Cơ hội hòa bình đang hé mở ở Libya

(Baonghean.vn) - Các lực lượng chính trị đối lập ở Libya vừa đạt được thỏa thuận hòa bình, hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và chấm dứt giao tranh. Đây được xem là cánh cửa mở ra một tương lai ổn định hơn cho đất nước Libya, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại đất nước này đang gây ra những hệ lụy không hề nhỏ đối với an ninh khu vực và quốc tế.

Sau nhiều tháng đàm phán dưới sự trung gian của Liên hợp quốc, Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya cùng lãnh đạo các vùng và địa phương đã ký thỏa thuận hòa bình hướng tới hòa giải nhân dân, đặc biệt trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, cả Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu đều thừa nhận, đây  mới chỉ là giai đoạn đầu của một tiến trình lâu dài và khó khăn. Văn kiện vừa được ký dù được đánh giá là một bước tiến quan trọng trên con đường hòa bình, song lại thiếu vắng một trong những tác nhân quan trọng nhất trong cuộc khủng hoảng là Đại hội nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội cũ của Libya) có trụ sở ở Tripoli nhưng không được quốc tế công nhận. Lực lượng chính trị này tham gia các cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình ở giai đoạn đầu, nhưng đã từ chối tham gia cuộc đàm phán mới nhất. Quốc hội ở Tripoli muốn có những sửa đổi mà lực lượng này mong muốn đối với một thỏa thuận hòa bình. Tuy  nhiên, theo nhiều nhà phân tích, nhiều  yêu cầu của Quốc hội ở Tripoli sẽ rất khó được các bên chấp nhận, đặc biệt là việc khôi phục quyền hạn của Tòa án Hiến pháp, cơ quan từng ra quyết định vô hiệu hóa chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông.

Các đảng phái ở Libya ký thỏa thuận hòa bình nhưng không có sự góp mặt của chính phủ có trụ sở ở Tripoli (vốn không được quốc tế công nhận). Ảnh: Internet.
Các đảng phái ở Libya ký thỏa thuận hòa bình mà thiếu sự góp mặt của chính phủ có trụ sở ở Tripoli (vốn không được quốc tế công nhận). Ảnh: Internet.

Một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya là điều có ý nghĩa quan trọng với người dân và đất nước này. 4 năm sau khi cựu Tổng thống M.Gaddafi bị lật đổ, nhiều người dân Libya đã quá thấm thía những gì mà cuộc binh biến mang lại và bắt đầu tiếc nuối những năm tháng sống dưới thời đại Gaddafi. Đất nước giàu dầu mỏ này đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội, trong đó quốc hội được quốc tế công nhận hoạt động tại thành phố Tobruk ở miền Đông còn quốc hội đối lập hoạt động tại thủ đô Tripoli. Một đất nước gần như bị chia cắt thành những khu vực riêng rẽ và bạo lực vì lợi ích của từng phe phái chắc chắn không phải là kiểu dân chủ mà người dân Libya trông đợi. Xung đột tại Libya đã dẫn tới khủng hoảng nhân đạo trầm trọng với ít nhất 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số thương vong do bạo lực ngày càng tăng. An ninh luôn bị đe dọa vì không có lực lượng quân đội nào đủ mạnh đứng ra bảo đảm trật tự đất nước. Những khoảng trống an ninh và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các phe phái Hồi giáo cực đoan khiến đất nước Libya đối mặt với vô vàn khó khăn. Libya được cho là nơi phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể thiết lập các vị trí trọng yếu chiến lược mới của mình nhằm mở rộng sự bành trướng ảnh hưởng vượt qua ranh giới Iraq và Syria. Thực tế, vào lúc các phe phái Libya vẫn còn bất đồng với nhau về việc thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc thì IS thông báo đã chiếm được thành phố Syrte, phía Bắc Libya. Tổ chức khủng bố này công bố trên Internet nhiều bức ảnh chứng minh là đã làm chủ thành phố duyên hải của Libya. Chính quyền Libya ở Tobruk được quốc tế công nhận đã cảnh báo nguy cơ IS đánh chiếm các khu vực khai thác dầu lửa ở gần Syrte.

Thế nên, giải pháp duy nhất và cũng là lối thoát cuối cùng cho Libya chính là chấm dứt nội chiến và lập ra một chính phủ đoàn kết dân tộc. Một bộ máy chính quyền hoàn chỉnh mới có thể mở ra tương lai ổn định cho quốc gia Bắc Phi này. Và đây cũng là điều mà người dân quốc gia này đang rất trông đợi.

Từ phương diện quốc tế, không chỉ các quốc gia khu vực mà cả Liên minh châu Âu đều mong muốn điều đó. Bởi dễ thấy nhất là cuộc khủng hoảng tại Libya đang đặt châu Âu vào một cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có, với làn sóng người di cư từ Libya không ngừng đổ về. Điều đáng ngại nhất là trong làn người di cư sang châu Âu có cả những chiến binh IS. Mới đây, cố vấn chính phủ Libya Abdul Basit Haroun cho biết, những kẻ buôn lậu đang giấu các tay súng IS trên những con thuyền chứa đầy những người di cư, cảnh sát châu Âu không phân biệt được ai là từ IS và ai là những người tị nạn thông thường. Theo ông Haroun, thông tin này đáng tin cậy vì ông đã có cuộc gặp với các chủ thuyền buôn người tại một số khu vực Bắc Phi. IS cũng thao túng các chủ thuyền buôn người, cho phép họ hoạt động nhưng yêu cầu họ cắt lại 50% lợi nhuận cho mỗi chuyến buôn người. Trên thuyền, các nhóm phiến quân thường ngồi tách biệt và tỏ ra không sợ hãi giống như những người di cư khác. Các quan chức Libya cũng cảnh báo, IS đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công tại châu Âu trong năm nay.

Chung quy lại, dù được nhận định còn nhiều khó khăn song một thỏa thuận hòa bình giữa các phe phái ở Libya cũng là dấu hiệu đầy lạc quan cho một tương lai mới cho quốc gia này.  

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới