Ứng dụng công nghệ, tạo đột phá trong cải cách hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ nhằm tạo đột phá trong cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả.

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP.Vinh, người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính rất đông nhưng mọi công đoạn đều diễn ra quy củ, thực hiện nhanh gọn và theo đúng quy trình.

Anh Nguyễn Trung Mạnh ở phường Hưng Dũng, TP.Vinh, đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP.Vinh, cho biết: “Tôi thấy các dịch vụ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP.Vinh ngày càng được cải tiến, tương đối thuận lợi cho người dân. Ví dụ như hệ thống lấy số tự động, mình chỉ cần đến lấy số, bác bảo vệ sẽ căn thời gian và báo lại, nên không mất quá nhiều thời gian chờ đợi”.

Anh Nguyễn Trung Mạnh (phường Hưng Dũng, TP.Vinh) lấy số thứ tự để thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Ngân Hạnh

Anh Nguyễn Trung Mạnh (phường Hưng Dũng, TP.Vinh) lấy số thứ tự để thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Ngân Hạnh

Năm 2022, thành phố Vinh đổi mới hình thức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân trong lĩnh vực cải cách hành chính bằng việc phối hợp với bưu điện thành phố đến gặp gỡ, phát phiếu xin ý kiến của tổ chức, công dân đã từng đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của thành phố.

Qua đó, đã tiếp nhận được nhiều ý kiến phản ánh đúng, khách quan về quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Kết quả, có 98,61% tổ chức, công dân hài lòng với sự phục vụ của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nội vụ TP.Vinh cho biết: “Trong những năm qua, TP.Vinh luôn xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển của thành phố giai đoạn 2021-2025. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành ủy, HĐND - UBND thành phố, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Vinh đã có sự chuyển biến tích cực. Từ năm 2019 đến nay, thành phố Vinh luôn giữ vững vị trí dẫn đầu các huyện, thành, thị về chỉ số xếp hạng cải cách hành chính”.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP.Vinh. Clip: Ngân Hạnh

Còn tại huyện Nghi Lộc, ngày 3/1/2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch đo sự hài lòng của tổ chức, người dân khi thực hiện dịch vụ công trên địa bàn huyện. Kết quả, trong quý 1/2023, tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện có 829 lượt đánh giá qua việc quét mã QR, tỷ lệ hài lòng đạt 99,76%. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, quản trị để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn tập trung triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Hiện trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã có 15/29 xã thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính.

Người dân quét mã QR đánh giá sự hài lòng khi thực hiện dịch vụ công trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh: Ngân Hạnh

Người dân quét mã QR đánh giá sự hài lòng khi thực hiện dịch vụ công trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh: Ngân Hạnh

Trên toàn tỉnh, hiện 100% hồ sơ được giải quyết theo quy trình điện tử và được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Nghệ An. Tính đến ngày 1/3/2023, hệ thống đã cung cấp: 1.834 dịch vụ công, bao gồm: 816 dịch vụ công trực tuyến một phần và 1.018 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó: Cấp tỉnh: 1.413 TTHC; Cấp huyện: 302 TTHC; Cấp xã: 119 TTHC. 21 sở, ngành; 21 huyện, thành phố, thị xã và 460 xã đều thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống.

Số liệu từ Phòng Cải cách hành chính - Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An.

Thay đổi từ cách vận hành bộ máy

Là một trong những đơn vị dẫn đầu về cải cách hành chính, trong năm 2022, Sở Tài chính cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Điển hình như trong quá trình triển khai quản lý và điều hành văn bản trên hệ thống VNPT - iOffice, Sở Tài chính đã tích hợp chữ ký số điện tử, giúp gửi văn bản một cách nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, trong quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước hiện nay, Sở Tài chính đang thực hiện phần mềm riêng, nhằm quản lý một cách khép kín các đơn vị trong hệ thống tài chính (Tài chính, Kho bạc, Thuế…) với mục đích quản lý và điều hành một cách hiệu quả nhất trong việc sử dụng đồng tiền của Nhà nước.

Ông Dương Danh Vỹ - Trưởng phòng Cải cách hành chính - Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, trong quý 1/2023, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Trong thành quả chung của tỉnh, có một số cơ quan, đơn vị đã chủ động, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cụ thể như Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh; ở cấp huyện có TP.Vinh, Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai…

Hoạt động tại Trung tâm Một cửa huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Hoạt động tại Trung tâm Một cửa huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo ông Dương Danh Vỹ, đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt để làm tốt công tác cải cách hành chính, do vậy, thời gian tới Sở Nội vụ sẽ tiếp tục triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, các ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành và thực thi công vụ, đảm bảo tính đồng bộ ở các cấp; hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan, đơn vị.

Cùng đó, khai thác có hiệu quả các ứng dụng CNTT đã triển khai như: Cổng thông tin điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, các phần mềm dùng chung của tỉnh, ứng dụng chứng thư số… Tất cả nhằm hướng đến xây dựng chính quyền số, phục vụ ngày càng hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh./.

Tin mới