Tạo sự năng động cho người dân

(Baonghean) - LTS: Báo Nghệ An đăng tải ý kiến góp ý, đề xuất của độc giả nhằm xây dựng Nghệ An tỉnh quê hương Bác Hồ ngày càng phát triển. 

Sau khi đọc bài “Cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp” trong chuyên mục “Diễn đàn” trên Báo Nghệ An số ra ngày 28/9/2016, đề cập việc phát huy, khơi dậy trí lực và sức lực tạo nền tảng cho việc phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của đất và người xứ Nghệ, tôi rất đồng tình.

Cho dù, đây chưa phải là tất cả mà mới chỉ là một trong các giải pháp, hướng đi cần thực hiện trong thời gian tới. Nhưng cái hay của cách làm này, nếu có giải pháp thực hiện tốt thì sẽ tạo được sự năng động trong mỗi người dân và tận dụng được hết các nguồn lực trong dân.

Để làm rõ hơn về khía cạnh này, tôi xin viện dẫn ra đây một câu chuyện có liên quan đến nghề làm bánh đa, mì, miến ở thị trấn Chũ thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Người dân Chũ có nghề làm bánh đa, mì, miến từ lâu đời.

Nhưng cách đây, chừng mười mấy năm, những mặt hàng đó của người dân vẫn chỉ quanh quẩn trong “ao làng”. Nghĩa là chỉ là cái nghề tay trái, nghề làm thêm, làm nếm lúc nông nhàn để kiếm thêm đồng ra, đồng vào mà thôi. Những thứ mì, miến, bánh đa trong mắt người dân thời đó vẫn chỉ là thức quà quê tầm thường dùng để đổi món ở chốn thôn dã. Không ai nghĩ đó sẽ là mặt hàng để làm giàu nên chỉ chăm chắm vào mấy sào ruộng.

Nhưng rồi, khi đồ ăn liền như mì tôm, miến, bánh đa lên ngôi. Người dân ở Chũ đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội kinh doanh làm giàu từ cái nghề truyền thống của mình. Hơn nữa, họ còn biết khai thác khía cạnh mặt hàng đồ khô của họ làm bằng phương pháp thủ công, không sử dụng các hóa chất bảo quản, không có chất dầu, mỡ để tạo dựng thương hiệu. Họ vẫn giữ nguyên cách chế biến có từ bao đời nay của họ, nhưng tất cả được gói ghém cẩn thận và đựng trong những bao bì đẹp. Có nhãn mác ghi rõ Mì Chũ, Miến Chũ, Bánh đa Chũ với ngày sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng. 

Ban đầu, những gói mì Chũ theo chân người dân xa quê để làm quà nơi xứ lạ. Rồi sau đó đi vào các sạp hàng ở chợ truyền thống khu vực phía Bắc. Sau đó, leo lên kệ hàng ở trong các siêu thị. Mì Chũ, Bánh đa Chũ, Miến Chũ nay đã trở thành thương hiệu mạnh, đưa lại nguồn thu không nhỏ cho người dân Chũ.

Dân Chũ giàu lên từ chính nghề truyền thống và từ sự năng động, sáng tạo của mình. Người dân thị trấn Chũ bây giờ không làm nông nữa mà chuyên chú vào nghề chế biến lương thực. Và ngẫu nhiên, trở thành một kênh chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn theo chủ trương mới.

Làm bánh đa ở xã Đặng Sơn (Đô Lương). Ảnh: P.V
Làm bánh đa ở xã Đặng Sơn (Đô Lương). Ảnh: P.V

 Liên hệ với quê tôi, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương của Nghệ An,  cũng có nghề làm bánh đa, mì, miến từ lâu đời. Có khi còn lâu hơn cả ở Chũ. Chất lượng, mùi vị thì khỏi chê. Mang đi làm quà tặng các bạn tỉnh xa ai cũng khen ngon.

Thế nhưng, cho đến nay, chẳng ai biết đến, ngoài những người ở quê. Sản phẩm làm ra cũng chỉ theo kiểu tự cung, tự cấp. Không mở rộng ra được vì không có nơi tiêu thụ, không biết cách xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm nên không khai thác được thế mạnh từ nghề truyền thống như người dân Chũ.

Họ không bứt phá, không vươn lên được là vì họ thiếu sự năng động, nhạy bén với thời cuộc, không biết tự tạo ra cơ hội kinh doanh để làm giàu.

Tất cả những cái không, những cái thiếu khiến họ trở nên trì trệ, thụ động đó chính là do họ thiếu động lực, thiếu khát khao vươn lên làm giàu mà luôn bằng lòng với những gì mình có, và thế là “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.

Bánh Ngô, món đặc trưng của bản Cảnh Cáp, xã Tam Thái (Tương Dương). Ảnh: Thu Hương
Bánh Ngô, món đặc trưng của bản Cảnh Cáp, xã Tam Thái (Tương Dương). Ảnh: Thu Hương

Trong khi đó, ở Ninh Bình, chỉ từ miếng cơm cháy giòn, thơm từ đáy nồi mà một chàng thanh niên trẻ đã biến nó thành món ăn đặc sản được đóng gói bán khắp mọi miền Tổ quốc; vừa làm giàu cho mình, làm rạng danh cho quê hương, vừa tạo việc làm cho không ít lao động nông thôn có thu nhập ổn định.

Làm giàu không hề dễ, nếu không có khát vọng cháy bỏng thôi thúc trong người thì không thể nào đêm ngày trăn trở, nghĩ suy, tìm tòi để mở ra hướng đột phá vươn lên.

Kể lại hai chuyện khởi nghiệp thành công để thấy rất cần phải khơi dậy, phải tạo dựng tinh thần khởi nghiệp trong mỗi người dân. Một khi, người dân tự ý thức được thì họ sẽ tự tìm hướng đi, tự đem sức lực, trí tuệ, của cải của mình tạo ra cơ hội làm thay đổi cuộc đời mình và cả những người xung quanh. Và khi đó, họ tự nhiên trở thành những con người năng động.

Sản xuất miến gạo ở xóm Trung Thành - xã Nghi Hoa (Nghi Lộc). Ảnh: Ngọc Anh
Sản xuất miến gạo ở xóm Trung Thành - xã Nghi Hoa (Nghi Lộc). Ảnh: Ngọc Anh

Người dân năng động thì con người và bộ máy cơ quan công quyền các cấp cũng phải năng động theo. Và thế là tất cả cùng năng động. Tinh thần khởi nghiệp sẽ tạo ra sự năng động. Và ngược lại, sự năng động sẽ là yếu tố cần thiết cho khởi nghiệp thành công. Và khi đó, dù không có nhiều tiềm năng, thế mạnh thì với sự năng động họ sẽ tự tạo ra thế mạnh cho chính mình.

Anh Tài

TIN LIÊN QUAN