Thầy cúng Chứ Nênh/Nả Nênh trong quan điểm người Mông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Theo quan niệm của người Mông, cơ thể người sẽ gồm 3 phần cơ bản: Phần thể xác (lub cev), phần tâm và phần hồn (ntsuj plig). Khi một người được chọn để có thể trở thành thầy cúng, phần hồn (ntsuj plig) sẽ được Khua Nênh thử nghiệm và mang đi học hỏi.

Trong ngôn ngữ Mông, txiv là bố, nam là mẹ; như vậy txiv neeb nghĩa là bố của neeb; nam neeb nghĩa là mẹ của neeb. Nếu dịch neeb sang tiếng Việt là cúng, ta sẽ thấy nghĩa gốc của txiv neeb - nam neeb là bố - mẹ của cúng thay vì thầy cúng. Để hiểu được vì sao những người thầy cúng được coi là bố mẹ của neeb, ta cần hiểu, neeb là gì, từ đâu đến, đến như thế nào?

Vũ trụ luận của người Mông

Người Mông tin rằng, thế giới được tạo ra bởi Ông Bà Sau (Yawm Saub - Puj Saub) và gồm 3 cõi tồn tại song song: Cõi sống (yaaj ceeb) - nơi các cá thể sống có cả thể xác và linh hồn, cõi chết (yeeb ceeb) - nơi các cá thể sống không có thể xác được cai quản bởi Ntxwg Nyoos và cõi trên (saum ntuj) - nơi sinh sống của những vị thần và tái sinh những linh hồn tới cõi sống hoặc đày ải tới cõi chết. 3 cõi này có những tương tác cơ bản với nhau để cuộc sống vận hành ở trạng thái cân bằng. Nếu trạng thái cân bằng của 3 cõi này không còn được duy trì, vũ trụ sẽ không thể tồn tại.

Thầy mo (người trùm khăn) thực hiện bài cúng trong một lễ mừng thọ ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu BNA

Thầy mo (người trùm khăn) thực hiện bài cúng trong một lễ mừng thọ ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu BNA

Sự ra đời của thần tổ cúng

Thần Chừ Nhù (Ntxwg Nyoos) là một vị thần có rất nhiều gia súc, gia cầm; ông ta luôn cần một lực lượng lao động đủ lớn để chăn nuôi, do đó, ông ta luôn tìm cách để mang những linh hồn từ cõi sống (yaaj ceeb) đi đến cõi chết (yeeb ceeb). Trong khi đó, nhiều người ở cõi sống không hiểu hết được cuộc sống ở cõi chết và thường xuyên xâm hại, xúc phạm đến cõi này, khiến cho thế giới đảo điên.

Để lấy lại sự cân bằng cho thế giới, Ông Bà Sau (Puj Saub - Yawm Saub) đã quyết định cử người con trai út của họ là Thần Sí Dì (Siv Yis) trực tiếp xuống cõi sống để sống như một con người. Thần Sí Dì được bố mẹ ban tặng cho lực lượng hầu cận để giải quyết những công việc xuyên cõi là những vị tiên vô diện chăm chỉ gọi là Khua Nênh (Qhua Neeb). Thần Sí Dì với sự trợ giúp của Khua Nênh đã nhanh chóng lấy lại sự cân bằng cho thế giới bằng khả năng bốc thuốc chữa bệnh (muab tshuaj) và khả năng giảng hòa những mâu thuẫn giữa các cõi thông qua những lễ cúng (ua neeb).

Cuộc sống tại cõi sống của Thần Sí Dì diễn ra rất suôn sẻ, ông cưới vợ, sinh con và có một cuộc sống bình dị bên cạnh nhiệm vụ giữ cho thế giới được bình yên, cân bằng. Rồi, một ngày nọ, những người tại cõi sống đã phản bội Thần Sí Dì. Có quan điểm cho rằng, nhiều người ở cõi sống đã leo lên chiếc thang nối giữa cõi sống và cõi trên do Thần Sí Dì tạo ra, điều này dẫn tới cõi trên bị quá tải và Thần Sí Dì phải trở lại cõi trên để giải quyết những người từ cõi sống này.

Quan điểm khác thì cho rằng, những người ở cõi sống đã không coi Thần Sí Dì và gia đình ông như những người bình thường, một lần, họ đã giết chết con trai của Thần Sí Dì khiến cho ông nổi giận mà bay trở lại cõi trên. Dù nguyên nhân là gì thì kết quả cuối vẫn là Thần Sí Dì quay trở lại cõi trên và từ trên cao ném lại những tri thức (txuj ci neeb) của mình xuống cõi sống, để lại những Khua Nênh sống lay lắt thành rất nhiều cụm nhỏ không đồng nhất.

Những người ở cõi sống may mắn và có tâm tính tốt sẽ vô tình nhặt được tri thức của Thần Sí Dì và thông qua sự huấn luyện của những Khua Nênh để trở thành người lãnh đạo mới của nhóm Khua Nênh này, qua đó có thể chỉ đạo Khua Nênh đi xuyên các cõi và phần nào nối tiếp sự nghiệp bốc thuốc chữa bệnh, hòa giải mâu thuẫn giữa các cá thể thuộc các cõi khác nhau của Thần Sí Dì. Những người được chọn này sẽ được gọi là bố hoặc mẹ của Nênh (txiv neeb/nam neeb).

Chiêng và giấy thờ tự làm là các vật dụng cần thiết để thầy mo tiến hành các nghi lễ. Ảnh tư liệu BNA

Chiêng và giấy thờ tự làm là các vật dụng cần thiết để thầy mo tiến hành các nghi lễ. Ảnh tư liệu BNA

Hành trình trở thành Chứ Nênh/Nả Nênh

Theo quan niệm của người Mông, cơ thể người sẽ gồm 3 phần cơ bản: Phần thể xác (lub cev), phần tâm và phần hồn (ntsuj plig). Khi một người được chọn để có thể trở thành thầy cúng, phần hồn (ntsuj plig) sẽ được Khua Nênh thử nghiệm và mang đi học hỏi. Do phần hồn thường xuyên rời xa thể xác nên người được chọn thường ốm đau, bệnh tật xuyên suốt quá trình rèn luyện.

Nếu vì gia đình hoặc bản thân người được chọn không biết nên xâm hại thể xác hoặc có những hành vi xúc phạm đến Khua Nênh có thể dẫn đến phần hồn không những không thể rèn luyện để có thể điều khiển những Khua Nênh làm việc, mà còn có thể lạc khỏi thể xác, dẫn đến cái chết cho người được chọn. Quá trình rèn luyện này được gọi là Mo Nênh (Mob Neeb), kéo dài bao lâu tùy thuộc vào từng cá nhân và hành trình của từng nhóm Khua Nênh yêu cầu.

Trong khi rèn luyện, Mo Nênh sẽ có nhiều giấc mơ, luôn gặp một hoặc một nhóm người nào đó dẫn mình đi đến nhiều nơi kỳ lạ như những vách đá siêu cao, những khe núi siêu rộng hoặc những cánh rừng rậm thâm u. Những người dẫn đường này thường xuyên dạy cho người được chọn cách để nói chuyện với những cá thể thuộc các cõi khác. Điều này được lý giải rằng, do phần hồn đã đi cùng với những Khua Nênh đi học nên người đó có cảm giác như đang mơ.

Hành trình Mo Nênh này sẽ kéo dài cho đến khi người được chọn đã học đủ năng lực để điều khiển Khua Nênh. Khi đó, người được chọn và gia đình (có thể có thêm người đồng hành, đặc biệt là người có năng lực tương tự người được chọn và đã trở thành thầy cúng) sẽ cần tổ chức một lễ Chang Thàng (Tsaa Thaaj) để lập một chiếc bàn thờ đặt ngay cạnh vị trí đặt bàn thờ thần nhà Sử Cang (Xwm Kaab), đặt giữa nhà, để Khua Nênh chính thức có chỗ cư ngụ trong nhà của người được chọn và sẽ cùng đồng hành dưới sự điều khiển của Chứ Nênh hay Nả Nênh.

Người Mông cho rằng, năng lực của thầy cúng hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của nhóm Khua Nênh phục vụ cho họ. Và do nhóm này không bao giờ đầy đủ như nhóm của Thần Sí Dì nên vĩnh viễn không có một thầy cúng toàn năng nào nữa, chỉ có những người thầy có năng lực siêu nhiên, khác người nhưng không toàn năng.

Chữa bệnh bằng lễ cúng

Người Mông quan niệm, một người ốm là khi thể xác gặp vấn đề, tinh thần gặp vấn đề và linh hồn gặp vấn đề. Nếu ốm đau do thể xác, người ta sẽ chữa trị bằng thuốc thang và can thiệp bằng y học hiện đại. Nếu ốm đau do tổn thương tinh thần, người ta sẽ có thể tìm đến bác sĩ chăm sóc sức khỏe tinh thần hoặc thông qua lễ cúng xem và trấn an - gọi là ua neeb saib. Còn nếu ốm đau do tổn thương về linh hồn (Ntsuj plig), sẽ cần lễ cúng để những người là Nả Nênh hay Chứ Nênh sử dụng năng lực kết nối các cõi và giải hòa thông qua việc sai khiến Khua Nênh. Như vậy, việc chữa bệnh bằng lễ cúng ở người Mông vừa bao gồm và vừa vượt ra khỏi khái niệm chăm sóc sức khỏe tinh thần (mental health).

Tin mới