Vừ Chông Pao - Người con ưu tú của đại ngàn Kỳ Sơn

(Baonghean) - Ngày cây đại thụ của núi rừng Kỳ Sơn ấy ngã xuống theo lẽ đất trời đã không còn là dự cảm... Nghĩ về ông, là nghĩ về một cán bộ người Mông trung kiên với cách mạng, đau đáu với sự tiến bộ của đồng bào mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cuộc đời ông luôn gắn liền với từng chặng đường đi lên của huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, từ những ngày bị áp bức đến quá trình đấu tranh cách mạng và trong cả công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ngày nay...

Ông Vừ Chông Pao sinh ngày 1/9/1930 tại bản Mường Ải xã Tà Cạ, huyện Tương Dương, nay là xã Mường Ải huyện Kỳ Sơn.  Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2010. Đồng bào các dân tộc một miền biên viễn Tây Nam Nghệ An còn truyền tụng câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ ông Pao từng vào tận hang ổ “phỉ” vận động họ cầm súng về với cách mạng. Ấy là thời kỳ ông chưa đầy 20 tuổi, quyết không đi trốn giặc Pháp nữa mà vào rừng cầm súng đánh lại. Một đội du kích gồm 3 người trong họ tộc được lập ra do Vừ Lầu Pó (tên hồi trẻ của Vừ Chông Pao) làm đội trưởng.
Vừ Chông Pao.
Vừ Chông Pao.
Năm 1950 bộ đội ở miền xuôi lên khu vực biên giới Na Ngoi, Vừ Chông Pao được cử làm trưởng công an xã cùng với bộ đội thường trực xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ tuyến biên giới. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, xã Tây Sơn được thành lập, ông trở về bản Huồi Giảng tiếp tục xây dựng chính quyền. Ngày ấy xã Tây Sơn và huyện Kỳ Sơn bây giờ vẫn trực thuộc huyện Tương Dương. Đến năm 1959, Vừ Chông Pao được điều về làm cán bộ huyện Tương Dương đặc trách khu vực Mường Xén (ban cán sự Mường Xén). Ông được cấp trên giao phụ trách khu vực Na Ngoi, đến năm 1960 có chủ trương tách huyện. Năm sau, tức 1961 huyện Kỳ Sơn được thành lập tách ra từ huyện Tương Dương, Vừ Chông Pao được cử làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Năm 1969, Vừ Chông Pao được điều động giữ chức Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn. Ông giữ chức vụ này suốt 20 năm, đến năm 1989 chuyển sang làm Chủ tịch HĐND huyện cho đến năm 1995 nghỉ hưu; từ đó đến năm 2013 ông là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An. Vừ Chông Pao còn là đại biểu Quốc hội khóa VIII và 3 lần tham dự Đại hội Đảng toàn quốc. Năm 2010, ông là đại biểu của tỉnh Nghệ An ra Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất... Phẩm chất anh hùng của ông ngời sáng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng và bền bỉ chống lại kẻ xấu và các thế lực thù địch, bảo vệ bình yên miền biên viễn phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc.
Hơn 60 năm theo cách mạng, Vừ Chông Pao nhớ như in 2 lần được gặp Bác Hồ ở Hà Nội (vào năm 1954 và năm 1961). Lần đầu ông được gặp Bác là vào ngày Quốc khánh 2/9/1954, khi ông được Trung ương mời dự Quốc khánh. Lời dặn dò ngày ấy của Bác Hồ được ông khắc ghi, mang theo suốt cuộc đời hoạt động là “54 dân tộc ở nước Việt Nam này là bạn của mình. Các dân tộc phải đoàn kết mới thành sức mạnh”; rồi  Bác cầm bó đũa bảo: “Nếu bẻ mỗi lần một chiếc thì gẫy hết. Nếu gộp cả lại thì không ai đủ sức để bẻ được. Đoàn kết là như vậy”... 
Với cương vị người đứng đầu dòng họ Vừ ở Kỳ Sơn, ông nhiệt tình vận động con cháu trong họ tích cực tham gia công tác xã hội, đẩy mạnh phong trào khuyến học và trở thành dòng họ tiêu biểu của huyện, được các cấp tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, những năm 90 của thế kỷ trước, huyện Kỳ Sơn thực hiện quyết tâm xóa bỏ cây thuốc phiện, Vừ Chông Pao đã đến từng bản làng được xem là “điểm nóng” trồng cây thuốc phiện để vận động bà con phá bỏ. Với uy tín của mình, Vừ Chông Pao đã thành công trong việc vận động, thuyết phục xóa bỏ cây thuốc phiện. Bây giờ, trên đất Kỳ Sơn không còn những mùa hoa anh túc, bà con các dân tộc thay thế bằng cây khoai sọ, gừng, bí xanh, ngô lai... Trong đó có một phần công lao của Anh hùng Vừ Chông Pao...
Người anh hùng ấy của cộng đồng người Mông Nghệ An mất vào sáng 26/8/2015. Ông Moong Văn Nghệ, nguyên Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Bác Pao ra đi, tôi mất đi một người bạn, một đồng chí sát cánh suốt hàng chục năm”. Còn với đồng bào Mông nói riêng và các dân tộc nói chung ở rẻo cao Kỳ Sơn, thì họ đã mất đi một người con ưu tú - vị thủ lĩnh tinh thần mà từ cuối những năm 1940 thế kỷ trước đã đứng ra lập đội du kích chống giặc Pháp; và suốt cuộc đời luôn hướng đồng bào mình gắn bó với cách mạng, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước. 
P.V

Tin mới