Tại sao cứ phải nhậu?

(Baonghean.vn)- Đôi khi tôi rất muốn gặp anh, vì anh là người rất thú vị. Nhưng tôi hãi anh, vì cứ gặp anh là phải uống rượu. Tại sao lại cứ phải có rượu mới là cuộc gặp nhỉ?

Ngồi nhâm nhi cà phê với người bạn thân ở nước ngoài về, tâm sự vui vẻ, thoải mái, chân tình, cởi mở, đôi bên cùng trao đổi và cùng biết thêm được rất nhiều thông tin. Điều đặc biệt là, mỗi khi hẹn gặp, bạn đều từ chối mọi cuộc bia rượu, chỉ lựa chọn hoặc chấp nhận ngồi cà phê. Lâu dần, tôi chợt nhận ra rất hứng thú, dễ chịu khi gặp bạn. Vừa nhẹ nhàng, vừa thân thiết, hình như bất cứ lúc nào cũng có thể gặp mà không phải lo ngại điều gì, kể cả về “chi phí”...

Ở Việt Nam, nhậu nhẹt cũng được xem là một loại nặng lực? Ảnh Internet
Ở Việt Nam, nhậu nhẹt cũng được xem là một loại nặng lực? Ảnh Internet

Có lẽ, có sự cảm nhận dễ chịu như vậy là do trong tôi đã có sự so sánh, liên hệ giữa những lần gặp bạn tại quán cà phê, với vô số lần gặp gỡ với những người anh, người bạn, người em trong cuộc sống, trong công việc tại các nhà hàng, quán ăn, các tiệc nhậu tại nhà... Rằng thì, có rất nhiều người hễ gặp nhau là cứ phải diễn ra ở nhà hàng, ở quán xá, kể cả nếu tổ chức gặp gỡ ở nhà thì cũng phải cứ có cốc bia, chén rượu, dĩ nhiên bao giờ cũng có “người lái” – mồi nhậu “đưa đường” bia rượu.

Có phải, từ lâu rồi, trong rất nhiều người đã ngầm tồn tại một quan niệm rằng cứ phải có cốc bia chén rượu, phải chén chú chén anh thì đó mới là cuộc gặp gỡ thật sự. Thậm chí, cứ phải vào nhà hàng thật sang thì mới thật sự tôn trọng người được mời? Cứ phải gọi món đắt tiền, gọi nhiều món thì bữa tiệc mới sang? Kể cả ở nhà cũng vậy, cứ phải bày soạn mâm cỗ thật nhiều món, ăn cứ phải thừa mứa, thì như thế mới cho là “được”?

Biết rằng uống nhiều rượu, bia, vừa rất mệt, lại tốn kém. Vừa ảnh hưởng sức khỏe, lại hao tổn cả túi tiền. Khi vào cuộc rượu còn có hiện tượng “ép tửu”. Dù ai cũng biết câu “tửu bất khả ép”, nhưng lại sinh ra câu “ép bất khả từ”. Thật là vô cùng khổ sở cho những ai tửu lượng kém, hoặc mang trong mình bệnh tật phải kiêng rượu. Thôi thì phải nhận đủ thứ khích bác, dè bĩu, chê bai. Ở một số nơi người lãnh đạo, người đứng đầu uống nhiều rượu, hoặc nghiện rượu, thì chỉ khổ cho những anh cấp dưới “năng lực” bia rượu kém. Nhiều lúc, khả năng uống rượu, chịu trận về rượu, than ôi, cũng được coi là một dạng... năng lực (!)

Đó là chưa kể, sau cuộc nhậu còn phải lái xe về nhà. Nhiều lúc sáng hôm sau tỉnh rượu không nhớ nổi mình đã về nhà bằng cách nào, như thế nào, dù biết rằng chính mình đã điều khiển phương tiện về nhà. Ban đầu còn tự sướng, tự khen mình đã rất... tài. Nhưng khi chứng kiến ngày càng nhiều vụ tai nạn giao thông do bia rượu, thì rất nhiều những sớm mai tỉnh rượu, nghĩ lại đường về tối qua mà sợ toát cả mồ hôi hột.

Hiện trường một thanh niên đâm chết bạn nhậu ở Bình Thuận. Anh Internet.
Hiện trường một thanh niên đâm chết bạn nhậu ở Bình Thuận. Ảnh Internet.


Đã uống thì thường đi kèm với ăn. Sự ăn cũng là một sự tốn kém. Đôi khi, miệng ăn không đáng bao nhiêu, nhưng cứ phải cho... mắt ăn. Tức phải gọi cho nhiều, bày soạn cho nhiều, chủ yếu là để... đẹp mắt. Bởi thực tế nhiều cuộc rượu các thực khách chỉ ăn rất ít, khi đứng dậy ra về mâm đĩa có lúc còn nguyên. Ấy là cái chứng “no bụng đói con mắt”.

Bây giờ, ở quán nhỏ, mỗi bữa nhậu rất khó dưới 500.000 đồng, còn ở nhà hàng thì tùng tiệm lắm cũng không thể dưới 1.000.000đ. Vì thế, với những cuộc người nhậu cùng “Lệ Quyên”, “Campuchia”, “Gópbachốp” (quyên góp, chia tiền, góp tiền trả) thì còn đơn giản, dễ chịu. Chứ nếu một người phải “gánh” thì quả là cũng hơi bị nặng. Nếu là người hưởng lương công chức, viên chức, thu nhập vừa và thấp, thì mỗi lúc trả tiền, dù cố tỏ ra tươi cười nhưng soi gương thì thấy méo hết cả mặt!

Còn nữa, nếu coi sức khỏe là vốn quý, là tài sản quan trọng bậc nhất, thì quả không có gì phá hoại tài sản này bằng các cuộc nhậu. Bia rượu phá hoại hệ thần kinh, ảnh hưởng trí nhớ, rồi tim mạch, mỡ máu, men gan, “lục phủ ngũ tạng” không gì là không bị ảnh hưởng. Có không ít người, còn bị chứng loạn thần. Rượu vào nhời ra. Rượu vào người biến thành con. Rồi thì mất tình mất nghĩa, mất bạn bè, mất chức vụ, mất công việc, có người còn mất mạng. Còn các món nhậu cũng thế, những bệnh gút, tiểu đường... đều là tương lai gần không phải chờ lâu của các khách nhậu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.

Điều lạ là đã nhận ra vô số tác hại của nhậu, thế mà vẫn cứ có tâm lý khó tránh, khó từ chối việc tổ chức hoặc tham gia các cuộc nhậu. Bản thân tôi đã từng nghĩ, giá như mình có thể gặp ông A, ông B mà không phải uống rượu thì hay biết mấy. Hoặc, giá như vị thủ trưởng A, lãnh đạo B, mà không uống rượu, không nghiện rượu thì tuyệt vời biết mấy...

Có rất nhiều người bạn cực kỳ thú vị, trong đó có một người anh lúc nào tôi cũng muốn gặp, nhưng tôi chỉ ước giá như được gặp anh mà không phải trong cuộc rượu. Oái oăm là, cứ gặp anh là anh lại kéo vào nhà hàng, quán nhậu, hoặc chí ít cũng phải nhậu... tại gia. Thành ra, đôi khi xảy ra điều rất mâu thuẫn là thâm tâm rất muốn gặp anh, nhưng lại vô cùng ngại... phải gặp.

Chính vì vậy, sau khi người bạn ở xa về, tôi và bạn chỉ gặp nhau khi uống cà phê, tôi cứ ước, giá như người bạn nào cũng thế thì thật là hạnh phúc. Nghĩ thế, tôi lại sợ những cuộc gặp, sợ cả chính mình, tại sao tôi không đủ bản lĩnh để cương quyết chỉ uống cà phê?

Chí Linh Sơn

TIN LIÊN QUAN