xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới. Nhưng chính hành động của các doanh nghiệp chế biến, tẩm hương liệu vào chè, khiến cho các sản phẩm chè của Việt Nam đứng trước những đe dọa khó lường. Chuyện chè tẩm hóa chất chỉ là một trong những hàng hóa khác trôi nổi trên thị trường nhưng mức độ nguy hại không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng mà còn là rào cản bước chân người tiêu dùng đến với hàng hóa Việt. Hệ lụy là người nông dân một nắng hai sương sẽ gặp muôn vàn khó khăn, bởi sản phẩm họ làm ra sạch nhưng “đến bàn ăn” của người tiêu dùng đã bị các doanh nghiệp chế biến làm “bẩn”!
Châu Lan