UBND tỉnh Nghệ An trình HĐND tỉnh cho ý kiến 10 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - UBND tỉnh đã trình 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm để HĐND tỉnh thảo luận và làm cơ sở để ban hành Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tại Kỳ họp này.

Sáng 12/7, tại TP. Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII khai mạc Kỳ họp thứ 7. Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Các đồng chí Chủ tọa Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Duy

Các đồng chí Chủ tọa Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Duy

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII;…

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã nghe đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đại diện lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đại diện lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng đầu năm, tình hình giá cả đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 8,44% (kịch bản tăng trưởng xây dựng là 7,7 - 8,3%, cùng kì 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,43%).

Thu ngân sách ước thực hiện 10.100 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán, trong đó thu nội địa ước thực hiện 9.162 tỷ đồng. Các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi rõ nét, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan.

Đến hết tháng 6/2022, Nghệ An thu hút được 58 dự án mới và điều chỉnh cho 63 lượt dự án với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 28.101 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số dự án cấp mới tăng 13,72%, tổng vốn cấp mới tăng 1,39 lần.

Xuất khẩu hàng hoá qua cảng Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Thu Huyền

Xuất khẩu hàng hoá qua cảng Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Thu Huyền

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghệ An là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm, với 580 triệu USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 43.158 tỷ đồng, tăng 19,84%; trong đó vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước là 5.645 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 3.666 tỷ đồng; vốn dân cư và tư nhân là 33.110 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và kiểm soát được tình hình. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền và cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được chú trọng. Quốc phòng, an ninh, đảm bảo, trật tự, an toàn xã hội ổn định.

HĐND tỉnh khảo sát tình hình đầu tư, việc làm tại KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

HĐND tỉnh khảo sát tình hình đầu tư, việc làm tại KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã trình 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm để HĐND tỉnh thảo luận và làm cơ sở để ban hành Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tại Kỳ họp này.

Nhóm giải pháp đầu tiên là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình phê duyệt, triển khai thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm thuộc Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các nghị quyết của Trung ương.

Đồng thời, thúc đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu và kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022. Nghệ An đạt mục tiêu tăng GRDP năm 20202 là 8,5 - 9,5%.

Toàn cảnh thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lê Thắng

Toàn cảnh thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lê Thắng

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phát triển các lĩnh vực văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Nghệ An sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại; tăng cường chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

Tin mới