Thế mà tôi cứ tưởng…

(Baonghean) Một ông đương chức, đi một quãng đường hàng trăm kilomet để đến chơi nhà một ông bạn đã về hưu. Hai ông tâm sự với nhau về nhân tình thế thái như sau:

Ông hưu trí: Vấn đề ông quan tâm nhất hiện nay là gì?

Ông đương chức: Là mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức tự giác để nhận ra “bộ phận không nhỏ” có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cơ quan đơn vị và trong chính gia đình mình, bản thân mình.

Ông hưu trí: Thế ở cơ quan ông có tìm ra “bộ phận không nhỏ” nằm ở đâu không?

Ông đương chức: Chưa tìm được. Kiểm điểm tự phê bình và phê bình cơ quan tôi cũng làm căng lắm, nhưng mới chỉ ra được một số vấn đề, sự việc hạn chế, khuyết điểm, và những việc cần làm ngay thôi.

Ông hưu trí: Tại sao vậy?

Ông đương chức: Vì ai cũng nêu ra ưu điểm, khuyết điểm của mình để người khác đánh giá, rồi người khác dựa vào đó để góp ý. Thế nhưng không ai chỉ ra ai là người thuộc về “bộ phận không nhỏ”, cũng như không ai tự nhận mình thuộc “bộ phận không nhỏ”.

Ông hưu trí: Thế là không có ý thức tự giác?

Ông đương chức: Ở cơ quan mình ý thức tự giác kém lắm. Không ai người ta tự nhận mình là người thuộc “bộ phận không nhỏ” đâu. Chỉ nhìn thấy xã hội xấu thôi. Còn cơ quan mình, hoặc bản thân mình thì họ trừ ra, coi như không tính.

Ông hưu trí: Thử ví dụ cụ thể xem?

Ông đương chức: Kể sao hết được. Ngay như một số bạn bè của chúng ta thôi. Một số người đặt ra yêu cầu cao với tuổi trẻ, rằng phải xông pha, cống hiến, hy sinh, thế nhưng với con cái trong nhà thì lại tìm cách chạy chọt xin xỏ để được về công tác ở những nơi nhàn hạ, “béo bở”.

Ông hưu trí: Ừ nhỉ! Cái này thì có.

Ông đương chức: Có người muốn xã hội không có người tham ô, tham nhũng, các công trình dự án không bị bớt xén. Thế nhưng lại muốn con cái mình làm việc ở những chỗ lắm lộc nhiều quà, nhiều dự án, công trình, có tỷ lệ phần trăm, hoa hồng cao.

Ông hưu trí: Đúng là có chuyện như vậy!

Ông đương chức: Có người luôn luôn kêu ca, phê phán về việc quan chức thời nay thường lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu vén cá nhân, có tư tưởng cục bộ, địa phương. Thế nhưng lại dương dương tự đắc về việc mình có quan hệ với người chức này quyền nọ. Rồi còn khen dòng họ mình có ông này làm to ông kia làm to, xin được cho khối đứa bằng mở, bằng mua, học hành nhì nhằng vào làm việc trong cơ quan Nhà nước.

Ông hưu trí: Cái này chắc chắn là có.

Ông đương chức: Rồi nữa. Có người luôn kêu ca phàn nàn về tình trạng quan chức sống quan liêu, xa dân, không chăm lo cho đời sống của nhân dân. Thế nhưng khi có chút chức quyền nhỏ trong cơ quan, đơn vị thì không quan tâm đến anh em, “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, hễ cấp dưới có sai phạm, khuyết điểm không bày vẽ, chỉ bảo, mà ra sức mạt sát, trù dập, không tiếc lời…

Ông hưu trí: Còn nhiều nữa không ông?

Ông đương chức: Nhiều mà. Đó là ví dụ cụ thể đó.

Ông hưu trí: Thôi, chuyện thiên hạ buồn thật. Nói chuyện chúng mình đi. Hồi này người ta sắm ô tô nhiều. Cậu có xe chưa. Cậu đến thăm tớ bằng phương tiện gì? Xe mượn hay xe mua đó?

Ông đương chức: À, kể ra thì tôi cũng có thể mua được ô tô riêng để đi rồi. Vì hồi này cũng có bổng lộc. Nhưng có chút chức vụ nên tranh thủ xe cơ quan mà đi đã, dại gì mua xe riêng, vừa tốn xăng, vừa phải bỏ ra khoản tiền lớn. Hôm nay tôi lấy xe “biển xanh” cơ quan đi thăm ông cho nó oách, rồi tiện thể đi một vòng đình, đền, chùa mấy tỉnh đầu năm luôn. Việc công mình không làm có người khác làm, đầu xuân đi chơi nhởi, du xuân đã. Ông thấy có hợp lý không?

Ông hưu trí: Thật thế à? Thế mà tôi cứ tưởng…

Ngô Yên