Để ngành chè phát triển bền vững

(Baonghean) - Chè là một trong những cây trồng được xác định là mũi nhọn, tạo sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Nghệ An là địa phương có diện tích chè vào loại lớn của cả nước với hơn 12.000 ha trong đó, diện tích chè kinh doanh gần 8.000 ha. Sản lượng chế biến hằng năm đạt 9 - 10 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu từ 5.000 - 6.000 ngàn tấn. 
Từ chỗ chỉ có Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An hiện nay đã xuất hiện nhiều đơn vị đầu tư vào sản xuất, chế biến chè (chủ yếu là đầu tư vào công đoạn chế biến sản phẩm). Việc đầu tư nhà xưởng, thiết bị chế biến chè không chỉ có các công ty có số vốn lớn mà ngay cả người dân cũng tham gia. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn tỉnh có hơn 60 cơ sở chế biến chè thủ công có công suất từ 0,5 tấn - 10 tấn/ngày hoạt động. Đặc biệt, tại địa bàn xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) có tới 34 cơ sở chế biến chè thủ công. Việc có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư cho thấy ngành chè đang “ăn nên làm ra”, người dân trồng chè tiêu thụ sản phẩm dễ hơn, giá cả cạnh tranh hơn, nhưng nếu không quản lý tốt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Không kịp thời nhìn nhận để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục ngay từ bây giờ thì trong tương lai gần, ngành chè Nghệ An sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. 
Trong chế biến nông sản nói chung, chế biến chè nói riêng, xây dựng cơ sở chế biến luôn song hành với đầu tư phát triển nguyên liệu. Bộ NN&PTNT đã quy định các cơ sở chế biến phải quy hoạch được nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được 60% công suất chế biến. Việc phát triển các cơ sở chế biến một cách ồ ạt trong thời gian qua đã phá vỡ cân bằng nguyên liệu chế biến chè của tỉnh, đẩy các cơ sở chế biến chè của Nghệ An vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành nguyên liệu. 
Đầu tư nhà xưởng, thiết bị trong ngành chế biến chè cũng rất bất cập, xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, đặc biệt là quản lý các cơ sở chế biến chè thủ công quy mô hộ. Với kinh phí hạn chế, người dân chỉ có thể đầu tư nhà xưởng, thiết bị đơn giản, công nghệ lạc hậu, sản phẩm của các cơ sở này sản xuất ra chỉ dừng lại ở mức sơ chế và được bán cho các công ty tư nhân trong và ngoại tỉnh để tái chế. 
Vốn đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, vốn lưu động để thu mua nguyên liệu của người dân chủ yếu huy động từ vốn vay. Có thể huy động từ vay ngân hàng, người quen và có cả huy động từ nguồn vay nóng trong thời gian cao điểm của vụ sản xuất. Sản phẩm bán ra chỉ được trả chậm trong khi tiền đầu tư trang thiết bị, mua nguyên liệu lại phải trả ngay. Theo ý kiến của chính những người trong cuộc hiện là chủ cơ sở sản xuất chè thủ công tại huyện Thanh Chương, rất nhiều cơ sở chế biến chè đang gặp nhiều khó khăn về vốn, đã có một số cơ sở chế biến chè trong tỉnh phải đóng cửa.
Nguyên liệu chè tươi cung cấp cho các nhà máy trong tỉnh cũng gặp nhiều bất cập. Để sản xuất ra sản phẩm chè đạt chất lượng, theo quy định chỉ thu hái đọt chè theo quy cách 1 tôm 2-3 lá. Quy cách thu hái này đảm bảo chất lượng nguyên liệu đưa vào chế biến, đồng thời dành sức cho cây chè phát triển. Thực tế hiện nay không ít hộ  dân cắt cả những cành chè dài 15-20 cm để nhập cho các cơ sở chế biến. Khai thác theo hình thức cạn kiệt như vậy không chỉ làm giảm chất lượng nguyên liệu mà còn có nguy cơ dẫn đến kiệt quệ cây chè, làm giảm tuổi thọ vườn chè. 
Với thực trạng như đã đề cập ở trên đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân liên quan phải chủ động trong công tác quản lý, sản xuất nguyên liệu, chế biến sản phẩm. Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An cần phát huy vai trò là đơn vị đầu tàu trong việc đầu tư phát triển chè của tỉnh, đổi mới cơ chế quản lý kinh doanh, chủ động trong phát triển nguyên liệu, thu mua và đầu tư dây chuyền thiết bị chế biến đảm bảo sản xuất sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Giữa công ty với chính quyền địa phương và người dân trồng nguyên liệu cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau tạo mối liên kết bền vững. Thu mua nguyên liệu cho người trồng chè hợp lý cả về giá cả và phương thức thanh toán đảm bảo cho người dân, trên cơ sở phân khúc lợi nhuận một cách hợp lý giữa công đoạn kinh doanh, chế biến và nguyên liệu.  
UBND các huyện có vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến chè cần tăng cường vai trò quản lý tại địa bàn. Chủ động các phương án có thể xảy ra, nhất là  tại các địa phương có số lượng cơ sở chế biến thành lập quá nhiều như huyện Thanh Chương. Với các địa phương chưa phát sinh nhiều cơ sở chế biến thủ công cần cân nhắc khi cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị, cá nhân đầu tư chế biến chè tại địa bàn. Do chế biến chè được xếp vào loại sản xuất có điều kiện nên trước khi cấp giấy phép hoạt động các địa phương cần cân đối vùng nguyên liệu của mình. Tuyệt đối không cấp phép cho các cơ sở không đảm bảo yêu cầu. Có thể đề nghị các sở, ngành đơn vị chuyên môn thẩm tra về năng lực tài chính, trang thiết bị, nhà xưởng, điều kiện sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cũng cần được chú trọng. Bên cạnh vai trò quản lý của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, nên chăng tạo điều kiện để chính các cơ sở chế biến hình thành hiệp hội để giám sát lẫn nhau, đồng thời giảm được sự cạnh tranh không lành mạnh. 
Định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của tỉnh Nghệ An, cây chè vẫn được xác định là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế. Để thực sự đưa ngành chè phát triển một cách đồng bộ, bền vững, các vấn đề tồn tại nêu trên của ngành cần được khắc phục.
Thái Tuấn (Sở Nông nghiệp)