Trong ấm, ngoài mới êm

(Baonghean) - Thời gian qua, diễn biến của quá trình đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc di dời giàn khoan Hải dương 981 và các loại tàu biển hoạt động trái pháp luật ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam luôn được người dân quan tâm, theo dõi và các cơ quan báo chí đã cập nhật thông tin từng giờ, từng phút. Tuy nhiên, không vì vậy mà diễn biến của việc xét xử các vụ “đại án” kém “nóng” trên các bản tin của các cơ quan báo chí. Và cũng thật tình cờ, việc truy tố, xét xử nhiều vụ án trong nước được diễn ra gần như song hành với quá trình đấu tranh đẩy đuổi hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở ngoài Biển Đông. 
Ngày 7/5, tòa phúc thẩm đã tuyên án đối với các “cộm cán” đã “nhấn chìm” con tàu Vinalines gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng ngân sách, trong đó tòa y án tử hình đối với Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) và Mai Văn Phúc (cựu Tổng Giám đốc Vinalines) về tội cố ý làm trái và tham ô tài sản. Tiếp đó, chiều 23/5, HĐXX phúc thẩm vụ án “tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài” đã tuyên án đối với 6 bị cáo, trong đó bị cáo Dương Tự Trọng bị xử phạt 16 năm tù. Ngày 27/5, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị các mức án đối với vụ án kinh doanh trái phép, lừa đảo, làm trái các quy định của Nhà nước, trốn thuế. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên, 50 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) bị đề nghị 30 năm tù. Liên quan đến vụ việc lợi dụng biểu tình để vi phạm pháp luật tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương và Vũng Áng (Hà Tĩnh), Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 24 bị can trong số 76 đối tượng bị tạm giữ trong vụ gây rối, trộm cắp tài sản tại KCN Formosa - Vũng Áng xảy ra chiều tối 14/5. TAND một số huyện ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã đưa vụ việc lợi dụng xuống đường tuần hành để gây rối, kích động, đập phá, đốt, trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Cũng trong tháng 5 (ngày 5/5), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, kể từ sau khi Bộ Chính trị lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào đầu năm 2013...
Việc thực hiện các hoạt động truy tố, xét xử, tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta xác định là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần kíp. Thậm chí, phải xem nhiệm vụ đó cũng chẳng kém cạnh gì việc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bởi tham nhũng, trộm cắp, lừa đảo... cũng chính là một loại giặc: giặc nội xâm. Muốn thắng giặc ngoại xâm, chúng ta phải đánh thắng được giặc nội xâm. Và đánh giặc nội xâm là trận đánh trường kỳ, không có hồi kết, càng không vì “bận” lo việc giặc ngoại xâm mà gác lại nhiệm vụ đánh giặc nội xâm.
Chúng ta không thể cảm tính, lơ là chủ quan, phiến diện, rằng cứ giặc đến là quăng bỏ hết tất cả để ra trận, để đánh giặc. Bởi nếu thế, chúng ta rất dễ bị mắc mưu, dính bẫy. Không ít kẻ thù, kẻ cơ hội, chỉ trông chờ xuất hiện hoàn cảnh “đục nước” để được “béo cò”. Lợi dụng các biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để ra sức đục khoét, vơ vét, tham ô, tham nhũng, làm trái quy định pháp luật. Không ít kẻ chỉ trông chờ chúng ta mải mê tập trung hướng ra biển để phá trên bờ: phá hoại hoạt động sản xuất, phá hoại hệ thống kinh doanh, làm lũng đoạn tài chính, tung tin đồn gây nhiễu loạn thông tin, mất ổn định nội bộ. Vì thế, yêu nước với chúng ta lúc này là phải thực hiện đồng thời hai mặt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sản xuất và chiến đấu, đó cũng chính là thực hiện chính sách quen thuộc: chính sách tiền tuyến và hậu phương. Lịch sử hàng ngàn năm tồn tại bên cạnh một nước lớn luôn có tham vọng bành trướng đã đúc kết cho chúng ta những bài học vô cùng quan trọng, thấm thía mỗi khi có họa xâm lăng không được phép lãng quên: Đánh như thế nào, đánh trong bao lâu, đánh bằng cái gì (lấy cái gì để đánh giặc)...? Bởi, rất khó có thể giành chiến thắng nếu tương quan thực lực của chúng ta đã ít, mỏng, mà lại cứ bị suy yếu dần.
Đương nhiên, muốn thắng ngoại xâm, chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về mọi mặt, nhưng bất cứ cuộc chiến đấu nào cũng thế, chúng ta phải dựa vào sức mình là chính. Trong hoàn cảnh trong nước nạn tham nhũng đang hoành hành, trong bộ máy hành chính nhà nước, trong “cơ thể” nền kinh tế quốc dân đang bị các loại bệnh tật, bị các loại “vi rút”, “vi khuẩn”, “vi trùng” độc hại ký sinh làm suy yếu, thì nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là phải chữa bệnh, trừ tật, dập dịch. Cùng với đó là không để lây lan những bệnh tật mới, nếu xuất hiện mới thì phải chữa trị ngay. Có như thế, mới mong có được thực lực, năng lực nội sinh mạnh mẽ! 
Việc quan tâm làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, xét xử nghiêm các đối tượng phạm tội là cách để tạo ra môi trường xã hội tốt, môi trường pháp lý, hành chính được đảm bảo, tạo điều kiện đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển là hết sức cần thiết. Trong lúc chúng ta tập trung đấu tranh yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu biển hoạt động trái pháp luật ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, chúng ta cũng đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Phải làm cho bộ máy hành chính, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực sự trong sạch và vững mạnh, có như thế mới tạo cơ sở vững chắc để củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước, làm cho khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ngày một vững mạnh hơn. Bởi như “túi khôn” của ông cha đã để lại cho chúng ta rằng: “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”!
Ngô Kiên