Truyện ngắn: Hai giọt nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Rồi gã soi mình trong gương, lòng nhói đau khi thấy hình hài của thằng Tiến trong đó. Người ta nói hai anh em giống nhau như hai giọt nước. “Chắc là hai giọt nước mắt”, gã nghĩ thầm…
Minh họa: Vũ Thủy

Minh họa: Vũ Thủy

Kể ra thì chẳng ai tin, nhưng đúng là gã với đứa em song sinh của mình mặc dù giống nhau y hệt về ngoại hình song tính tình thì như nước với lửa, như đêm với ngày. Người ta nói anh chị em sinh đôi cùng một trứng sẽ giống nhau như hai giọt nước, tâm tính cũng giống nhau, đằng này gã hiền lành bao nhiêu thì thằng em lém lỉnh láu cá bấy nhiêu, gã ít nói bao nhiêu thì thằng em mồm mép leo lẻo bấy nhiêu. Đấy là chưa kể nó trái tính trái nết chẳng nghe ai trong gia đình, tự ý làm những việc mà không ai ưa. Ngày còn nhỏ, nó hay bị bố đánh lắm. Cái roi bằng chiếc đũa cả không biết đã bao lần vung lên dưới bàn tay ông. Bố thường quát: “Mày giống ai không biết!”. Có lần bực quá ông thốt lên: “Sao lại sinh ra cái thằng trời đánh này?”. Nói xong, tự thấy mình độc mồm độc miệng, ông lại lôi nó đang nằm dưới đất dậy, lấy dầu xoa vào chỗ mông đau của nó.

Bố mẹ khá nghiêm khắc nên người gần gũi nhất với thằng em giời đánh không ai khác, chính là gã. Ừ thì dù sao hai anh em cùng từ bụng mẹ sinh ra, cùng tháng cùng ngày, cách nhau có ít phút. Ngày nhỏ giành nhau từng miếng ăn, nhất là những năm đói khát. Nhưng sau khi thằng em bị bố mẹ đánh đòn vì cướp những mẩu bánh cuối cùng từ tay anh, gã lại thấy thương. “Đây, còn một mẩu nhỏ cuối cùng, mày ăn đi!”, gã dúi vào tay nó. Những lúc như vậy, thằng em lại thản nhiên cho miếng ăn vào mồm rồi nhếch mép cười, phủi đít bỏ đi cứ như chưa từng có chuyện gì, cứ như miếng ăn hẳn nhiên là của nó.

Bố mẹ chẳng may mất sớm. Gã bỗng trở thành người chăm lo cho cả gia đình. Thằng em lêu lổng chẳng làm ăn gì, suốt ngày tụ tập với đám thanh niên hư hỏng trên phố. Gã đi làm xe ôm, chăm chỉ thì ngày cũng kiếm đủ ăn cho hai anh em, nhưng vào những đợt ốm đau không ra nổi khỏi giường thì xác định là cả hai nhịn đói. Thằng em đi lên phố ăn chực ăn chờ gì ở nhà đám bạn, rồi vô tâm trở về nhà chẳng hỏi anh lấy một câu.

“Tao đói quá, mày còn đồng nào đấy không hả Tiến?”, một lần gã hỏi. Thằng em đáp cộc lốc: “Đâu ra mà còn!”. Rồi nghĩ thế nào, nó chạy ra ngoài và cuối cùng cũng mang về nhà cho anh được cái bánh mì. Những lần như thế, gã vừa thương vừa giận thằng em. “Nó lười biếng và ỷ lại, nhưng có vẻ như nó cũng thương mình. Tội nó, bố mẹ mất sớm nên chẳng được nuôi dạy đàng hoàng”, gã nghĩ. Rồi gã tự đặt ra cho mình trách nhiệm phải kiếm tiền để cuộc sống của hai anh em trở nên đỡ vất vả hơn. Gã quyết tâm dành dụm một khoản gọi là ra tấm ra món, để phòng khi ốm đau hoạn nạn hoặc một ngày nào đó cần xin việc cho thằng em.

Thế là gã làm cật lực, không ngại bất cứ một công việc nào, từ khuân vác, phụ hồ cho đến chạy xe ôm, chạy bàn ở nhà hàng… Ăn uống dè xẻn, cứ mỗi tháng gã lại mở khóa tủ kiểm tra xem tháng này dư ra được bao nhiêu tiền. Có lần đang đếm thì thằng Tiến bắt gặp. Nó nhìn chằm chằm vào xấp tiền: “Tiền đâu ra đấy? Gì mà giấu thằng em này thế? Bố mẹ để lại à?”. Gã bắt đầu cho nó một bài. Gã mắng nó chẳng làm được gì cho ra hồn và cấm nó không được bén mảng tới cái tủ. “Tao đếm kỹ từng đồng, đừng hòng mà lấy ra ăn tiêu. Tiền này là để anh em mình phòng thân, mày muốn mua gì thì tự làm ra tiền đi”. Nói vậy thôi chứ chìa khóa tủ gã giữ, thằng em có muốn lấy cũng không được.

Đi ra ngoài đường, nếu không ở quá gần mọi người thường không phân biệt được đâu là gã, đâu là thằng Tiến. Hai anh em giống nhau đến từ cái mụn ruồi ở gần đuôi mắt trái. Nhà cũng chẳng có nhiều quần áo, nên cả hai mặc chung. Bà Bảo hàng xóm mỗi khi mang đồ ăn gì sang cho đều hỏi câu đầu tiên: “Thằng Ninh hay là thằng Tiến đấy?”. Lão Phú ở đầu phố thì thường nửa thật nửa đùa: “Chúng mày từ mai làm cái biển đề tên đeo trước ngực đi!”.

Có lần, thằng Tiến chạy hồng hộc từ đâu về, hớt ha hớt hải chui vào trong bếp thở dốc. Mấy phút sau thấy hai bố con nhà lão Phú đập cửa. Gã hé cửa thì ngay lập tức thằng con lão xông vào. “Trả ngay cho tao cái ví! Vừa để ở bậu cửa xong chứ có phải đánh rơi gì đâu mà mày dám lấy?”. Gã hiểu ra mọi chuyện, lặng lẽ đi vào gian bếp, nghiêm khắc trừng mắt nhìn thằng Tiến và bắt nó đưa ví cho gã. Gã mang ví trả hai bố con lão Phú, vờ tỏ ra sợ sệt và hối lỗi: “Tôi xin lỗi, tôi không biết là anh để đấy, anh thông cảm cho”. Lão Phú xông vào cho gã một cái bạt tai đau điếng: “Này thì không biết! Lần sau bỏ cái thói đó đi!”.

Ở ngõ gã ở, mọi người gần như không chơi với anh em gã, trừ bà Bảo. Bà sống một mình nên cũng hay trò chuyện cho đỡ buồn. Chỉ có bà là coi anh em gã như con cháu, có hư một chút cũng là người nhà, nên bà quát mắng vẫn quát mắng nhưng không ghét bỏ gì.

Bữa đó gã đi làm về, bỗng thấy tối tăm mặt mày xem chừng như muốn ngất xỉu. Gã vào giường nằm rồi thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, gã thấy trời đã tối om. Người đau, đầu váng, gã cố ngồi dậy mà chóng mặt không ngồi nổi. “Tiến ơi, Tiến!”, gã gọi. Mãi sau mới thấy thằng em mò về.

Thấy anh nằm bẹp, thằng Tiến hỏi: “Thế là nay lại không có gì ăn à?”. Gã lắc đầu buồn bã: “Mày đi mua cái gì ăn đi. Mua cho anh tô cháo. Lấy tiền trong ví anh ấy, trong túi quần treo trên mắc áo”.

Gã lại nằm thiếp đi vì quá mệt. Nửa đêm tỉnh dậy, gã được thằng em ngồi bón cho từng thìa cháo. Lần đầu tiên gã cảm nhận được điều gì đó giống như tình thương từ em. “Kể ra thì mày cũng là thằng được đấy”, gã thều thào cười. Thằng Tiến cũng cười: “Anh em với nhau mà lại! Anh cứ làm như em chẳng giống con người”. Gã gật gù: “Ừ, hai anh em mình chỉ còn mỗi nhau để sống. Làm gì thì làm cũng phải nương tựa giúp đỡ nhau nghe chưa?”.

Một tuần sau gã khỏi ốm, lấy xe đi làm. Ra đến ngã tư cách nhà gần một cây thì nghe tiếng gọi giật lại: “Ninh. Trả tiền tao đi, một tuần rồi đấy!”. Gã ngỡ ngàng quay lại thì thấy con trai lão Phú đứng ở cửa tiệm cầm đồ nhà hắn. Gã hỏi “Tiền nào?” thì được trả lời: “Mày đừng chơi trò đó! Giấy tờ đây, chứng minh nhân dân của mày đây. Mới tuần trước chứ lâu la gì”. Gã run run nhìn tờ chứng minh nhân dân của mình trong tay con lão Phú…

Như sực tỉnh, gã quay ngược về nhà, tìm chìa khóa mở tủ. Trong tủ trống không. Chẳng còn một đồng bạc lẻ. Tiền dành dụm của gã cả năm trời nay không cánh mà bay.

Gã ê chề nhìn lên phía ban thờ. Ánh mắt bố trong di ảnh như đăm chiêu hơn mọi lần. Còn mẹ thì trông buồn lắm, khóe mắt mẹ như có nước mắt. Rồi gã soi mình trong gương, lòng nhói đau khi thấy hình hài của thằng Tiến trong đó. Người ta nói hai anh em giống nhau như hai giọt nước. “Chắc là hai giọt nước mắt”, gã nghĩ thầm…

Tin mới