"Tuýt còi"... cho vui!?

(Baonghean) - Không ai có thể phủ nhận nhiều chuyển biến tích cực, từ những nỗ lực trong cải cách giáo dục thời gian gần đây. Trên bình diện chung, bức tranh toàn cảnh về trường lớp đã đều đặn xuất hiện những gam màu sáng. Người ta cũng dần cảm nhận được không ít đổi thay mang tính chiều sâu, đang lặng lẽ đẩy lùi những căn bệnh trầm kha, thâm căn cố đế của lĩnh vực này. Người ta tin tưởng vào một cách làm mới, không ồn ào mà hiệu quả; một tương lai tốt đẹp hơn cho nền giáo dục nước nhà. 
Tuy nhiên, trong hành trình chinh phục trở ngại, cần thiết hơn những bước đi táo bạo nhưng lại phải thận trọng. Quản lý giáo dục là thế, tác động cũng như sức lan tỏa của nó không cộng sinh với bất kỳ một quyết định chủ quan nóng vội nào. Cũng bởi vậy, câu chuyện “đóng cửa” 207 mã ngành tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo đối với nhiều trường đại học vừa qua đã lập tức tạo nên dư luận là vậy!
Người ta chưa bàn nhiều về cái lý đúng sai của vấn đề, lại rất quan tâm về tính hợp lý, hợp tình của cái “đòn” văn bản được xem là khá “mạnh tay” này. Trước hết, nói về thời điểm. Khi mà các cô cậu học trò đã bắt đầu “viết nháp” hồ sơ đăng ký thi tuyển thì đùng một cái, thông tin được công bố. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa họ chính thức điền tên mình lên một sự lựa chọn để đời, những dự định, những ấp ủ, những kỳ vọng thậm chí cả những toan tính bấy lâu bỗng dưng đứng trước nguy cơ tan thành mây khói. Không ít học sinh lo lắng, hoang mang, và hết sức khó hiểu trước một quyết định có sự ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mà nguyên nhân lại hoàn toàn thuộc về “người lớn”. Làm sao có thể yên lòng, có thể toàn tâm toàn ý cho việc học, khi mà tương lai của các em được quyết định chóng vánh theo cái kiểu “trên trời rơi xuống” như vậy? Ngay lập tức, hàng trăm tờ báo đăng tải thông tin này. Dư luận bắt đầu đua nhau làm nóng câu chuyện. Không chỉ học sinh mà cả hàng ngàn phụ huynh lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi bất lực trong việc chia sẻ cùng con em, nhằm đưa ra một quyết định đúng đắn nhất.
Các trường đại học trong tốp “cầm đèn đỏ” cũng phản ứng nhanh bằng cách đồng loạt rủ nhau “đánh trông kêu oan”. Cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh ta có 2 trường thì Đại học Vinh cũng đã lên tiếng "do nhầm lẫn", còn Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thì khẳng định "Bộ không biết để bổ sung"... Tên trường, tên mã ngành được “ắp đết” (update) liên tục. Ngạc nhiên hơn là trong cái danh sách này có cả nhưng tên tuổi quen thuộc, thậm chí danh tiếng bấy lâu. Dư luận được phen té ngửa, “cháy nhà mới ra mặt chuột” tưởng câu chuyện không đủ giảng viên cơ hữu chỉ quanh quẩn đâu đó ở một số trường. Vậy là các cô, cậu học trò vốn dĩ lâu nay lại phải cộng thêm cho mình cái lo lắng về chất lượng thầy, chất lượng trường? 
Trước “sinh mệnh” sống còn này, bất lực trước những thanh minh thiếu thuyết phục, đâu đó đã xuất hiện những phản ứng. Có gì lạ, bởi nếu cứ “đằn” chuẩn ra mà xử thì thậm chí phải chia buồn với cả những trường gần như ngừng tuyển sinh hoàn toàn (ví dụ như trường Đại học Hà Tĩnh). Một vài ý kiến đã bóng gió cho rằng, ai đó “vẽ vòng rồi dẫm lên vòng”! Khi thẩm định để “đôn” lên thành trường đại học, chắc cũng công phu bài bản lắm, vậy mà nay, sau mấy năm “xây dựng và trưởng thành” bỗng nhiên lại tòi ra hồ sơ chỉ đủ tiêu chuẩn… khai tử. Những người quan tâm giáo dục đã thay nhau lên tiếng, ủng hộ có mà băn khoăn cũng có. Ủng hộ bởi suy cho cùng thì đây là một chủ trương đúng đắn, đồng hành cùng một tham vọng tốt hơn cho chất lượng giáo dục đại học, góp phần từng bước tiến gần hơn tới chuẩn khu vực và quốc tế. Còn băn khoăn, bởi cách làm vẻ như còn thiếu một lộ trình phù hợp, thời điểm công bố thì lại dễ làm cho người ta liên tưởng đến một cú “đánh úp” của cơ quan quản lý?
Khi số phận tương lai của các trường, các mã ngành chưa thực sự ngã ngũ, trước sự quan tâm của dư luận, cuối cùng cơ quan quản lý cũng đã lên tiếng. Mọi người thở phào khi nghe tin, cái thông báo đích danh gọi tên trường, chỉ tên ngành kia chỉ mang tính “cảnh báo”, để các trường lo mà chấn chỉnh! Thế là còn có "không gian" cho các trường xoay xở và nhất là còn may mắn cho các em học sinh khi mùa thi đã cận kề. Tuy nhiên, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn cũng cho biết, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết. Nếu các trường khắc phục được sai phạm, sẽ tiếp tục cho phép tuyển sinh. Đến 2015, trường nào không khắc phục được, Bộ sẽ kiên quyết thu hồi quyết định. Như thế là đã rõ, thời gian còn lại trước mắt cũng không quá nhiều, không còn cách nào hơn là quyết liệt tìm giải pháp khắc phục. Bộ đã khẳng định như vậy, chắc năm 2015, sẽ làm thật chứ không phải là "tuýt còi" cho vui!
Nguyễn Khắc An