"Chấm điểm" người đứng đầu

(Baonghean) - Đầu năm nay Bộ Nội vụ đề ra chỉ tiêu, đến năm 2021 cả nước phấn đấu giảm biên chế 10%. Điều này, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải nỗ lực sắp xếp bộ máy lãnh đạo quản lý gọn nhẹ. Với quyết tâm của Đảng, Chính phủ, đợt giảm biên lần này cần đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và cần có cơ chế tạo việc làm cho người bị giảm biên chế… 
Phục vụ chủ trương này, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ Chính phủ và các cấp rà soát lại bộ máy quản lý, nghiên cứu rõ mỗi cơ quan, đơn vị cần giảm bao nhiêu người và có thể sáp nhập những đơn vị có tính chất gần giống nhau để giảm bớt đầu mối. Các bộ, các cơ quan ngang bộ, các ban của Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội tùy theo nhiệm vụ lãnh đạo quản lý cần bao nhiều tổng cục, vụ, viện? Các tỉnh, thành phố quận, huyện cần tính toán các ban, ngành phù hợp thực tế của địa phương, không nhất thiết ở Trung ương có các ban, ngành thì ở tỉnh, thành cũng bắt buộc phải có. Các tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu sáp nhập các ban, ngành như tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện.
Giảm biên chế là công việc yêu cầu thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Như vậy, ở Trung ương, các bộ, các cơ quan ngang bộ, các ban của Đảng cũng cần tinh giản từ các vị trí phó trưởng ban, tổng cục, vụ viện; cùng đó, mỗi bộ phận cần giảm theo bao nhiêu cán bộ, công chức. Điều cốt lõi là các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình độ năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ để đưa ra khỏi biên chế. Theo đó, ở cấp quận, huyện cũng nghiên cứu tinh giản những vị trí yếu kém. Như vậy, đã có hàng nghìn cán bộ được giảm biên. 
Công tác giảm biên chế là việc làm hết sức hệ trọng, cấp ủy, chính quyền người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải hết sức công tâm trong quá trình xét duyệt, tránh tình trạng cảm tình, nể nang, định kiến hoặc trù dập, để rồi có một số người yếu kém thì được giữ lại, người có năng lực lại phải ra đi. 
Một vấn đề đặt ra là sau khi giảm biên chế, cần tạo điều kiện cho những người bị giảm biên tìm kiếm được việc làm và thu nhập để ổn định cuộc sống. Bởi vậy, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp, có thể hỗ trợ học nghề, nâng cao trình độ hay giới thiệu cho họ tìm việc làm ở các doanh nghiệp, nhà máy…
Để thực hiện tốt công tác giảm biên chế trong bộ máy Nhà nước, đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra đôn đốc của các cấp, ngành; đồng thời có cơ chế biểu dương, khen thưởng những đơn vị, địa phương hoàn thành tốt và phê bình, kỷ luật những cơ quan, đơn vị thực hiện chưa hiệu quả hoặc không thực hiện. Quá trình đó, cần “chấm điểm” người đứng đầu, tăng cường trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Thái Dương