Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm: Vì sao vẫn thiếu và yếu?

(Baonghean.vn) - Chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề bức xúc trong toàn xã hội. Mặc dù đã có Luật ATTP và có nhiều chỉ đạo, điều hành về công tác này, nhưng trong thực tế, vấn đề ATTP vẫn không quản lý nổi.

Theo đánh giá của Chính phủ, để triển khai thực hiện Luật ATTP, Chỉ thị của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách pháp luật chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung nguồn lực tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản cũng như tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.

Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm quy định ATTP còn ở mức cao, các sự cố về ATTP chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân và làm giảm khả năng tiếp cận thị trường các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Một số mặt hàng thủy sản bị cấm nhập khẩu do không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh minh hoa: Internet.
Một số mặt hàng thủy sản bị cấm nhập khẩu do không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh minh hoa: Internet.

Đáng lưu ý là bên cạnh các lý do khách quan thì một trong các nguyên nhân chủ quan là nhiều địa phương chưa xác định trọng tâm để tập trung nguồn lực chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm một số tồn tại đã lâu chưa được giải quyết như chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong rau quả, chè, thịt, thủy sản…

Đặc biệt là hệ thống Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản mặc dù đã được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố nhưng đang rất yếu và thiếu, cả về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm và kinh phí, con người. Vì vậy, nhiệm vụ được giao thì nặng nề, nhưng chỉ làm được một phần, ảnh hưởng đến hiệu quản quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.

Kiểm tra thủy, hải sản nhập khẩu
Kiểm tra thủy, hải sản nhập khẩu. Ảnh: Internet.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản theo hướng tăng biên chế.

Tuy nhiên, đành rằng việc bổ sung cán bộ cho nhiệm vụ này là cần thiết, nhưng thiết nghĩ với bộ máy hành chính nhiều nơi còn “dư thừa”, số cán bộ công chức ngồi chơi xơi nước lãnh lương đủ ngày càng nhiều.. thì việc tăng thêm biên chế cần rất được cân nhắc kỹ càng. Bởi lẽ, nếu không tính toán đúng, tính đủ thì người vẫn tiếp tục dư thừa, chi phí hành chính từ ngân sách nhà nước tiếp tục nặng nề mà hiệu quả công việc không được bao nhiêu.

Điều quan trọng là cần tuyển lựa, đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có, bố trí ưu tiên lao động có trình độ sang thực hiện nhiệm vụ này… sẽ hiệu quả hơn tuyển dụng mới. Bên cạnh đó, điều quan trọng chính là ưu tiên bố trí đủ diện tích làm việc, phương tiện, trang thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm và kinh phí hoạt động cho các Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản trong triển khai các nhiệm vụ theo phân công.

Và nguồn kinh phí này có thể dùng chính nguồn dành để trả lương cho lao động tuyển mới, vừa phát huy được hiệu quả đồng lương nhà nước, vừa cải thiện được tình trạng thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quan trọng này.

T.V (tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN