Thực tế và tham vọng

(Baonghean) - Bài phát biểu về tương lai Liên minh châu Âu mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trình bày hôm 26/9 đang tạo cảm hứng mới về tương lai của khối nước. Tuy nhiên, dự định này có thành hiện thực hay không, bản thân ông Macron cũng không thể chắc chắn. 

Tham vọng lớn

4 tháng sau khi đắc cử Tổng thống, nhà lãnh đạo trẻ Emmanuel Macron đang thể hiện tầm nhìn và quyết tâm hành động của mình, cụ thể ở đây là định hướng tương lai của nước Pháp với Liên minh châu Âu (EU). Từ đại học Sorbonne ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron nhắc lại một thực tế là EU đang "quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả", song nhấn mạnh duy trì một châu Âu thống nhất và đoàn kết là phương pháp duy nhất để các nước khu vực có thể cùng các vấn đề của thế giới.

Bài phát biểu của Tổng thống Pháp xoay quanh 2 chủ đề chính là "cải cách sâu rộng" EU cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối. Đáng chú ý, ông Macron đề xuất thành lập một lực lượng phản ứng nhanh quy tụ quân đội của các nước thành viên cho EU vào năm 2020. Lực lượng này có thể hoạt động như "một đối tác của quân đội các quốc gia". Tổng thống Pháp cũng cho rằng cần xây dựng một cơ quan chuyên trách của châu Âu phụ trách vấn đề khủng hoảng người di cư. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu quan trọng về tương lai châu Âu tại đại học Sorbonne, Paris. Ảnh: NPR
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu quan trọng về tương lai châu Âu tại đại học Sorbonne, Paris. Ảnh: NPR


Về cải cách kinh tế, nhà lãnh đạo Pháp nhận định Eurozone cần có ngân sách riêng và một bộ trưởng tài chính để cung cấp và quản lý tài chính cho các hoạt động đầu tư chung, đảm bảo ổn định trước những chấn động kinh tế.

Ông cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với EU hiện nay là giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức cao. Bên cạnh đó, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Macron cũng đưa ra các lập luận ủng hộ cải cách thể chế.

Ông tuyên bố ủng hộ quan điểm “một châu Âu, nhiều tốc độ”, tức chia 27 thành viên EU thành các nhóm khác nhau, tuỳ theo trình độ phát triển và cam kết hội nhập vào khối. Như vậy, Tổng thống Pháp đã “khuấy lại” một chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ mạnh mẽ giữa các thành viên Tây Âu và Đông Âu, giữa lúc cả khối đang cần thống nhất ý chí và hành động để triển khai những cải cách sâu rộng. 

Và để khẳng định sự cần thiết của các đề xuất cải cách được đánh giá là cực kỳ tham vọng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định hiện châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế và địa chính trị to lớn.

“…EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi nếu muốn tồn tại trước sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc trong các thập kỷ tới”.

Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, đã có 2 bài phát biểu quan trọng của các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra các ý tưởng lớn của khối. Hôm 13/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean Claude Juncker cũng có phần trình bày trước Nghị viện châu Âu ở Brussels về chuyện tương lai của khối. Điều này cho thấy thực tiễn phát triển đang buộc EU phải quyết liệt trong vấn đề đường lối. 

Khó tìm sự ủng hộ

Từ lâu, có một đặc thù được thừa nhận rộng rãi tại EU. Đó là quyền lực thực sự không nằm trọn vẹn ở Brussels – trụ sở của khối mà nằm ở Berlin và Paris, tức trong tay nguyên thủ 2 cường quốc lớn nhất của khối là Đức và Pháp.

Vì thế, tầm nhìn của lãnh đạo hai quốc gia này được cho là sẽ chi phối đường hướng phát triển của EU. Nếu hai “đầu tàu” này thực sự tìm được tiếng nói chung, mọi việc trong nội bộ EU nhiều khả năng sẽ thuận lợi, và ngược lại. Tuy nhiên, những tín hiệu đầu tiên phát đi từ Đức cho thấy khả năng đồng thuận này là không cao, hoặc ít nhất, nhà lãnh đạo Pháp cần phải có nhiều động thái vận động với Đức. 

Điểm gây tranh cãi nhất trong bài phát biểu của Tổng thống Pháp Macron là các đề xuất "cải cách sâu rộng" EU. Ông Hans Michelbach - một nghị sĩ thuộc Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đồng minh với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cảnh báo rằng những đề xuất này có thể biến EU thành một liên minh "chuyển đổi không có giới hạn".

Sáng kiến của ông Macron bị cho là không thích hợp để đưa châu Âu tiến lên, ngược lại, nó chỉ làm cho châu Âu thêm chia rẽ. Chính trị gia Đức cáo buộc người đứng đầu Điện Elysee đang phá vỡ Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của EU.

Còn một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Tự do FDP, một đối tác có thể liên minh với đảng của Thủ tướng Angela Merkel, ông Alexander Graf Lambsdorff mặc dù hoan nghênh lời kêu gọi của ông Macron tăng cường hợp tác quân đội trong EU và nắm bắt nhiều cơ hội cho công nghệ số hóa, song bác bỏ lời kêu gọi thành lập một ngân sách chung cho Eurozone. Theo ông Lambsdorff, vấn đề là châu Âu không thiếu những quỹ công, mà thiếu một kế hoạch cải cách.  

Cặp đôi quyền lực của EU còn nhiều việc phải làm để thống nhất chương trình hành động cho khối nước. Ảnh: Deutsche Welle
Cặp đôi quyền lực của EU còn nhiều việc phải làm để thống nhất chương trình hành động cho khối nước. Ảnh: Deutsche Welle

Bài học từ nội bộ Pháp

Chuyện cải cách EU không phải là mới. Và việc Tổng thống Pháp Macron tập trung thúc đẩy chủ đề này là tất yếu trong bối cảnh liên minh càng ngày gặp càng nhiều trục trặc trong vận hành. Vấn đề là các đề xuất của ông Macron có phù hợp với bối cảnh EU vào thời điểm này và lợi ích của các thành viên khác hay không.

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng các ý tưởng và phương cách của nhà lãnh đạo Pháp vẫn nặng về những hô hào giá trị văn hoá, dân chủ có phần quá bay bổng. Nó ở thái cực đối diện với quan điểm nặng về chủ nghĩa thực dụng kinh tế của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bất cứ thái cực nào cũng khiến EU đi chệch hướng, hoặc gây ra những chia rẽ nội bộ. Đã tới lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xem xét lại cách tiếp cận của mình.

Cuối tuần vừa rồi, đảng "Nền cộng hòa Tiến bước" của ông đã hứng thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử Thượng viện. Không còn chiến thắng áp đảo như cuộc bầu cử Hạ viện cách đây hơn 3 tháng, làn sóng cải cách mà đảng này chủ trương đã bị chặn đứng một cách tàn nhẫn.

Tình huống nhà lãnh đạo Pháp gặp phải trên cả hai mặt trận khá giống nhau. Đó là khoảng cách lớn giữa định hướng chính sách và thực tế kỳ vọng của cử tri. Chính vì thế, hàng loạt chính sách cấp tiến của chính phủ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các tầng lớp bình dân ở Pháp mấy tháng qua, đặc biệt là những cải cách liên quan đến việc làm, tiền trợ cấp, thuế nhà ở. Và đó chính là thế khó mà Tổng thống Macron sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ của mình.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới