Vấn đề cán bộ và sự phát triển

(Baonghean) - LTS: Báo Nghệ An đăng tải ý kiến góp ý, đề xuất của độc giả nhằm xây dựng Nghệ An tỉnh quê hương Bác Hồ ngày càng phát triển. 

- Cần khẳng định rằng: Để phát triển kinh tế bền vững phải có chiến lược đúng dựa trên tư duy mới. Sau khi đã có chiến lược đúng phải có một chiến lược cán bộ đủ sức tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế. Nghệ An đã có được một đội ngũ cán bộ hiểu theo nghĩa rộng đủ để gánh vác trọng trách đó chưa? Để trả lời câu hỏi này, cấp tỉnh - huyện nói chung và từng ngành nói riêng phải tiến hành tổng kiểm kê, tổng điều tra cả về số lượng và chất lượng, về cơ cấu cán bộ của mình. Từ đó đưa ra kết luận: Cơ cấu cán bộ đã phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế? Số lượng cán bộ và chất lượng cán bộ các loại đủ, thừa, hay thiếu?

Từ kết quả điều tra và tổng kiểm kê, đối chiếu với đòi hỏi của chiến lược phát triển kinh tế để xây dựng chiến lược cán bộ mà mục tiêu là có được một đội ngũ cán bộ kinh tế với cơ cấu phù hợp, đủ về số lượng và có chất lượng cao (gắn với đòi hỏi lao động chất lượng cao).

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn kiểm tra rừng. Ảnh: Sỹ Thuần
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn kiểm tra rừng. Ảnh: Sỹ Thuần

Trước hết cần có nhận thức đầy đủ về cán bộ kinh tế:

- Đảng đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Do đó, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ. Từ trước cho đến nay, Đảng bộ, chính quyền các cấp, cơ quan công tác cán bộ từ tỉnh, các ngành kinh tế đến huyện và cơ sở chưa đặt đúng vị trí và vai trò của cán bộ kinh tế, chưa chăm lo công tác cán bộ kinh tế, mới lo cán bộ chung chung. Công tác cán bộ đang chạy quanh, thậm chí chạy ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế. Rất cần có nhận thức mới về vị trí và vai trò của cán bộ kinh tế.

- Để kinh tế phát triển bền vững, tỉnh, ngành, huyện phải có đội ngũ cán bộ kinh tế với cơ cấu hợp lý, đồng bộ tương ứng với cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành, của huyện. Phải có đội ngũ cán bộ kinh tế ít ra là khá trở lên nếu không muốn nói là phải giỏi. Các chính sách cụ thể thu hút nhân tài cho tỉnh, cho ngành, cho huyện trước hết phải là các nhân tài kinh tế. Bởi vì, hiện tại tỉnh, các ngành, các huyện đang rất thiếu cán bộ kinh tế. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, huyện ủy, Sở Nội vụ - các phòng nội vụ huyện, các phòng tổ chức của các ngành kinh tế phải trực tiếp chăm lo việc này, làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, cho thủ trưởng các ngành sau đó là chỉ đạo tổ chức thực hiện để có một đội ngũ cán bộ đủ sức đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển kinh tế.

- Đội ngũ cán bộ kinh tế mà chúng ta cần có, không đơn thuần là cán bộ kinh tế trong các cơ quan Đảng, Nhà nước mà bao gồm cả những cán bộ kinh tế làm việc ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đội ngũ này phải có những cán bộ đầu đàn ở các ngành, các lĩnh vực, các cây, con, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, ngành, huyện. Nhận thức về đội ngũ cán bộ như vậy mới phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế nhiều thành phần, nền kinh tế sản xuất hàng hóa lớn, nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ hiện đại, nền kinh tế thị trường có định hướng của thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện kiểm tra ruộng lúa và hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Như Trang
Cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện kiểm tra ruộng lúa và hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Như Trang

Vậy làm thế nào để có đội ngũ cán bộ kinh tế trên cơ sở nhận thức mới nói trên? Đó là:

- Từ nhận thức mới cần có, và qua tổng điều tra để có được kết luận: đội ngũ cán bộ kinh tế hiện tại ở tỉnh, ngành, huyện còn thiếu loại nào? Trình độ nào? và bao nhiêu? Từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trong từng năm, nhiều năm đi tới kết quả có được đội ngũ cán bộ kinh tế cần phải có với cơ cấu hợp lý và chất lượng tốt.

- Cơ quan tổ chức tỉnh, ngành trực tiếp đến các trường đại học (đào tạo cán bộ kinh tế) để chọn ngay từ đầu những sinh viên giỏi và con em của quê hương để có chính sách ngay từ đầu, khi họ tốt nghiệp sẽ thu hút về làm việc ở tỉnh, ngành, huyện.

- Chọn một số học sinh giỏi, có năng khiếu về kinh tế - kỹ thuật để gửi đi đào tạo các trường đại học trong nước, cần thiết thì ở nước ngoài với các chuyên ngành. Không chờ học sinh giỏi thi tuyển vào các khoa và chuyên ngành đó.

- Hàng năm chọn cử một số cán bộ đang làm việc ở các ngành kinh tế (cả kinh tế tổng hợp - kinh tế ngành). Gửi họ ra học và làm việc tại các Viện kinh tế - viện nghiên cứu, viện kỹ thuật để bố trí và nâng cao trình độ. Thời gian học và làm việc có thể từ 1 - 2 năm. Đây chính là nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đầu đàn ở từng lĩnh vực.

- Trường Chính trị tỉnh kết hợp với Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày (2 - 3 ngày) cho lãnh đạo các doanh nghiệp, kịp thời cập nhật các tri thức, luật pháp kinh tế đặc biệt là các tri thức kinh tế thời hội nhập. Cần liên kết và tranh thủ các trường đại học, các viện ở Trung ương để xác định nội dung và bố trí giảng viên.

Lãnh đạo xã Yên Na (Tương Dương) và cán bộ khuyến nông xuống đồng cùng với người dân bản Bón.
Lãnh đạo xã Yên Na (Tương Dương) và cán bộ khuyến nông xuống đồng cùng với người dân bản Bón. Ảnh: P.V

Cuối cùng, là đối với đội ngũ cán bộ ở phường, thị trấn, xã: Hàng năm trường Chính trị tỉnh đều mở các lớp đào tạo cán bộ cơ sở. Ngoài chương trình “cứng” theo quy định của trên, cần có chương trình “mềm”, ngoài phần địa phương học, nên có nội dung về kinh tế để các cán bộ được đào tạo có tri thức kinh tế tối thiểu cần thiết, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức kinh tế ngay ở phường, thị trấn, xã.

Tỉnh ta muốn bứt phá để đi lên, nhất thiết phải có tư duy mới về kinh tế, có tầm nhìn thời cuộc về kinh tế. Công tác cán bộ nói chung, cán bộ kinh tế nói riêng cũng phải đổi mới tư duy và phải nâng tầm nhìn để có đội ngũ cán bộ kinh tế đóng vai trò quân chủ lực trong yêu cầu phát triển gia đoạn mới.

Trương Công Anh
 

TIN LIÊN QUAN