Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mua sắm tài sản Nhà nước

(Baonghean.vn) - Năm 1997, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2008.

Dù chỉ thí điểm áp dụng với Bộ Tài chính và 23 bộ, ngành, địa phương tự nguyện đăng ký tham gia nhưng trong 5 năm thực hiện thí điểm (2008-2012), số tiền chênh lệch giữa số dự toán và số thực tế mua sắm tài sản theo phương thức tập trung là hơn 467 tỷ đồng (năm 2008 là 66,6 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 là 266,5 tỷ đồng và 06 tháng đầu năm 2012 là 5,3 tỷ đồng).

Mua sắm công theo phương thức tập trung là xu hướng tất yếu
Mua sắm công theo phương thức tập trung là xu hướng tất yếu. Ảnh: Internet

Kết quả này cho thấy, việc mua sắm theo phương thức này góp phần chống lãng phí hiệu quả. Nếu được nhân rộng trên cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua sắm tập trung thì kết quả này có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã tổng kết, đánh giá và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung. Tại tờ trình dự thảo, Bộ Tài chính tính toán: nếu thực hiện mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung sẽ giúp tiết kiệm chi ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu.

Cụ thể, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm hàng năm khoảng 200.000 tỷ đồng/năm (chiếm 20% tổng NSNN). Như vậy, nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng/năm.

Việc mua sắm với số lượng lớn sẽ giúp giảm giá mua, giảm đầu mối thực hiện mua sắm và giảm đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu (hiện nay có khoảng hàng chục nghìn đơn vị đầu mối hàng năm cùng tiến hành các thủ tục về đầu thấu mua sắm những loại tài sản như nhau. Khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm). Từ hàng chục nghìn đơn vị đầu mối sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung, gồm: 2 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phương thức này còn khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả. Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.

Không những thế, phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công.  

T.V (tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN