Tiền lệ xấu!

(Baonghean) - Sáng ra, lên mạng, thấy báo chí đưa tin, người dân ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) lại hò nhau khiêng tre, vác gậy ra dựng rào chắn trên con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài nhất Việt Nam, không cho xe cộ chạy qua để gây sức ép. 
Kể ra thì dân mình có lúc, có nơi là chúa vô tổ chức, nổi cơn bức xúc, bực dọc lên là làm, bất chấp pháp luật, bất kể đúng sai. Nhưng cũng nghĩ lại: “Tượng trên chùa gà nào dám mổ mắt” - chẳng ai muốn trở thành những kẻ táo tợn, làm việc liều lĩnh như vậy cả. Nhưng có đôi việc không làm căng, làm liều thì không “được việc”. Ruộng nằm cạnh đường cao tốc; đất đá, bùn đỏ từ ta luy đường đổ tràn ra mặt ruộng không trồng cấy gì được. Nông dân chỉ biết sống nhờ vào ruộng đất. Nay ruộng đất không sản xuất được thì sống bằng gì? Ban đầu kêu lên xã, nhưng rồi xã cũng chẳng biết kêu ai và kêu đi đâu, vì cái “món này” không thuộc thẩm quyền giải quyết của xã cũng như của huyện, mà thuộc về Ban Quản lý Dự án đường cao tốc; nhưng họ ở đâu, không mấy người biết, mà nếu có biết, cũng không dễ gì gặp được; trong khi mùa vụ thì không đợi chờ ai cả, cứ vùn vụt qua đi. Bí quá, thôi đành bắt chẹt nhau vậy!
Người dân dựng rào chắn tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào hôm nay (Ảnh: otofun)
Người dân dựng rào chắn tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh: otofun)
Thế là cả xóm, cả làng rình rịch kéo nhau lên đường cái quan dựng rào chắn cản xe cộ qua lại. Vậy nên tắc đường, xôn xao, ầm ĩ cả lên và cơ quan chủ quản lúc đó mới chịu “ra mặt” để giải quyết bằng cách giao đơn vị thi công tiến hành nạo vét bùn đỏ, trả lại mặt bằng cho người dân sản xuất, báo hại các tài xế một phen bực mình.
Hồi tháng 10, người dân Bảo Thắng cũng đã dựng rào chắn đường cao tốc một lần rồi. Nguyên do là nhà thầu thuê dân sở tại xây dựng một số hạng mục, nhưng rồi định quỵt tiền công. Người dân chẳng biết làm thế nào để đòi tiền, nên cực chẳng đã mới phải làm cái việc chẳng mấy đẹp đẽ là... cấm đường(!). Cứ làm liều thế, nhà chức trách mới buộc nhà thầu thanh toán tiền đầy đủ cho bà con. Thấy cách đó hiệu quả, nên lần này bà con lại giở lại chiêu cũ... 
Nhưng thấy việc của dân được giải quyết mà sao chẳng thấy mừng, ngược lại, thấy lo. Lo vì cái cung cách để đạt được mục đích của dân. Xem ra, bà con đã ngộ một cái lý xét cho cùng rất tréo ngoe rằng, đi “đường ngay, mực thẳng” ắt chẳng nên cơm cháo gì, nên xoay sang bắt chẹt, bắt bí nhau, gây căng thẳng, làm ầm ĩ lên thì mới được các cơ quan công quyền để ý đến và việc mới được giải quyết...Và thấy nơi này làm được việc theo kiểu làm liều đó thì nơi khác, khi cần ắt cũng sẽ học theo, làm theo mà chả cần bận tâm gì đến kỷ cương, phép nước cả. Như thế thì nguy to! Đương nhiên, để xảy ra những chuyện tương tự, lỗi không chỉ về phía dân, mà các cơ quan nhà nước cũng có phần trách nhiệm không nhỏ. Bởi họ cũng đã góp phần tạo nguyên nhân cho một tiền lệ xấu. Phải nói là rất xấu!
Tri Kỷ