Văn hóa lãnh đạo

(Baonghean) - Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã diễn ra hai sự kiện lịch sử quan trọng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những tồn tại, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ cùng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân. Sự kiện trọng đại này đã góp phần giải tỏa bức xúc trong nhân dân trước những sai phạm của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Khi người lãnh đạo cao nhất của Đảng và người đứng đầu Chính phủ nhận lỗi trước nhân dân thì đó không chỉ là biểu hiện cao nhất của tinh thần tự phê bình mà còn là biểu hiện của sự đổi mới phương thức lãnh đạo.

Lãnh đạo, quản lý là một khoa học đồng thời cũng là một nghệ thuật, trong đó không thể thiếu yếu tố văn hóa. Trong lãnh đạo, quản lý luôn có đúng có sai, làm đúng được nhân dân ủng hộ, làm sai, không sửa chữa sẽ gây bất bình trong nhân dân. Điều đơn giản đó bất cứ cán bộ lãnh đạo, quản lý nào cũng hiểu, nhưng không phải người nào cũng dũng cảm nhận lỗi trước tập thể và nhân dân.

Khi lựa chọn nhận lỗi hay không nhận lỗi chính là lúc thể hiện tính văn hóa trong lãnh đạo. Người lãnh đạo có văn hóa họ sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình đối với tất cả những khuyết điểm, sai sót của tập thể do mình đứng đầu. Ngược lại, người lãnh đạo không có tầm văn hóa thì tìm cách đổ lỗi cho tập thể để lẩn tránh trách nhiệm. Thực tế ở cơ sở cho thấy, không ít trường hợp xẩy ra “điểm nóng” là do lãnh đạo không có tầm văn hóa nên không biết cách xử lý những bức xúc của nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề nhân dân quan tâm là phải làm gì và làm như thế nào để sửa chữa lỗi lầm sau lời xin lỗi đó?

Trong ứng xử giữa những con người với nhau, nhận lỗi là hành vi thể hiện tính văn hóa của người có lỗi. Trong sinh hoạt tập thể, từ tổ chức Đảng đến cơ quan Nhà nước, nhận lỗi là biểu hiện không sợ khuyết điểm biết cầu tiến bộ. Những hành vi văn hóa đó không những làm cho việc xử lý các sai phạm trong sinh hoạt trở nên nhẹ nhàng mà còn làm cho cuộc sống con người càng nhân văn, cao đẹp hơn. Khi bàn về năng lực lãnh đạo, người ta thường nói về trình độ học vấn, kiến thức quản lý, kinh nghiệm thực tiễn, chưa chú ý đến yếu tố văn hóa trong lãnh đạo. Xã hội càng phát triển, trình độ dân trí càng cao thì vai trò văn hóa trong lãnh đạo càng quan trọng. Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân thể hiện một tầm cao mới của văn hóa lãnh đạo...

Trần Hồng Cơ