Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Các đại biểu đều đồng tình, thống nhất với việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành.

Sáng 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Luật Phòng, chống rửa tiền có bố cục gồm 4 chương, 63 điều. Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Phát biểu dẫn đề, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 được xây dựng trên cơ sở 40 khuyến nghị của FATF. Từ đó đến nay, FATF đã 11 lần sửa đổi khuyến nghị, do đó, một số quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 không còn phù hợp. Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình về việc cần phải sửa đổi Luật.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến vào sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền. Ảnh: Mỹ Nga

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến vào sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền. Ảnh: Mỹ Nga

Các ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu lại cách giải thích thuật ngữ, phải dễ hiểu, ngắn gọn, tránh chồng lấn với các thuật ngữ trong các Luật khác; tiếp tục rà soát thêm nội dung có liên quan trong một số hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ, thống nhất; rà soát các quy định được nội luật hoá các chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thể chế, điều kiện kinh tế-xã hội.

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại các khái niệm như: “giao dịch đáng ngờ”. Tuy nhiên, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, như: “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”... Xem xét điều chỉnh khái niệm giao dịch chuyển tiền điện tử và thuật ngữ “phương tiện điện tử”; xem xét với các giao dịch chuyển tiền, nhận tiền mà đối tượng báo cáo chính là người chuyển/nhận tiền.

Song song, cần làm rõ các tiêu chí xác định thế nào được coi là “tài sản có nguồn gốc từ tội phạm”. Căn cứ vào đó, các đối tượng báo cáo mới có thể có những căn cứ hợp lý để nghi ngờ các hoạt động này.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung kết luận hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung kết luận hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Kết luận hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, và trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội để rà soát, nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.

Tin mới