Tăng năng lực hội nhập kinh tế cho doanh nghiệp vừa nhỏ

(Baonghean) - Thời gian gần đây, với việc liên tục đàm phán với các nước và các tổ chức thương mại quốc tế và khu vực như để gia nhập các khu vực mậu dịch tự do FTA với các đối tác hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP..., Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Nói một cách nôm na và ngắn gọn là với việc gia nhập các hiệp định thương mại trên, hàng hóa của chúng ta có cơ hội để đến với thị trường lớn hơn, có giá trị hơn trên 1 đơn vị hàng hóa để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, khi mở cửa, gia nhập thị trường quốc tế mà cụ thể là ký kết các Hiệp định mậu dịch tự do FTA (hiện Việt Nam đã và đang ký với khoảng 15-16 đối tác) cùng với việc tìm kiếm thị trường mới ưu đãi về thuế cho các sản phẩm của Việt Nam, thì cũng đồng nghĩa với việc thị trường Việt Nam với gần 90 triệu dân sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp nước ngoài. Lâu nay, sở dĩ hàng hóa nước ta, trong đó phần lớn là từ doanh nghiệp, trang trại có quy mô vừa và nhỏ tồn tại được là do chúng ta có hàng rào thuế quan bảo hộ với những sắc thuế nhập khẩu lên tới hàng chục phần trăm, thậm chí có thời điểm Nhà nước không cho nhập. Còn hiện nay, theo các hiệp định thương mại đã ký thì Việt Nam buộc phải mở cửa, trong đó một số dòng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp thuế suất nhập khẩu chỉ còn 5-10%, thậm chí 0% (ngoại trừ một số dòng có thỏa thuận riêng về lộ trình thực hiện) nên nền sản xuất trong nước đối diện với nhiều nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Như đã biết, khi Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, thì không chỉ một khâu nào đó trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay một bộ phận doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, mà là ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế đất nước, trong đó khâu sản xuất là dễ bị “tổn thương” nhất, tiếp đó là khâu lưu thông, dịch vụ. Hãy hình dung mỗi kg đùi gà Mỹ (phần ngon nhất của con gà) hay 1 kg cam từ Nhật khi sang nước ta, với chi phí vận chuyển lớn nhưng giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng/kg như các phương tiện truyền thông đã đưa tin cách đây vài tháng; trong khi thịt gà và cam sản xuất ở trong nước có mức giá bán gấp đôi, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Chúng ta đều biết, ngoại trừ Trung Quốc, hàng hóa đến từ các nước Mỹ, Nhật hay Úc đều có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hơn hẳn và giá cả lại rẻ hơn, khi vào ồ ạt thì hàng hóa sản xuất trong nước sẽ cực kỳ khó khăn, nếu không có thay đổi mang tính đột phá.

Trong khi thời gian để chuẩn bị không còn nhiều và gần như đang trong giai đoạn đếm ngược (một số dòng sản phẩm sau khi ký kết và triển khai đã có hiệu lực, một số sắp có hiệu lực), thì các doanh nghiệp, trong đó nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nghệ An đang bỡ ngỡ, dường như đứng “ngoài cuộc”. Toàn tỉnh có trên 10 ngàn doanh nghiệp, trong đó gần 9 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến thức về hội nhập còn rất hạn chế. 2 năm lại đây, ngoại trừ 5 lớp đào tạo cho khoảng 200 cán bộ quản lý (CEO) doanh nghiệp, cả tỉnh chỉ mới tổ chức được 1 lớp tập huấn ngắn hạn cho gần 100 doanh nghiệp về thuế và kê khai thuế (bao gồm cả nội dung chuẩn bị cho hội nhập quốc tế)... Nghệ An là tỉnh nông nghiệp, việc gia nhập thị trường quốc tế cũng mang lại cho các mặt hàng nông sản tỉnh ta cơ hội khi thị trường lớn hơn, giá trị cao hơn nhưng đồng nghĩa cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những cầu nối, “bà đỡ” để đưa sản phẩm của nông dân đến với thị trường nên phải chủ động đổi mới để thích nghi với bối cảnh hội nhập, nếu làm chủ được lộ trình hội nhập thì không chỉ tránh được những thua thiệt trong ký kết làm ăn với đối tác mà còn tìm kiếm cơ hội đi lên cho chính mình; ở chiều ngược lại, nếu không làm chủ được thì chúng ta không chỉ “thua trên sân nhà”, mất thị trường mà còn đổ vỡ, phá sản, ảnh hưởng đến chính tương lai doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nền sản xuất nội địa.

Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc rà soát để tiết giảm chi phí sản xuất, một trong những việc làm cấp thiết và quan trọng đối với tỉnh ta là phải tổ chức tập huấn, quán triệt cho các doanh nghiệp kiến thức về hội nhập, nhất là các hiệp định liên quan trực tiếp đến sản xuất của các doanh nghiệp như FTA, TPP… để doanh nghiệp chủ động về tinh thần, có kế hoạch thích nghi với điều kiện mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt hơn để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí, từng bước làm chủ thị trường trong tỉnh, trong nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.

Hà Phương