Văn hoá rác thải!

(Baonghean) - Hôm nay ngồi cà phê với mấy ông bạn, câu chuyện chẳng biết từ đâu mà lại đề cập đến vấn đề rác thải. Một ông chỉ vào đống rác bên vỉa hè, cách chỗ bọn mình ngồi chỉ mấy bước chân, nói vẻ chán chường:
- Các cậu xem, có đâu như đây  không? Người ngồi ăn, uống giữa đống rác. Bảo sao mà bao nhiêu người bị ung thư và đủ thứ bệnh tật trên đời. Đi ăn thì cái thùng rác cũng không có, xương xẩu, giấy lau thả toẹt xuống dưới chân. Đi chơi thì không cẩn thận có thể hứng ngay một xô nước bẩn người ta đứng đổ ào ào ra đường. Hoặc không thì cũng phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi mùi rác hôi thối người dân đổ hai bên đường. Còn nếu đi qua đúng lúc xe đổ rác đang làm việc thì ôi thôi, vừa bốc mùi khó chịu, đường xá vừa nhớp nháp vì rác rơi vãi lúc thùng rác được đổ vào xe…
Một ông khác gật gù, tiếp lời:
- Vô ý thức nhất là những người thản nhiên đổ rác ra đường ngay sau khi xe dọn rác vừa đi qua, thế là bẩn vẫn hoàn bẩn, không lúc nào đường phố vắng bóng rác thải. Thà rằng họ cho rác vào túi bóng đen, loại dày và kín chuyên để đựng rác, rồi cho vào thùng rác, trông vừa đỡ mất mỹ quan vừa vệ sinh, kín mùi. Đằng này, cứ như thể vỉa hè, đường chung là bãi rác riêng của nhà mình, thích đổ ở đâu, đổ lúc nào, tuỳ ý. Mình nghĩ thế này, thành phố phải ra quy định nghiêm khắc về địa điểm, giờ giấc và thậm chí là thùng rác, túi rác có phân loại một cách khoa học, chứ cứ thế này chẳng mấy chốc mà thành phố thành cái bãi rác công cộng khổng lồ…
Lại một ông khác cho ý kiến:
- Ai bảo cậu là thành phố chưa ra quy định về việc đổ rác. Ở các khu dân cư, đều đã quy định rõ ràng rằng giờ đổ rác là từ 18h đến 22h đêm, và thực ra thì người dân cũng chấp hành khá tốt. Nhưng vấn đề là thế này, trong khoảng thời gian ấy, xe đổ rác không thể ngay lập tức có mặt ở khắp mọi điểm đổ rác trong thành phố được. Thế nên có 2 vấn đề: thứ nhất, có những đoạn đường đông người qua lại vì tập trung các điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng,…xe dọn rác chưa đến kịp nên cảnh tượng đập vào mắt người đi đường rất mất mỹ quan và mất vệ sinh. Thứ hai là, có những điểm xe dọn rác đã đi qua rồi, nhưng vì vẫn còn trong khoảng thời gian quy định cho phép nên người dân vẫn ra đổ rác. Thế là rác lại hoàn rác. Còn hiện tượng đổ rác ngoài khoảng thời gian quy định, không phải là không có. Nhất là trong những dịp lễ Tết, số lượng rác thải tăng lên đột biến. Như hôm 30 Tết vừa rồi, nhiều nhà đến sát thời điểm giao thừa mới hoàn tất việc dọn dẹp, lực lượng nhân viên vệ sinh thành phố phải làm việc cật lực nhưng cũng không thể dọn xuể lượng rác khổng lồ đổ ra đường phố. Rồi thì người đi chơi đêm giao thừa, đi hái lộc,… lượng rác thải ra đã nhiều lại nhiều thêm…
Chẳng lẽ đành chấp nhận sống trong một bãi rác lộ thiên thế này hay sao? Cả nhóm chúng mình nhìn nhau, nhìn những đống rác thản nhiên nối đuôi nhau trên vỉa hè, thấy chán chường biết mấy. Người ta có thể nêu hàng loạt lý do như: lực lượng nhân viên vệ sinh không đủ đáp ứng nhu cầu rác thải của thành phố, số lượng xe chở rác, xe lau dọn đường phố quá ít hay không đủ hiện đại để giữ gìn vệ sinh đường phố…
Chung quy lại, nguyên nhân lớn nhất thực ra lại chính là ý thức của chúng ta. Vấn đề này rất dễ giải quyết, chỉ cần mỗi người tự nhận thức được rằng, đường phố chung sạch đẹp cũng là lợi ích của cá nhân mình, từ đó có ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung. Thay vì đổ trực tiếp rác thải ra đường, hãy tập cho mình thói quen dồn rác vào túi chuyên dụng, khoa học hơn nữa thì phân loại rác thải, để rác tập trung tại điểm đổ rác quy định, đúng giờ quy định. Thậm chí nếu không có thùng rác chung được đặt sẵn, một vài hộ dân có thể cùng nhau mua thùng rác lớn, chẳng tốn kém là bao mà lại giữ cho cảnh quan ngay tại nơi mình sống được sạch đẹp. Ngoài ra, việc quy định khung giờ đổ rác nên có sự điều chỉnh linh hoạt, vạch ra một lộ trình cố định cho xe dọn rác và dựa vào đó mà đặt khung giờ đổ rác riêng cho từng khu dân cư, tránh tình trạng rác “đi trước” hay “đi sau” xe dọn rác. 
Quay trở lại vấn đề ý thức người dân, đó là một giải pháp rất dễ, nhưng cũng thật là khó. Bởi cái tư tưởng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Không phải là một sự chủ đích ác ý gì đâu, mà là sự vô tâm đến vô ý thức khi cho rằng “cổng nhà tôi, thích làm gì là quyền của tôi”. Phải đến lúc nào, người ta thay đổi được suy nghĩ đó, và hiểu được rằng: quyền cá nhân nhưng phải hài hoà với lợi ích chung, và lợi ích chung cũng chính là lợi ích riêng. Ông bạn mình đã tuyên bố như thế, mình thấy rất có lý nhưng chắc sẽ thuyết phục hơn nhiều nếu như ông ấy không vứt toẹt cái tàn thuốc lá xuống đất sau khi dứt lời…
Thục Anh