Trách nhiệm xây tổ ấm

(Baonghean) - Phụ nữ cần được có cho riêng mình thời gian và không gian để phát triển bản thân tùy theo khả năng của mỗi người, mà không phải lo lắng rằng sẽ bị sao nhãng khỏi công việc xây tổ ấm. Bởi vì đó cũng là trách nhiệm của những người đàn ông Việt Nam.

Tuần qua, cuộc tranh luận lần thứ 2 giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Donald Trump và Hilary Clinton đã diễn ra. Một trong những chủ đề được đưa ra tranh luận là tình trạng tấn công phụ nữ, cụ thể là tấn công về tình dục. Sở dĩ vấn đề này được đặt ra vì trước đó ít hôm, một video cũ lúc Donald Trump tham gia một chương trình truyền hình thực tế đã bị rò rỉ. Và trong video này Donald Trump đã có nhiều bình luận thô tục về phụ nữ, như việc có thể ôm hôn, sờ soạng và dụ dỗ phụ nữ khi ông ta là một người giàu có.

2 ứng cử viên
2 ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Vị ứng cử viên tỉ phú này trước đây cũng từng đăng một dòng trạng thái trên twitter (trang mạng cá nhân) của mình, bảo rằng nếu Hilary không thể thỏa mãn được chồng mình, thì sao có thể đáp ứng được những nhu cầu của dân chúng Mỹ, nhằm ám chỉ đến vụ bê bối ngoại tình giữa Bill Clinton và cô thư ký thực tập sinh hồi năm 1998. Cùng với việc mời đến buổi tranh luận thứ 2 này, những người phụ nữ trước đây đã từng cáo buộc Bill Clinton quấy rối tình dục, Trump thể hiện ra rằng ông ta muốn lấy chuyện bất hòa một thời trong gia đình của Clinton làm vũ khí tấn công đối phương, mặc dù đây là một diễn đàn về chính trị.

Suy nghĩ ở trên của Donald Trump không đại diện cho nước Mỹ, nhưng cũng cho thấy có những luồng tư tưởng rằng, khi quan hệ hôn nhân rạn nứt mà lỗi thuộc về người chồng, người phụ nữ thay vì được cảm thông, lại thành đối tượng bị chỉ trích vì không biết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mỹ là một quốc gia văn minh mà phụ nữ muốn phát triển sự nghiệp như bà Hilary còn gặp phải sự mỉa mai, dè bỉu như vậy, thì phụ nữ ở các quốc gia Á Đông còn khó khăn như thế nào.

Cuộc tranh luận này làm tôi nhớ lại buổi nói chuyện ngày trước với cô bạn người Nhật trong một buổi thảo luận sinh viên hồi tôi còn du học ở Nhật Bản, chúng tôi đưa ra vấn đề về ước mơ và mong muốn của mỗi cá nhân về định hướng nghề nghiệp và cuộc sống. Về định hướng nghề nghiệp, cô bạn chia sẻ với tôi, cô ấy muốn làm một nhà hoạt động chính trị, xã hội để xây dựng một xã hội bình an, một môi trường trong lành cho các thế hệ sau. Khi được hỏi về ước mơ cá nhân, cô ấy cũng nói rằng không có mong ước gì quá lớn, chỉ muốn làm một bà nội trợ chăm lo cho chồng và con cái của mình một cách chu toàn.

Cô ấy thắc mắc với tôi, liệu có gì mâu thuẫn giữa hai mong muốn trên không, liệu trong tương lai cô ấy có thể đạt được cả hai điều trên. Tôi đồng cảm với cô ấy là điều này rất khó ở xã hội Nhật Bản, và cả ở đất nước Việt Nam của tôi. Hai quốc gia của chúng ta có điểm chung về nền tảng văn hóa Khổng giáo, nơi vai trò của người phụ nữ bị giới hạn trong bếp. Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” cho rằng thành công của người đàn ông là có sự nghiệp và tiền bạc, thành công của người phụ nữ là một gia đình yên ấm.

Tranh biếm họa. Internet
Tranh biếm họa. Internet

Phụ nữ Nhật sau khi kết hôn thường nghỉ việc luôn để ở nhà làm nội trợ nên mất đi cơ hội giao tiếp đa dạng với xã hội, mất đi cơ hội phát triển sự nghiệp và tài chính cá nhân. Phụ nữ Việt Nam, tôi không biết là may hay không may hơn phụ nữ Nhật, họ vẫn tiếp tục đi làm như người chồng của họ. Nói may là vì họ vẫn được tiếp tục phát triển sự nghiệp, và thường là phát triển một cách xuất sắc.

Không có một dữ liệu thống kê chính xác, nhưng bằng kinh nghiệm cá nhân của người viết, chỉ nhìn riêng trong các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, giới quản lý người Nhật đang ưu tiên lao động nữ hơn hẳn nam giới. Họ thấy ở các lao động nữ sự chăm chỉ, cẩn thận, khả năng ngoại ngữ tốt hơn, sự trung thành gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Còn nói không may, là vì ngoài việc vẫn phải đi làm như nam giới, khối lượng công việc nhà của họ vẫn y nguyên như những bà nội trợ Nhật Bản, vẫn từng đó trách nhiệm chăm sóc chồng con. Có thể nói họ đang lao động với 200% sức lực của mình.

Mới đây tỉ phú Bill Gates bảo rằng ông thích rửa bát vì công việc đó giúp ông giải tỏa áp lực công việc, và kích thích sự sáng tạo. Tôi nghĩ ngoài lý do đó ra, ông rửa bát một phần cũng vì trách nhiệm lao động như một thành viên gia đình. Bởi vợ ông, bà Melinda cũng đang rất bận rộn với công việc quản lý quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates, quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới chuyên về các vấn đề nâng cao chăm sóc sức khỏe và xóa đói giảm nghèo.

Vấn đề giải phóng người phụ nữ khỏi những bất công trong trách nhiệm gia đình không phải bây giờ mới được đặt ra. Đã có những tiến bộ ở Việt Nam khi chúng ta đang xếp thứ 6/15 về chỉ số tiến bộ phụ nữ trong các quốc gia được thống kê ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng chúng ta đều muốn nhìn thấy một sự thay đổi diễn ra nhanh hơn nữa, đặc biệt ở lĩnh vực lãnh đạo doanh nghiệp và tham gia chính trị.

Phụ nữ cần được có cho riêng mình thời gian và không gian để phát triển bản thân tùy theo khả năng của mỗi người, mà không phải lo lắng rằng sẽ bị sao nhãng khỏi công việc xây tổ ấm. Bởi vì đó cũng là trách nhiệm của những người đàn ông Việt Nam.

Vũ Tuấn Tú

TIN LIÊN QUAN