Vị chánh án chú trọng công tác hòa giải, đối thoại để hóa giải các mâu thuẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Giúp các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà không cần phải mở phiên tòa xét xử, theo đó, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước... là cách làm mà ông Trần Ngọc Sơn, hiện là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An áp dụng hàng chục năm qua.

Nhiều xung đột được hóa giải

28 năm làm thẩm phán, cũng chừng ấy thời gian ông Trần Ngọc Sơn tham gia hòa giải, đối thoại về các vụ việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chấp hành chính…, bởi vậy, ông không thể nhớ đã tham gia giải quyết bao nhiêu vụ việc.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, mấu chốt ở những vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu kiện hành chính là có sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc thiếu sự thông cảm giữa các bên đương sự nên việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại là một hình thức dân vận trực tiếp nhằm tạo sự đồng thuận và tự giải quyết của đương sự. Điều này vừa giúp giảm áp lực trong giải quyết các vụ án, vừa giúp các đương sự giữ được mối quan hệ đoàn kết, đảm bảo lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Ngọc Sơn trong một buổi tiếp công dân tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: TAND tỉnh

Ông Trần Ngọc Sơn trong một buổi tiếp công dân tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: TAND tỉnh

Trong số những vụ việc đã tham gia giải quyết, ông Trần Ngọc Sơn nhớ rất rõ vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản giữa ông L.V.H và ông K.V.X ở bản Quẻ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông. Đây là vụ việc trước đó đã được Tòa án nhân dân huyện Con Cuông đưa ra xét xử sơ thẩm, tuy nhiên sau đó ông K.V.X có đơn kháng cáo. Nguyên nhân tranh chấp là do trong quá trình chăn nuôi ông K.V.X bị thất lạc 1 con bò đực và sau đó phát hiện con bò đực trên đã bị ông L.V.H bắt về nuôi, ông X đến xin lại bò nhưng ông H. không chịu. Vì thế, ông X. đã làm đơn gửi UBND xã Bình Chuẩn giải quyết và UBND xã đã giao con bò trên cho ông nuôi. Tuy nhiên, sau đó ông H. đã khởi kiện yêu cầu trả lại bò.

Sau khi kháng cáo lên tòa cấp phúc thẩm, ông Trần Ngọc Sơn lúc đó là Phó Chánh án phụ trách mảng dân sự đã trực tiếp xử lý vụ án đã về địa bàn, gặp gỡ cả 2 bên, dùng chính ngôn ngữ của đồng bào Thái ông học được để phân tích cho người dân. Ông Sơn cho biết: “Cùng với việc khơi gợi về tình làng nghĩa xóm, cùng là người đồng bào Thái có truyền thống đoàn kết, tối lửa tắt đèn có nhau, không nên vì một con bò mà căng thẳng, làm mất đi tình đoàn kết bấy lâu. Đồng thời giải thích, ngoài đặc điểm nhận dạng cả 2 bên đưa ra để khẳng định con bò của mình, nếu không thỏa thuận được thì buộc phải giám định gen. Tuy nhiên, việc này rất tốn kém, có khi tiền giám định còn hơn giá trị con bò…”.

Mặc dù trước đó rất căng thẳng, nhưng khi nghe thẩm phán phân tích về những thiệt hơn, cả hai bên đều dịu lại. Nắm bắt tâm lý này, ông Sơn tiếp tục phân tích, khuyên giải… nên cuối cùng các đương sự đã hiểu, ông H. sau đó đã tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung khởi kiện, ông X. xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo.

Ngoài vụ việc trên, với vai trò thẩm phán, ông Trần Ngọc Sơn cũng nhớ như in vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông L.C.C với bị đơn là ông D.X.H đều trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Đây là vụ án trước đó đã được Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu đưa ra xét xử sơ thẩm. Trong vụ án này, nguyên đơn là ông L.C.C khởi kiện ông D.X.H có vay tổng số tiền 700 triệu đồng, hẹn trong tháng 3/2018 sẽ thanh toán, tuy nhiên đến hẹn chỉ trả được số ít và yêu cầu anh H. phải thanh toán số tiền còn lại gần 600 triệu đồng. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, ông được phân công giải quyết phúc thẩm.

Sau khi tìm hiểu điều kiện cụ thể của 2 bên, ông đã triệu tập các bên đương sự lên hòa giải, phân tích. Về phía bị đơn là ông D.X.H, ông đã phân tích rằng khi khó khăn, người ta cho mình vay không cần đắn đo là điều đáng quý, nay mình có phải trả… Đồng thời, biết quan hệ giữa 2 gia đình, ông đã tác động đến cả người thân để nói ông H. trả nợ. Theo ông Sơn, vui nhất là hai bên không chỉ thống nhất phương án trả nợ mà còn chồng tiền trả ngay tại tòa.

“Xử đúng là tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”

Luôn tâm niệm theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ Tòa án: “Xử đúng là tốt nhưng không phải xử thì tốt hơn”. Bởi vậy, với các vụ việc dân sự, hành chính ông Trần Ngọc Sơn luôn hướng đến công tác hòa giải, đối thoại để hóa giải các mâu thuẫn trong nhân dân. Bởi thực tế, những mâu thuẫn, tranh chấp nếu không được giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể trở thành vụ án hình sự...

Trong quá trình công tác của mình, ông Trần Ngọc Sơn luôn dành thời gian tiếp dân, lắng nghe những yêu cầu, những bức xúc của người dân. Với các vụ việc cụ thể, để hòa giải, đối thoại thành công, theo ông Sơn, ngay khi nhận giải quyết vụ án các thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ trên cơ sở tiến hành thu thập thông tin, làm rõ vấn đề mấu chốt của vụ việc, xác định nội dung yêu cầu, nguyện vọng của các đương sự trong vụ án từ đó đưa ra các phương án hòa giải trên cơ sở phân tích tâm lý của đương sự, bằng các biện pháp giải quyết vừa có lý, vừa có tình.

Ông Trần Ngọc Sơn chủ trì họp Phòng Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thời kỳ thí điểm năm 2019. Ảnh: TAND tỉnh

Ông Trần Ngọc Sơn chủ trì họp Phòng Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thời kỳ thí điểm năm 2019. Ảnh: TAND tỉnh

Đối với các tranh chấp hôn nhân và gia đình, thẩm phán phải về tận địa phương nơi các đương sự sinh sống để thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân, cũng như nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án; chủ động tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nhu cầu và cả những bức xúc của các đương sự để có phương thức giải quyết. Đối với các vụ án tranh chấp về tài sản thừa kế, về quyền sử dụng đất...

Trước khi tiến hành hòa giải, thẩm phán phải làm việc riêng với từng bên nguyên đơn, hoặc bị đơn để nắm bắt các yêu cầu khởi kiện. Sau khi lựa chọn thời điểm tiến hành hòa giải, với vai trò là người trung gian, thẩm phán phải giải thích rõ những quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án, giúp người dân hiểu rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ của mình trên cơ sở đó tìm ra phương án thỏa thuận đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên.

Còn đối với các khiếu kiện hành chính, đặc biệt là các vụ án liên quan đến lĩnh vực cấp, thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Khi giải quyết, trước hết thẩm phán phải nhận thức được đối tượng của công tác dân vận tương đối khác biệt so với các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại... bởi vì một bên là cơ quan hành chính nhà nước, còn một bên là những người dân luôn mang trong mình tâm trạng là người yếu thế trong vụ án. Do đó phải kiên nhẫn, chủ động giải thích cho người khởi kiện về các quy định của pháp luật; các chủ trương, chính sách của Đảng và thực tiễn tại địa phương phù hợp với sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Đồng thời, có sự liên hệ trực tiếp với người bị kiện trong vụ án để có sự sắp xếp, bố trí thời gian tiến hành phiên đối thoại phù hợp, tránh tình trạng hoãn làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi viết bản án và biên bản phiên tòa. Ảnh: TAND tỉnh

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi viết bản án và biên bản phiên tòa. Ảnh: TAND tỉnh

Theo kinh nghiệm của mình, ông Trần Ngọc Sơn cho biết thêm, không chỉ vận dụng pháp luật, công việc này còn đòi hỏi kinh nghiệm sống, kiến thức sâu rộng về xã hội, sự tinh tế, nhạy bén trong xử lý vấn đề, từ đó giúp các bên tìm ra được những giải pháp tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp. Theo đó, với vai trò người đứng đầu ngành Tòa án nhân dân tỉnh, ngoài quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, bản lĩnh chính trị vững vàng, ông chú trọng đến người cán bộ Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân, đứng trước mỗi vụ án các thẩm phán luôn trăn trở, nghiên cứu để tìm ra cách hòa giải thấu tình, đạt lý nhất hạn chế phải xét xử.

Được biết, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An, hàng năm số vụ, việc hòa giải thành luôn đạt tỷ lệ cao. Riêng triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong 2 năm 2021 và 2022, số vụ, việc đã chuyển hòa giải, đối thoại là 5.800 vụ, việc, trong đó đã hòa giải thành, đối thoại thành là 2.881 vụ việc, chiếm tỷ lệ 49,7%.

Tin mới