Cà phê và sự tử tế

(Baonghean) - Chúng ta uống cà phê mỗi ngày. Chúng ta cũng đọc báo mỗi ngày. Có cả ngàn bài báo lên án cà phê dởm xài hóa chất chợ Kim Biên, cà phê đội lốt chồn, cà phê bản chất là bột bắp với bột đậu nành rang cháy, ướp vị đắng của thuốc sốt rét ký ninh…

Vì thế, đang có cả ngàn quán cà phê mọc lên với chữ “Sạch” đứng đầu menu đồ uống. Bán thực phẩm sạch dựa trên nỗi sợ hãi của bà nội trợ là chiêu marketing quen thuộc. Sự tử tế của người bán cà phê đôi khi chỉ dừng ở mức độ dùng cái chữ “cà phê Sạch” ấy là cam kết cuối cùng. Sau khi báo chí và đám đông lên án người bán vô lương tâm, bán cà phê dởm. Nhưng ngồi cà phê cuối tuần chỉ một buổi thôi mới thấy, khách cà phê cũng phong trần lắm, chẳng phải khách nào cũng tử tế.
Quán cà phê bán chỗ ngồi chứ không chỉ bán cà phê!
Minh Họa: Nam Phong
Minh họa: Nam Phong
Thế nhưng vô số người không chịu hiểu điều ấy! Họ không thể chấp nhận rằng tiền chỗ ngồi ở một quán mặt hồ rộng, có nhạc hay, phục vụ chuyên nghiệp, chỗ giữ xe đẹp và ghế đẹp, góc nhìn đẹp, thì tiền chỗ ngồi đắt hơn tiền cà phê! Họ gọi một tách cà phê sau đó ngồi cả nửa ngày ở đấy! Họ cắm mặt vào cái máy di động. Và thậm chí xài hết cả pin, thì họ cắm sạc để ngồi lì tiếp ở đó!
Họ ngồi một mình ở cái bàn to nhất, rộng nhất, góc nhìn đẹp nhất. Và ngồi tới mức khách hàng mới và nhân viên phục vụ phát nản! Họ không cần đếm xỉa đến việc, nếu không phải họ “tới sớm, xí chỗ” ở đó, thì một buổi chủ quán có thể bán được hai bàn khách tại đó, cho dăm bảy, thậm chí mươi - mười hai người khách đi nhóm thích chọn chỗ ngồi thoáng và tầm nhìn đẹp.
Nếu khách hàng uống cà phê có trình độ văn hóa tối thiểu, biết học thuộc lòng câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” thì sẽ hiểu ra rằng: Đi quán một mình, hay kể cả hai mình đi chăng nữa, cũng đừng chiếm cái bàn hoành tráng nhất. Chịu khó ngồi ghế nhỏ chỗ khuất, bàn vừa đủ để xài.
Chi phí khách hàng thường như sau: Hàng phở: 30 nghìn và 20 phút. Hàng bún chả: 25 nghìn và 20 phút, quán cà phê: 17 nghìn và 200 phút. Vâng, nếu bạn ngồi trong nhà hàng, 200 phút ấy bạn phải tiêu tiền triệu. Hãy nghĩ tới quyền của người bán trước khi đòi người ta tôn trọng quyền lợi người mua - một người ngồi lì hưởng máy lạnh trước mặt cốc nước lạnh tanh như bạn!
Và tiền một cốc cà phê chỉ tương đương với tiền chỗ ngồi 1 tiếng đồng hồ! Nếu ngồi tiếp, làm ơn gọi đồ uống tiếp! Bất cứ thứ gì. Ngồi 1 tiếng rưỡi, là phải biết ý gọi tiếp đồ uống thứ hai! Hãy nhìn mặt người chứ đừng cắm mặt vào màn hình. Gọi thêm ly nước tiếp theo chính là một hành vi tử tế, với chính bản thân mình đầu tiên.
Một lần, tôi nhìn thấy người khách đi một mình sử dụng hết một cái bàn đủ 8 người ngồi. Anh ta cho lên mặt bàn bữa trưa mua từ ngoài mang vào quán cà phê (dù quán cà phê có bán bữa trưa văn phòng). Anh ta cho lên bàn đống đồ lỉnh kỉnh vừa mua từ ngoài phố về, đặt lên chiếc máy tính đang mở ra để làm gì đó. Đặt thêm lên đó túi xách, chùm chìa khóa, một bó to hoa tươi chắc vừa được tặng, cuốn tạp chí miễn phí dọc đường cũng chiếm chỗ. Người khách không quên tháo đôi tất đang đi dưới chân bỏ luôn lên bàn để đôi chân mát mẻ.
Cũng có lần tôi thấy, đám khách rời quán cà phê, bỏ lại trên bàn là các túi hộp mở tành banh chứa đồ ăn thừa, xương gà mang từ ngoài vào ăn rồi vứt bừa, giấy ăn lỏng chỏng, nước thừa đổ lênh láng, bã cà phê trong phin được trộn với tàn thuốc lá khi họ bạ đâu cũng gạt tàn thuốc vào đấy! Họ đi và bỏ lại sau lưng “một trời rác rưởi”, mà ngay cả chủ quán cũng không thể hiểu, vì sao ta lại phải dọn đám xương cắn dở này?
Bạn là ai mà bắt người khác trở thành công nhân vệ sinh của bạn? Việc mang rác của chính bạn về nhà bạn, sẽ không làm giảm danh dự của một người đàn ông phong cách hay một người đàn bà sành điệu. Sự đắt tiền của son môi hay túi xách không cứu vãn được sự rẻ tiền của một cô gái trẻ phun vỏ hạt dưa phì phì xuống đất xung quanh chỗ mình ngồi!
Quán cà phê không thu phí trông xe, nhưng không có nghĩa là, bạn đi shopping cả buổi rồi quay lại quán cà phê, lấy xe đi chẳng nói năng gì!
Nếu lỡ để xe quán này mà ngồi nhầm quán kia, không sao đâu. Nhưng lúc đi ra nhớ trả tiền trông xe cho nhân viên phục vụ, đó là liêm sỉ tối thiểu. Nước, giấy, điều hòa, điện, thang máy, cốc mới… tất thảy đều là tài nguyên. Việc một người vớ nguyên hộp khăn ăn trên bàn để lau đôi giầy bẩn, rồi tống rác cả lên mặt bàn, cũng khiến người khác rùng mình chẳng kém việc, vào quán công cộng mở phim sex với âm thanh đủ nửa quán nghe thấy.
Ôi, tôi nhớ quá cái thời xa xưa, hình ảnh người con gái khép nép, dắt xe tần ngần trước cửa quán cũ, trong một buổi chiều đầu hạ, gió rất nhiều. Và lá bay ngoài kia như cả một trời thương nhớ!
Trang Hạ