Trưởng ban Nội chính Trung ương chỉ rõ lí do Nghệ An khó thực hiện các chính sách lâm nghiệp

(Baonghean.vn) - Trả lời ý kiến cử tri về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như đất lâm nghiệp, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã làm rõ nhiều vấn đề trọng tâm.

Sáng 5/12, các đại biểu Quốc hội gồm: Ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; bà Hoàng Thị Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn; ông Moong Văn Tình - cán bộ Huyện đoàn Quế Phong có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp.

Tại cuộc tiếp xúc, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang tóm tắt nhanh kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Phương Thúy
Tại cuộc tiếp xúc, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang thông tin nhanh tới cử tri về kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Thúy

Tại cuộc tiếp xúc, sau khi nghe đại biểu Hoàng Thị Thu Trang thông tin nhanh kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các cử tri huyện Quỳ Hợp phản ánh nhiều vấn đề phát sinh trên địa bàn. 

Hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đặc thù

Xung quanh chính sách đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, cử tri Vi Thanh Hải, bản Vi, xã Bắc Sơn phản ánh, theo Nghị định số 75/2015/ NĐ – CP, ngày 9/9/2015  về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020, các chủ rừng, hộ dân, cá nhân tham gia bảo vệ rừng sẽ được hỗ trợ kinh phí khoán với định mức 400.000 đồng/ha/năm. Nhưng đến nay mới chỉ có Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp được thụ hưởng chính sách này, còn hộ dân được được giao rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ, hộ nhận khoán bảo vệ rừng thì chưa được hưởng. Vì vậy, cử tri đề nghị cấp trên quan tâm và xem xét.

Cử tri phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Phương Thúy
Cử tri xã Bắc Sơn phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Phương Thúy

Liên quan đến vấn đề chính sách miền núi dân tộc, cử tri Lô Văn Kỳ bày tỏ, theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020", tại điều 3 của Quyết định này thì các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi...

Tuy vậy, đến nay các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ mới được hưởng chính sách “Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi” Ngân hàng Chính sách xã hội, còn các chính sách còn lại thì vẫn chưa được thụ hưởng.

Đề cập đến vấn đề phụ cấp cho các tổ chức hội ở cơ sở, cử tri Lô Văn Ngân, xã Bắc Sơn kiến nghị với đại biểu Quốc hội, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho những người cao tuổi có chế độ, chính sách nhằm động viên, góp phần thúc đẩy hoạt động tốt hơn ở cơ sở.

Cũng theo cử tri Lô Đức Huyên, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ người dân xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đối với vùng đặc thù.

Cũng tại hội nghị, cử tri phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề mở rộng đường liên huyện từ xã Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp) đến xã Tân Hợp (huyện Tân Kỳ) nhằm tạo điều kiện cho người dân trên địa phương.

Xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng vùng miền
Ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh: Phương Thúy
Ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương trả lời một số kiến nghị của cử tri. Ảnh: Phương Thúy

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã trả lời các kiến nghị của cử tri. Trong đó, đối với ý kiến hỗ trợ kinh phí khoán bảo về rừng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Nghệ An là tỉnh chưa cân đối được ngân sách, do đó theo Nghị định số 75/2015/ NĐ – CP của Chính phủ, nguồn vốn thực hiện bảo vệ rừng của Nghệ An là do Trung ương bố trí 100%. Tuy nhiên đến nay, Trung ương mới bố trí cho chương trình phát triển lâm nghiệp của tỉnh được 51 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu.

Riêng về chính sách bảo vệ và khoanh nuôi rừng mới chỉ cấp được hơn 8 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, việc giao đất gắn với giao rừng ở Nghệ An lâu nay tồn tại nhiều khó khăn, bất cập; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp cho các hộ cũng đang còn chậm và thiếu rõ ràng nên khó thực hiện chính sách về lâm nghiệp.

Còn đối với kiến nghị hỗ trợ người dân đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Đại biểu Phan Đình Trạc đề nghị huyện vận dụng kinh phí từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo như 135, chương trình phát triển nông thôn mới… Trên cơ sở đó, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng địa hình, khí hậu, phong tục tập quán của từng vùng, dân tộc. 

Xã Bắc Sơn là một những xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Quỳ Hợp. Toàn xã có 468 hộ, 1.978 khẩu với khoảng 98% người dân là đồng bào dân tộc Thái; đời sống người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019, xã Bắc Sơn giảm còn 25.15%.
Xã Bắc Sơn là một những xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện Quỳ Hợp. Toàn xã có 468 hộ, 1.978 khẩu với khoảng 98% người dân là đồng bào dân tộc Thái; đời sống người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019, xã Bắc Sơn giảm còn 25,8%.

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tặng 20 suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo tại điểm tiếp xúc cử tri.

Tin mới