Đường một chiều và văn minh đô thị

(Baonghean) - Tuyến đường Đinh Công Tráng và Ngư Hải (TP Vinh) được thí điểm đường một chiều. Điều đáng nói là không ít người vẫn cố tình vi phạm khi vắng lực lượng chức năng. 

Tại điểm giao nhau đường Lê Mao và Ngư Hải, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông TP Vinh đã túc trực và nhắc nhở người dân đi đúng quy định đường một chiều.
Tại điểm giao nhau đường Lê Mao và Ngư Hải, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông TP Vinh đã túc trực và nhắc nhở người dân đi đúng quy định đường một chiều.

Đã từng nhiều lần chịu cảnh tắc nghẽn ở đoạn đường Đinh Công Tráng nên tôi hết sức vui mừng khi thành phố Vinh chủ trương thí điểm phân luồng đường một chiều đối với các tuyến đường Đinh Công Tráng và Ngư Hải.

Và chắc rằng cũng có rất nhiều người dân thành phố thường đi lại trên tuyến đường này phấn khởi như tôi.

Đúng như mong đợi, việc phân luồng đã làm giảm đi rất nhiều cảnh tắc nghẽn ở tuyến đường Đinh Công Tráng, nhất là vào giờ tan tầm.

Những ngày đầu tiên thí điểm phân luồng, các cảnh sát giao thông đã tận tình đứng đón đầu ở từng tuyến để hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng quy định.
Còn cơ quan chức năng thì treo hẳn băng rôn lớn ở đầu lối rẽ vào đường một chiều để nhắc nhở. Các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội cũng vào cuộc tuyên truyền tích cực cho việc phân luồng này. Bởi ai cũng biết rằng, người dân quê mình mặc dù thành phố đã lên đô thị loại 1 từ lâu, nhưng cái nếp văn minh của đô thị thì có khi vẫn như thời lúa nước. 
Thật đúng như dự báo của các cơ quan chức năng, đã có rất nhiều người không hề để ý biển báo, cứ theo thói quen mà đi vào đường ngược chiều, khiến cho cảnh sát giao thông vô cùng vất vả trong những ngày đầu thực hiện thí điểm phân luồng.
Điều đáng nói hơn là, có nhiều người rõ ràng đã nhìn thấy tấm băng rôn hướng dẫn, nhìn rõ biển báo và thừa biết về quy định đường một chiều, nhưng hễ vắng bóng cảnh sát giao thông tại đầu các tuyến đường thì lại cố tình đi vào đường ngược chiều.
Việc làm đó không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, cho những người khác, mà khiến cho văn hóa giao thông, văn minh đô thị không thể được hình thành.
Vẫn biết rằng, để có được văn minh đô thị đòi hỏi một quá trình xây dựng rất dài, trong đó hàm chứa cả yếu tố văn hóa và yếu tố kinh tế, kỹ thuật, nhưng có thể nói, việc chấp hành luật giao thông là một việc làm đơn giản và tối thiểu để góp phần xây dựng nên văn hóa giao thông, văn minh đô thị.
Ai cũng muốn mình được sống trong một môi trường văn minh, văn hóa, ai cũng muốn thành phố của mình là một thành phố "đáng sống", thế mà chỉ vì để tiết kiệm một chút thời gian, một đoạn đường ngắn, nhiều người đã sẵn sàng vi phạm quy định về an toàn giao thông, sẵn sàng phá vỡ cái văn minh đô thị đang từng bước được hình thành trên thành phố này. Mới thấy là, văn minh đô thị thật chẳng dễ dàng gì để mà xây dựng được!
Bảo Ngân
TIN LIÊN QUAN