Tự hào, xúc động với 2 lần được đón Bác về thăm quê

(Baonghean.vn) - Nhịp thời gian đã trải qua 60 năm ông Nguyễn Sinh Quế vẫn nhớ như in kỷ niệm những lần Bác Hồ về thăm quê và kỷ niệm ấy đã trở thành niềm tự hào của một người con Làng Sen.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Quế nằm giữa xóm Sen 4, xã Kim Liên (Nam Đàn), xung quanh là vườn cây rợp bóng mát, hoa trái được gió đưa hương thơm lừng. Trước hiên, chủ nhân kê một tấm phản, bộ bàn ghế để những người bạn già cùng ngồi hàn huyên, trên tường treo đầy ảnh về những năm tháng hoạt động cách mạng.

Những bức ảnh chụp chung với Bác Hồ trong hai lần về thăm quê được ông Quế phóng to và đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ông chia sẻ: “Thời gian trôi đi thật nhanh, 60 đã qua mà ngỡ như mới ngày nào. Từ nét mặt, lời nói, nụ cười, dáng đi và cử chỉ của Bác còn in đậm trong trí nhớ. Mỗi lần nhớ đến, lòng tôi lại bồi hồi, xao xuyến và nhớ Bác khôn nguôi”.

Năm 1956, sau mấy năm tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Sinh Quế được chuyển công tác về cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An, rồi tiếp tục được biệt phái về Văn phòng Huyện ủy Nam Đàn. Giữa tháng 6/1957, ông Quế nhận được thông báo riêng của cấp trên về Kim Liên chuẩn bị đón tiếp một vị khách đặc biệt trong một vài ngày tới. Dù chưa biết vị khách đó là ai nhưng ông Quế và mọi người chuẩn bị chu đáo hết mức có thể, trong đó việc sửa soạn, trang trí nhà khách được ưu tiên hàng đầu.

Ông Nguyễn Sinh Quế giới thiệu những bức ảnh Bác Hồ về thăm quê
Ông Nguyễn Sinh Quế giới thiệu những bức ảnh Bác Hồ về thăm quê. Ảnh: Công Kiên

Lịch trình được thông báo là sau khi thăm đơn vị bộ đội đóng quân dưới chân núi Đụn (xã Vân Diên) khách sẽ quay lại ghé thăm Làng Sen.

Khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 16/6/1957, bà con Làng Sen đón tiếp một cụ già râu tóc bạc phơ, dáng người thanh thoát, phong thái giản dị, có cái gì đó rất mực gần gũi và thân quen. Cụ già vừa bước xuống xe, bà con reo lên: “Bác Hồ! Bác Hồ!” rồi ùa lại đón Bác trong niềm rưng rưng xúc động...

Cùng đi trong đoàn có đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Khu uỷ Liên khu IV và các đồng chí Nguyễn Trường Khoát (Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Sỹ Quế (Chủ tịch UBND tỉnh).

Ông Nguyễn Sinh Quế dẫn Bác và mọi người tới ngôi nhà khang trang nhất, dừng chân trước cửa, Bác hỏi: “Nhà gì đây chú?”. Ông Quế trả lời: “Thưa Bác! Đây là nhà khách ạ!”. Bác Hồ liền nói: “Nhà này dành cho khách, Bác là chủ nên Bác không vào”.

Rồi Bác rẽ sang phía lối vào nhà mình – ngôi nhà Người cất tiếng khóc chào đời và gắn bó với những năm tháng ấu thơ. Đến trước cổng, ngước nhìn tấm biển ghi dòng chữ “Nhà Hồ Chủ tịch” được gắn ở phía trên, Bác nói với mọi người: “Các chú ghi sai rồi, đây không phải là nhà của Hồ Chủ tịch, mà nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Vì Bác còn có chị và anh nữa”. Nghe Bác nói, ông Quế và con cháu dòng họ Nguyễn Sinh đều xin nhận lỗi và hứa sẽ sửa lại theo ý Bác.

Bước vào sân, Bác nhìn qua ngôi nhà, rồi đi đi, lại lại trước hiên, vẻ mặt thể hiện nét trầm tư, dường như Người đang suy nghĩ về một điều gì rất quan trọng. Bất chợt, Bác dừng chân, tay chỉ vào nhà và lên tiếng: “Nhà này không phải nhà Bác đâu các chú ạ!”.

Ông Quế giải thích với Bác rằng ngôi nhà này hồi bà Thanh (chị ruột của Bác) sinh sống những năm cuối đời, còn nhà cụ Phó bảng qua những biến động của thời cuộc đã bán đi, giờ chưa tìm lại được.

Ông Nguyễn Sinh Quế đứng bên cạnh  Bác Hồ trong dịp Bác về thăm quê lần thứ 2 (1961). Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Sinh Quế đứng bên cạnh Bác Hồ trong dịp Bác về thăm quê lần thứ 2 (1961). Ảnh tư liệu

Bác gật đầu tỏ ý thông cảm rồi đi ra, đến hàng rào Bác dừng lại và nói tiếp: “Cổng nhà Bác ngày xưa mở ở lối này, chứ không phải lối bên kia”. Hiểu ý Bác, ông Quế cúi xuống nhổ hai cây cọc rào để bước ra, rồi Bác cũng bước qua để ra ngoài.

Bác quay lại hỏi: “Giếng Cốc còn nữa không chú?”, ông Quế đáp lời: “Thưa Bác! Giếng Cốc đang còn ạ!”. “Lò rèn còn nữa không?” – Bác lại hỏi, ông Quế lại nhanh nhảu đáp: “Dạ thưa Bác, lò rèn ông Điền đang còn!”.

Nghe vậy, Bác đi nhanh về phía nhà ông Điền, vừa lúc ấy ông Điền cũng từ ngõ bước ra đón Bác. Ông Điền mừng rỡ: “Chào Bác!”, Bác cũng cất lời: “Chào cụ!”, hai người vui vẻ và mừng rỡ chào nhau. Ông Điền nói: “Thưa Bác, Bác còn nhớ tui là ai nữa không?”. Bác nhìn với ánh mắt thân thiện và nói: “Có phải Điền không?”.

Người thợ rèn Làng Sen cảm động ôm chầm lấy Bác và khóc, niềm xúc động dâng trào, ai chứng kiến cũng rơi nước mắt. Xúc động bởi cái tình của Bác, biền biệt xa quê, hơn 50 năm mới có dịp trở về vậy mà Người vẫn nhận ra người bạn thời để chỏm... Tranh thủ thời gian, Bác hỏi thăm về cuộc sống gia đình, con cái, cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng rất đỗi ấm áp, thân tình.

Bác tiếp tục đi về phía nhà thờ họ Nguyễn Sinh, Người đứng lặng trước bàn thờ, rồi thắp hương cho tổ tiên, một lần nữa Người lại rưng rưng nước mắt. Lúc này, bà con trong họ đã đến khá đông, Bác hỏi thăm gia cảnh và động viên mọi người cố gắng lao động sản xuất, chăm sóc con cái học hành để mai đây phục vụ cách mạng.

Từ nhà thờ họ, ông Nguyễn Sinh Quế dẫn Bác ra sân vận động, ở đó bà con Làng Sen đang chờ được gặp vị Chủ tịch muôn vàn kính yêu, một người con của quê hương. Đứng dưới gốc đa, hướng ánh mắt về phía bà con, Bác đọc câu thơ: “Quê hương nghĩa trọng, tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

 Rồi Bác chia sẻ rằng hơn 50 năm mới về thăm quê, xa quê lâu năm trở về người ta thường mừng mừng, tủi tủi, riêng Bác chỉ thấy mừng chứ không tủi.

Cây đa và sân vận động xã Kim Liên - nơi Bác Hồ gặp gỡ và trò chuyện với bà con nhân dân trong hai lần Bác về thăm quê. Ảnh: Công Kiên
Cây đa và sân vận động xã Kim Liên - nơi Bác Hồ gặp gỡ và trò chuyện với bà con nhân dân trong hai lần Bác về thăm quê. Ảnh: Công Kiên

Bởi khi Bác ra đi nước nhà còn nô lệ, nay trở về khi nước nhà đã độc lập, dân ta đã được tự do, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Bác trao đổi và thăm hỏi việc làm ăn, sản xuất, động viên bà con tích cực và cố gắng mọi mặt để xây dựng Kim Liên thành xã kiểu mẫu, lúc ấy Bác lại về thăm.

Bà con vô cùng phấn khởi và vui mừng, nhiều người đã khóc, khóc vì vui sướng, vì được gặp vị Cha già kính yêu của toàn dân tộc, khóc vì sự gần gũi và giản dị của Người. Bác lấy trong túi 5 gói trà Ba Đình và mấy gọi kẹo, dặn ông Quế trà dành chia cho các cụ già, kẹo chia cho các cháu nhỏ rồi lên xe và vẫy chào tạm biệt.

Bác đi rồi, ông Nguyễn Sinh Quế đã vận động con cháu trong họ, người dân Làng Sen và chính quyền, các đoàn thể xã Kim Liên phối hợp tìm cách phục chế lại không gian vườn tược, nhà cửa của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngôi nhà cũ được chuộc lại, các loại vật dụng trong nhà cũng được tìm thấy, cổng được mở lại đúng hướng, các loài cây trong vườn được trồng lại vị trí cũ theo trí nhớ của những người già trong làng.

Trong vòng 3 – 4 năm, với tất cả sự nỗ lực và niềm tôn kính đối với Bác, người dân Làng Sen – Kim Liên đã khôi phục được không gian sinh hoạt của gia đình Bác hơn 50 năm về trước. Để rồi, cuối năm 1961, trong lần về thăm quê thứ hai, Người vô cùng xúc động và khen ngợi, cảm ơn những người có công khôi phục ngôi nhà của gia đình Bác.

Giờ đây, an hưởng cuộc sống bình yên, tuổi già vui vầy cùng cháu con, bè bạn, ông Nguyễn Sinh Quế không nguôi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh với niềm xúc động và thành kính. Với ông, những lần được gặp Bác Hồ, đặc biệt là lần Người về thăm quê lần thứ nhất luôn đọng lại trong tâm trí, trở thành kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới