Tăng cường vai trò của cán bộ xã gắn trách nhiệm với dân

(Baonghean) - Nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp xã là phải thực sự gương mẫu, phát huy được vai trò người đứng đầu, sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thông điệp này được các đồng chí lãnh đạo tỉnh truyền đi trong nhiều cuộc làm việc, trên nhiều diễn đàn với đội ngũ cán bộ, đảng viên…

Nắm việc, hiểu dân

Xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc là điểm sáng về sự ổn định, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng tạo nền tảng phát triển bền vững. Có được điều đó là nhờ vai trò của cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở được phát huy, nhất là người đứng đầu. Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, Trần Văn Sao cho biết, thực tế công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị của nhân dân là việc làm thường xuyên, nhất là qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, vấn đề nào người dân còn thắc mắc đều được xã mời lên làm việc để trực tiếp xử lý. Vừa qua, xã Nghi Văn cũng là một trong ba địa phương của huyện Nghi Lộc được lựa chọn để đối thoại giữa Chủ tịch HĐND và UBND xã với nhân dân theo chủ trương chung của tỉnh và được đánh giá thành công.

Cán bộ bộ phận một cửa phường Lê Lợi (TP Vinh) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ bộ phận một cửa phường Lê Lợi (TP Vinh) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Lê

Đồng chí Trần Văn Sao cho biết thêm, qua đối thoại người dân thấy lãnh đạo xã trả lời cụ thể, rõ ràng và tiếp thu một cách cầu thị, do đó, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, tinh thần dân chủ, đoàn kết được phát huy. Tuy nhiên, điều mà người đứng đầu chính quyền xã này tâm đắc nhất chính là cơ chế đối thoại đã đặt ra “áp lực” và yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ xã. “Trách nhiệm của cán bộ, đặc biệt là người chủ trì phải nắm được cụ thể, phải làm, phải lăn vào công việc, có tính cầu thị thì mới được dân tin, dân ủng hộ. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã phải có giải pháp quản lý cán bộ, công chức để nâng cao hiệu quả công việc theo hướng ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Nếu lãnh đạo không nắm, không phân việc, không giám sát, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên thì hiệu quả công việc sẽ giảm”. Đồng tình với nhận định trên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nghi Lộc, Trần Xuân Quang bày tỏ, đối thoại giữa lãnh đạo HĐND, UBND cấp xã với nhân dân đã đặt ra vai trò, tránh nhiệm rất lớn đối với chủ tịch HĐND, UBND. Vì không giống như tiếp xúc cử tri là tiếp nhận ý kiến và có thể trả lời sau, đối thoại phải trao đổi tại chỗ, làm sáng tỏ và giải quyết dứt điểm những nội dung thuộc thẩm quyền với nhân dân. Do đó, trong quá trình điều hành, thực thi công vụ, cán bộ cấp xã phải thực sự sâu sát, nắm chắc công việc. 

Có thể nói, thời gian qua, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, thể hiện được tinh thần sâu sát cơ sở của đội ngũ cán bộ. Lâu nay, Quỳ Hợp đã duy trì hoạt động lãnh đạo cấp huyện về dự sinh hoạt với chi bộ. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo các phòng của UBND huyện được phân công phụ trách các xã, thị trấn thì đều sắp xếp, dành thời gian về sinh hoạt với chi bộ dân cư hàng tháng. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp, Nguyễn Tiến Cảnh cho biết: “Qua sinh hoạt, các đồng chí phụ trách địa bàn có điều kiện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cơ sở. Nội dung nào thuộc thẩm quyền, chức năng hoặc bản thân hiểu biết, nắm rõ thì trả lời, trao đổi luôn cho đảng viên cơ sở. Còn nội dung kiến nghị chưa trả lời được, mình tiếp thu báo cáo với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện để có giải pháp”. 

Tăng cường đối thoại cũng là giải pháp phát huy dân chủ được Thường trực Huyện ủy Đô Lương triển khai rộng rãi. Thời gian qua, gắn với các cuộc tiếp xúc cử tri, địa phương này đã yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, UBND cấp xã thực hiện đối thoại với cử tri để có câu trả lời cụ thể cho những vấn đề đặt ra. “Thực hiện cơ chế đối thoại trong Đảng, hàng quý, hội nghị giao ban của Thường trực Huyện ủy và bí thư, chủ tịch các xã, thị trực thuộc đã trở thành diễn đàn để trao đổi, giải quyết các vấn đề bức thiết từ thực tiễn đặt ra giữa cấp ủy cấp trên với cấp dưới, thay vì chỉ nghe ý kiến phát biểu một chiều từ cấp ủy cấp dưới và tổng hợp trả lời sau” - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương, Nguyễn Minh Hạnh cho biết.

Cán bộ, đảng viên phải “đi trước”

Có thể nói, trước những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển, đặc biệt là nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 -2020 và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, thì vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được đặt ra hết sức cao.

Trong mọi việc, yếu tố tiên quyết được đặt ra là chất lượng, trách nhiệm của những người làm việc trong hệ thống chính trị. Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, trước nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm nay là 8 -9%, trong khi 6 tháng đầu năm mới chỉ đạo 6,9%, một trong những giải pháp rốt ráo mà Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh là thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính. “Đó là nhiệm vụ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và của cả mỗi cán bộ công chức, viên chức. Cần nêu gương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, phát huy được vai trò của cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở cũng được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nêu lên trong nhiều cuộc làm việc với các địa phương và trên nhiều diễn đàn. Vừa qua, trong cuộc giao ban trực tuyến với Ban Thường vụ 21 huyện, thành, thị ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy một lần nữa đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này trong nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; trong đó phải tiếp tục thực hiện tốt đối thoại giữa chủ tịch HĐND, UBND cấp xã với nhân dân vì đây là kênh quan trọng mà mục tiêu chính mà tỉnh hướng đến là để lãnh đạo xã gắn trách nhiệm với nhân dân nhiều hơn.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12 –CT/TU ngày 29/6/2017 về tăng cường vai trò nêu gương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên. Chỉ thị nêu rõ, việc thực hiện các quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước về quản lý cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp; tinh thần trách nhiệm, thái độ trong thực thi công vụ, vai trò tự giác, gương mẫu trong đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, vẫn còn cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn hóa, chưa chấp hành nghiêm nội quy, quy chế về thực hiện tiết kiệm, còn lãng phí trong sử dụng thời gian làm việc, tài sản công gây phản cảm trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12. “Các đồng chí chú ý hơn tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh ý quan trọng nhất mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi thực hiện Chỉ thị 12.

Có thể nói, thông điệp nêu gương, gần dân, trọng dân, vì dân được các đồng chí lãnh đạo tỉnh truyền đi trong nhiều cuộc làm việc, trên nhiều diễn đàn với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Tinh thần đó cần được lan tỏa bằng việc đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc vì một nền hành chính công hoạt động hiệu quả và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh để thực hiện nhiệm vụ phát triển chung của toàn tỉnh.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới