Trần Thu Hà "Người thơ từng trải"

(Baonghean) - Nếu như nghệ nhân tranh cát Trần Thị Thu khiến tôi nhớ về một người đàn bà với mái tóc đã nhiều sợi bạc, đôi tay “phù thủy” với những biến hóa khôn lường đầy say mê, tỉ mẩn trên những khung tranh cát; họa sỹ Trần Hoàng Trung khiến tôi nhớ về cái dáng vẻ trầm ngâm, ưu tư bên những bức tranh vẽ biển và con thuyền đơn độc, thì cô em gái của họ - nhà thơ Trần Thu Hà khiến tôi luôn day dứt khi đọc thơ chị. Nhưng không chỉ có thơ, Trần Thu Hà còn gây ngạc nhiên khi tôi tìm đến căn nhà mà bà gọi là “túp lều ngoại ô” của mình, và gặp bà ngồi dưới tán cây trước sân nhà với cây đàn thập lục, âm thanh ngân lên dưới đôi tay ấy khiến tôi lặng đi…

Những ngón tay khỏa trên phím đàn như múa, những âm thanh mỏng và mềm ngân lên. Đó là khúc nhạc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Có cảm giác không phải bà đang đánh một bản đàn, mà là bà đang trải nỗi lòng mình. Có gì như luyến nhớ thiết tha, có gì như trĩu nặng… Và khi bà dừng tay, dường như mọi nỗi buồn trong bà đã tan biến. Bà đón tôi với lấp lánh ánh cười. Thì ra, trước khi được biết đến là một tác giả thơ “đầy sức trẻ, sự bứt phá”, Trần Thu Hà đã từng là nhạc công của Đoàn Kịch nói Nghệ An, sau đó là một giáo viên dạy nhạc.
Nhà thơ Trần Thu Hà.
Nhà thơ Trần Thu Hà.
Trần Thu Hà trẻ trung hơn so với cái tuổi ngoại lục tuần của mình (bà sinh năm 1950). Bà nói, so với anh chị em trong nhà, bà có vất vả hơn, có những khổ tâm riêng. Âu đó cũng là số phận. Thế nhưng, nếu cứ để mình đắm chìm trong những nỗi buồn, đó là điều tệ hại. Bà thấy mình may mắn, vì đã chọn một con đường khác, mà đúng hơn là có một con đường khác để lựa chọn, ấy là đánh đàn, là làm thơ. Bà ký thác nỗi buồn của mình, niềm hy vọng của mình, khát khao của mình vào sự kỳ diệu của âm thanh, của những con chữ như nhảy múa trong đầu mình… 
Cũng như nhiều anh chị trong gia đình, Trần Thu Hà có xu hướng đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Mảnh đất Nghĩa Đàn - nơi gia đình bà chọn để sinh sống, lập nghiệp sau khi dời từ quê cha ở Huế về là mảnh đất có rất nhiều kỷ niệm, nuôi dưỡng những suy tưởng, mộng mơ của anh chị em bà suốt những ngày thơ ấu. Đó là những ngày tươi đẹp, bà nói và kể chuyện về những bước chân trần của mình trên con đường đất đỏ bazan, cái không gian thơm nức hoa cà phê, những trưa hè vàng nắng với tiếng cười ríu ran của lũ bạn nơi khe Tọ… Nó mãi ám ảnh bà, ám ảnh cả trong thơ, và tưởng nhớ về nó cũng là cách mà bà được trẻ lại.
Từ năm 1967 đến 1969, Trần Thu Hà học nhạc tại Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Khi đó còn chiến tranh, trường sơ tán lên Thái Hòa, đóng ở làng Bồi. Vì có bàn tay dài, bà được khuyên chọn học đàn tranh (thập lục). Và quả thực, khi để tay mình lướt trên phím đàn, Trần Thu Hà thấy trong mình trào dâng những cảm xúc khó tả. Đôi tay như có phép thuật, chúng trở nên uyển chuyển, linh hoạt rồi từ đó vang lên những thanh âm trong trẻo, giàu sức ám ảnh của cây đàn mang đậm chất Á Đông. 
Học xong, bà về công tác trong Đoàn Kịch nói Nghệ An và tất bật với các chuyến biểu diễn xung kích. “Ngày ấy chúng tôi toàn đi bằng xe đạp, các nơi trọng điểm trong tỉnh đều có mặt”, bà nhớ lại. Rồi bà kể cho tôi nghe một kỷ niệm không thể quên về “một buổi biểu diễn đặc biệt”, đó là khoảng năm 1970. Lần đó Đoàn đi biểu diễn ở Bệnh viện Quân khu IV đóng ở Thanh Cát, Thanh Chương. Nhìn thấy những thương binh băng bó chằng chịt và phải chịu đau đớn, bà là người đầu tiên cất lên tiếng khóc, để rồi sau đó tất cả mọi người đều không ngăn được nước mắt. Buổi biểu diễn cuối cùng đã không được tổ chức vì tràn ngập nước mắt, các diễn viên, nhạc công bị cấp trên khiển trách đôi chút, song cũng từ buổi ấy, bà và mọi người trong Đoàn thấy gắn bó hơn với cuộc sống xung quanh, với cuộc đấu tranh giành độc lập đầy cam go máu lửa của dân tộc.
Thích làm thơ từ nhỏ, bà thường có thói quen ghi chép lại những cảm xúc của mình thành vần điệu. Một lần vào khoảng những năm 1970, 1971, khi theo đoàn văn công về biểu diễn tại đơn vị cao xạ pháo ở Quỳnh Trang, mới hát được màn đầu tiên thì có máy bay Mỹ đến. Chiếc máy bay bị bắn rơi, phi công Mỹ nhảy dù hòng trốn thoát nhưng sau đó đã bị quân ta bắt. Cả đoàn, lúc đó người nào người nấy vẫn mặc nguyên quần áo biểu diễn, đứng nhìn tên phi công và ngược lại hắn cũng nhìn trân trân đoàn người son phấn đầy mặt, quần áo đủ màu sặc sỡ mà chắc hẳn hắn thấy kì lạ. Sau hôm đó, Thu Hà viết một bài thơ mà đến giờ đây bà vẫn còn nhớ. Những kỷ niệm và những bài thơ trở thành một phần quan trọng trong kí ức bà, để mỗi lần nhớ lại bà luôn mỉm cười như thể mình đã trọn vẹn sống với cuộc đời.
Năm 1974, Thu Hà về Nghĩa Đàn dạy học cho lớp vỡ lòng, sau đó công tác tại Ban Giáo dục của huyện một thời gian rồi lại về dạy nhạc tại trường Bồi dưỡng giáo viên cho đến lúc nghỉ hưu năm 1991.
Những lần biểu diễn, những trận bom, tiếng đàn tranh bài “Ru con” của Nam bộ cất lên dưới làn mưa bom đạn lửa…, giờ đây nhà thơ Thu Hà nhớ lại tất cả với một nỗi xúc động khôn nguôi. Những chặng đường đã qua được ghi dấu lại trong tâm trí bà bằng những bài thơ. Ngay cả lúc này, khi đã bước qua cái tuổi lục tuần, thơ cũng là kẻ vực bà dậy sau những buồn đau mà đôi lúc tưởng không thể vượt qua. Những hạnh phúc tan vỡ, những hy vọng có lúc là tuyệt vọng.“Nhưng rồi chính âm nhạc và thơ ca đã nâng tôi dậy”, bà nói, “buồn thì ngồi làm thơ, buồn hơn nữa thì đánh đàn”. 
Khoảng những năm 65 của thế kỷ trước, Thu Hà đã có thơ đăng báo. Năm 1968 bà được mời tham dự Đại hội Những cây bút nữ Nghệ An. Từ đó trở đi bà sáng tác nhiều hơn, nhất là chục năm gần đây, bà liên tiếp cho xuất bản các tập thơ cá nhân: “Tình bậc thang” (2006), “Mặt cắt” (2007), “Trái đất tự quay” (2009), “Những mảnh vỡ bạch kim” (2014). Bà từng đoạt một số giải thưởng về văn học nghệ thuật, trong đó có giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2010 với tập thơ “Trái đất tự quay”. Có những lúc bà thấy mình như ngọn núi lửa, muốn bùng phát lên những nham thạch ẩn chứa sâu trong đáy lòng, bằng thơ. 
Tuy nhiên con đường đến với thi ca không hề đơn giản. Trước năm 2005, bà làm thơ theo lối truyền thống, với những bài thơ có đề tài, ngôn từ, cách viết, cách gieo vần cũ kỹ. Có lần bà đưa cho nhà thơ Thạch Quỳ xem, ông nói một cách khảng khái: “Những bài này in làm gì! Đừng tưởng cứ được đăng trên báo nọ báo kia đã là thơ hay đâu”. Những lời nhận xét thẳng thắn của một nhà thơ gạo cội trong giới văn nghệ sỹ ở Nghệ An đã khiến Thu Hà nghiêm túc nhìn nhận lại sáng tác của mình. “Tôi biết từ giờ mình cần phải “lật nhào”, không thể viết như cũ được nữa”, Thu Hà nói.
Vậy là chỉ một, hai năm sau, với một xung lực kì lạ, ngọn núi lửa trong Thu Hà đã sẵn sàng rực cháy. Những bài thơ ra đời, nữ tính mà quyết liệt, sâu lắng, dịu dàng mà mới mẻ: “Em đến trú/ Dưới căn nhà của bão/ Rách mướp, té tua, sướt mướt vai gầy” (Cây kí ức). “Em nhón chân/ Đường nhảy cò nắng đậm/ Những cọng vàng li ti nở cõi lộng/ Em chết từng ngăn, rơi từng ngăn vấn tang cho nỗi buồn - luồn tay bưng bít gác chân lên ô cửa óng ả mưa” (Người đàn bà tập ru mình thon thả). “Xòe tay/ Hứng những giọt sương/ Lặng lẽ miền trầm tích/ Giọt hoang phế ơn tay cứu rỗi/ Những giọt buồn, triệu triệu giọt thu/ Cháy đến kiệt cùng vỡ trăm ngàn mảnh vỡ” (Những mảnh vỡ bạch kim)… Những câu thơ như thế đã khiến chính nhà thơ Thạch Quỳ phải ngạc nhiên. Ông bảo đọc thơ này khó mà hình dung ra chúng của một nhà thơ đã ở vào tuổi như Thu Hà. 
Nỗ lực tự đổi mới mình để những bài thơ không bị nhàm chán, giờ đây Thu Hà là một cây bút đầy nội lực của Nghệ An. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét: “Bạn có nghĩ đây là thơ của tuổi 20? Những bài thơ trẻ trung với ngôn ngữ thơ hiện đại mà các bạn trẻ hiện nay vẫn ưa tưng tẩy. Nhưng hình như có một ma lực, một sự điên cuồng nào đó của người thơ từng trải”. 
Sự điên cuồng và ma lực của thơ Thu Hà cũng chính là cách mà bà đã chọn để có thể vui sống với cuộc đời. “Ngọn núi lửa” trong bà cần bùng phát để xua tan băng giá. Bởi “một kiếp phù du, đơn điệu giữa dàn nhạc khổng lồ, thanh la nhịp phách, luyến láy cô đơn/ Ta lăn lóc giữa tiết tấu bật sáng, giữa giọng hát khê nồng, lửa mê hoặc, ngút ngát thiêu”, bà biết cần phải “vô tư chấp nhận/ Tự lắng trong/ Thanh lọc chính mình”. Âm nhạc và thơ ca đã giúp bà làm được điều ấy. Hàng ngày, trong căn nhà nhỏ mà bà thường vui đùa gọi là “túp lều ngoại ô” của Thành phố Vinh, vẫn vang lên tiếng đàn tranh của người đàn bà nhiều nỗi niềm. Đêm đêm bà vẫn miệt mài với cuốn sổ, cây bút, để những bài thơ hướng về phía nguồn sáng “xin một ít mặt trời”.
Bài, ảnh: Quỳnh Lâm

Tin mới