Đại lý thu BHYT - "cầu nối" đưa chính sách đến với người dân

(Baonghean) - Để tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, cùng với việc thực hiện nhiều chế độ, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các đối tượng tham gia, thì việc xây dựng hệ thống các đại lý thu BHYT ở cơ sở là một trong những biện pháp đưa chính sách an sinh xã hội này đến với người dân.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, Nghệ An hiện có 907 đại lý thu BHXH, BHYT với 919 điểm thu thuộc địa bàn các xã, phường, thị trấn, trong đó có 480 đại lý với 485 điểm thu trực thuộc ngành Bưu điện (các bưu cục, bưu điện văn hóa xã, bưu điện huyện, thành, thị), còn lại là ở các UBND, hội phụ nữ xã, thị trấn và các cán bộ chính sách. 
Theo Quyết định số 999/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014, việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân để ký kết hợp đồng làm đại lý thu BHXH, BHYT dựa trên một số tiêu chí: Có tư cách pháp nhân đầy đủ; Có nhân lực là người đang thường trú trên địa bàn xã; nhân viên do đơn vị quản lý, sử dụng phải hiểu biết chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; Cam kết bồi thường khi để xảy ra thất thoát tiền thu BHXH, BHYT hoặc gây thiệt hại cho cơ quan BHXH và người tham gia BHXH, BHYT. Khi được ký kết làm đại lý thu BHYT tự nguyện, các đại lý sẽ được phổ biến, tập huấn về quy trình, cách thức, nghiệp vụ khai thác, kỹ năng tuyên truyền. Mức hoa hồng các đại lý được hưởng là 4%/thẻ, tức với mức giá 621.000 đồng/thẻ, đại lý được hưởng khoảng 24.000 đồng/thẻ.

Theo bà Trần Thị Hà – Phó trưởng Phòng Quản lý thu – BHXH Nghệ An, từ trước năm 2015, các đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn do UBND xã và các tổ chức đoàn thể đảm nhận. Từ năm 2015, việc BHXH tỉnh ký kết hợp đồng đại lý thu BHXH, BHYT với ngành Bưu điện đã tạo nên tính cạnh tranh trong việc tổ chức tuyên truyền, thu BHXH, BHYT ở các địa phương. 

Thời gian qua, các đại lý thu BHYT đã có nhiều cố gắng, tích cực trong việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT. Nhiều đại lý bám sát địa phương, nắm chắc đối tượng,  xuống trực tiếp từng hộ dân để vận động, điện thoại nhắc nhở khi thẻ gần đến thời gian gia hạn. Việc cập nhật, lập danh sách đối tượng tham gia gửi BHXH các huyện được thực hiện kịp thời đúng hạn, công tác tài chính, quyết toán với BHXH các huyện luôn tuân thủ đúng quy định, không để xảy ra thất thoát tài chính. 
Nhân viên đại lý thu BHXH xã Nghi Đức (TP Vinh) tư vấn về chính sách BHYT cho người dân.
Nhân viên đại lý thu BHXH xã Nghi Đức (TP Vinh) tư vấn về chính sách BHYT cho người dân.
Ðược UBND xã chọn làm đại lý thu BHYT tự nguyện trên từ  năm 2008, chị Nguyễn Thị Liên – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Đức (TP. Vinh) chia sẻ: “Thời gian đầu làm nhân viên đại lý, tôi rất vất vả do người dân chưa hiểu đầy đủ về các chính sách BHYT. Đa số người dân thuộc đối tượng tự nguyện, chỉ khi ốm đau hoặc có nguy cơ ốm đau cao mới tham gia BHYT, số người tham gia BHYT để dự phòng rủi ro chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, ngoài giờ làm việc, tôi phải đến từng nhà để vận động người dân tham gia BHYT”. Sự nhiệt tình của chị Liên đã được nhiều người hiểu và đồng thuận. Hiện nay, tỷ lệ người dân xã Nghi Đức tham gia BHYT đã đạt trên 70% - một con số đáng ghi nhận ở một xã thuần nông.
Còn chị Trương Thị Kiên - nhân viên đại lý thu xã Giai Xuân (Tân Kỳ) được BHXH huyện đánh giá là một trong những nhân viên đại lý thu BHYT hoạt động hiệu quả. Chị Kiên cho biết: “Để có đầy đủ kiến thức tư vấn cho người tham gia BHYT, cứ vài ngày, tôi phải đến BHXH huyện để xem có chính sách gì mới ban hành hay không. Tôi cũng lồng ghép tuyên truyền Luật BHYT với các hoạt động đoàn thể của người dân ở các xóm, khi người dân đã thông suốt thì việc tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ đơn giản hơn rất nhiều”...
Hiện tỷ lệ người dân tham gia BHYT của tỉnh đạt 76,95% dân số, cao hơn mức bình quân toàn quốc, hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 143 ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 13 giao (74,4%). Đến hết năm 2015, đã có 117.000 đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. 

Thực tế, với mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân, việc xây dựng và hoạt động của các đại lý thu cũng gặp một số khó khăn. Các đại lý thu thuộc ngành Bưu điện do mới chỉ triển khai công việc từ năm 2015 nên chưa nắm hết các nhóm, loại đối tượng, các mã hưởng BHYT, tiêu chuẩn đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu theo Luật BHYT ... Còn các đại lý thuộc UBND và tổ chức đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn thì hầu hết là cán bộ, phải kiêm nhiệm nên có ít thời gian dành cho công tác tuyên truyền vận động đối tượng tham gia. 

Nhân viên đại lý thu BHYT tập huấn về chính sách BHYT mới (nguồn: BHXH Nghệ An).
Nhân viên đại lý thu BHYT tập huấn về chính sách BHYT mới (nguồn: BHXH Nghệ An).

 Nhiều địa phương thường xuyên thay đổi đại lý nên việc trang bị những kiến thức cần thiết và cơ bản cho đại lý chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền vận động đối tượng. Bên cạnh đó, hàng năm, BHXH các huyện, thành, thị cũng chưa tổ chức đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các đại lý thu BHXH để có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời. 

Để đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống, ngoài tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của các nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT, BHXH tỉnh cần đa dạng hóa hình thức đại lý thu BHXH, BHYT, thay vì chỉ dựa vào UBND, các tổ chức đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn và đại lý bưu điện như hiện nay. Theo ông Phạm Gia Vân – Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ thường xuyên tập huấn, đào tạo về các kỹ năng khai thác, công tác tuyên truyền, vận động cho hệ thống đại lý thu; tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hệ thống đại lý thu BHYT hoạt động đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy, đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT, nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT.
Minh Quân
TIN LIÊN QUAN

Tin mới