Tổ chức Hội thảo Quốc gia về phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng tại Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Sáng 15/12, tại Nghệ An, Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực, thuộc Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng: Thực trạng và định hướng đổi mới”.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan và các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và truyền thống hiếu học của tỉnh Nghệ An. Những năm qua, tỉnh đã kiên trì triển khai đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, tập trung triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại, hội nhập.

bna_Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Qua hội thảo lần này, Phó Chủ tịch UBND Bùi Đình Long mong muốn sẽ có những đóng góp quan trọng giúp cho các tỉnh trong cả nước định hướng cho các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội học tập, thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo; Luật Giáo dục 2019 góp phần phát triển phẩm chất, năng lực người học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Trước đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” đã chỉ rõ mục tiêu của giáo dục thường xuyên nhằm bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững; hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa. Những mục tiêu này đạt được cũng chính là Việt Nam đã đạt được những Mục tiêu Phát triển bền vững đã đăng ký và cam kết với quốc tế.

bna_Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện nay, cả nước đang có hơn 10.000 trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống các trung tâm chính là mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần thúc đẩy xã hội học tập từ cơ sở. Thông qua hình thức học tập thường xuyên đã có hàng trăm triệu lượt người được học tập theo hình thức giáo dục thường xuyên không hướng tới lấy văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Với vai trò quan trọng của trung tâm học tập cộng đồng, tại hội thảo, đại diện các đơn vị đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực tiễn từ cơ sở. Bên cạnh đó đi vào phân tích những khó khăn, bất cập hạn chế. Các ý kiến cũng xoay quanh vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho việc vận hành triển khai hoạt động của các trung tâm tại địa phương.

bna_Các đại biểu tham dự hội thảo.jpg
Các đại biểu Trung ương và địa phương tham dự hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của trung tâm học tập cộng đồng. Vì vậy thời gian tới, các chính sách đầu tư và phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng cần được quan tâm ban hành nhằm đảm bảo đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực và kinh phí chi cho các hoạt động thường xuyên...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu Vụ Giáo dục thường xuyên tiếp tục chủ động tham mưu tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, sứ mệnh, bản chất của các trung tâm học tập cộng đồng các cấp từ Trung ương đến địa phương; tham mưu để Bộ trình Chính phủ và tham gia ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để xây dựng mô hình mới và phát triển hệ thống trung tâm trên toàn quốc hoạt động hiệu quả.

Giờ học của lớp xóa mù chữ ở xã Cam Lâm - huyện Con Cuông.jpg
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ ở huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu

Sau hội thảo này cũng cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu để tham mưu phát triển hệ thống trung tâm với định hướng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động nhằm cung ứng các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Tháng 12/2002, Trung tâm học tập cộng đồng đầu tiên ở Nghệ An được thành lập tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu.

Đến nay, sau hơn 20 năm hiện toàn tỉnh có 439 trung tập học tập cộng đồng/460 xã, phường, thị trấn. Riêng huyện Kỳ Sơn có 21 trung tâm/21 xã, thị bị giải thể năm 2019, do hoạt động không hiệu quả.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số mô hình điểm về trung tâm học tập cộng đồng và đã mang lại hiệu quả rõ rệt như: Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” ở huyện Thanh Chương, Yên Thành; mô hình “Câu lạc bộ ngoại ngữ cộng đồng” tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; mô hình huy động các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống hỗ trợ các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên và dạy miễn phí cho học sinh; mô hình “Nhà cộng đồng đa năng” (do người dân tự nguyện xây dựng cơ sở vật chất, hoặc kêu gọi một số cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu và nghệ nhân hỗ trợ).

Tin mới