Thanh tra trách nhiệm - cần nhân rộng ra!

(Baonghean) - Khi Thanh tra Chính phủ công bố bản kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thì khá nhiều người ngỡ ngàng. Vì lẽ, lâu nay thường chỉ nghe cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra vụ này, việc nọ mà hầu như chưa nghe nói về thanh tra trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thế nên, bản kết luận gây ra sự chú ý của đông đảo người dân cả nước chứ không chỉ riêng cư dân trên địa bàn thành phố sở tại. Và người ta lại phải tiếp tục ngỡ ngàng, khi thấy từ năm 2011 đến tháng 6/2014, ở thành phố giàu có và năng động nhất cả nước này đã xảy ra khá nhiều sai phạm liên quan tới trách nhiệm quản lý của người đứng đầu. Như, một số quận, huyện chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về công khai tài chính, ngân sách; một số sở, ngành không ban hành văn bản công khai tài chính. Việc mua sắm, sử dụng tài sản cũng như sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của một số cơ quan không được báo cáo Sở Tài chính, UBND thành phố. Việc quản lý nhà đất bị cho là đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. ssTính đến hết năm 2013, thành phố có 45.782m2 đất bị lấn chiếm; hơn 416.000m2 bị bỏ trống, cho thuê hơn 27.500m2... Nhiều công trình, dự án thi công chậm so với tiến độ phê duyệt, phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, tăng vốn ngân sách. Ngoài ra, có 993 hồ sơ thuê đất chưa ký hợp đồng thuê, 807 hồ sơ chưa xác định đơn giá theo quy định. Nhiều đơn vị không chấp hành nghĩa vụ tài chính với số tiền thuê đất lên đến 1.838 tỷ đồng và tiền sử dụng đất hơn 1.550 tỷ đồng. Một số dự án chậm triển khai hoặc giao đất, cho thuê đất thuộc trường hợp phải đấu giá nhưng không tổ chức đấu giá. Thành phố đã cho 8 tổ chức, cá nhân thuê hơn 15.000m2 để làm nhà hàng, bãi giữ xe... nhưng số tiền này sau khi trừ chi phí đã không nộp ngân sách nhà nước.… 
Những điều ấy, khiến cho ai nấy đều cảm thấy là tài sản công đang bị phung phí và lãng phí một cách bừa bãi. Song, điều đáng lo ngại hơn cả là nhiều vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng Chủ tịch UBND thành phố chưa quyết liệt xử lý, hoặc đã chỉ đạo nhưng các sở, ngành, quận, huyện còn viện dẫn lý do, chậm triển khai, khiến có ý kiến cho là đang có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.
Thật ra, thực trạng trên không chỉ riêng có ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu tiến hành thanh tra trên diện rộng thì chắc rằng, tỉnh, thành phố nào cũng đều có những “lỗi” tương tự. Và con số tài sản công bị lãng phí, thất thoát hay sử dụng sai chắc chắn sẽ ở các con số đủ làm choáng váng cho cả những ai bản lĩnh hay thờ ơ, vô cảm nhất. Thế nhưng, sai thì đã sai rồi, vấn đề quan trọng là sau thanh tra cần chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng buồn này để có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để. Đồng thời phải đưa ra được những chính sách, chế tài quản lý hữu hiệu để không thể lặp lại những hành vi, việc làm và cả những con số đau lòng đó.
Vấn đề nữa đang được dư luận quan tâm là đã chỉ ra được những “lỗ hổng” trong trách nhiệm quản lý cũng như hậu quả do “lỗ hổng” đó gây ra, thì việc xử lý trách nhiệm như thế nào để vừa thấu tình vừa đạt lý; lại vừa giữ vững được kỷ cương, phép nước.
Đây là một bài toán khó, vì ở ta tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách khó mà phân định cho thật rành rẽ đâu là trách nhiệm cá nhân và đâu là của tập thể. Thế nên, cần coi đây là một “đơn vị làm điểm” để tập trung xử lý cho thấu đáo và hoàn hảo. Phải làm cho bằng được điều đó; vì tình hình thực tế cho thấy cần có nhiều cuộc thanh tra trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý như đã làm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vì đây chính là một cách để nâng cao trách nhiệm và chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; góp phần xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thế nên, cần nhân rộng việc thanh tra trách nhiệm.
Duy Hương