Nghệ An: 70.000 người khuyết tật có nhu cầu được học nghề

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, cùng với các địa phương trên cả nước, Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trong đó có trợ giúp về học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khuyết tật đôi chân, nhưng bù lại, Lê Văn Nhạ (SN 1977, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) lại có đôi tay khéo léo và quyết tâm tự lập cao. Học hết chương trình phổ thông, anh Nhạ xin vào học nghề tại Trung tâm dạy nghề Đức Khoa. Sau mấy tháng học nghề, anh đã có thể sửa chữa thành thạo ti vi, quạt các loại, lò thổi nấu ăn, máy bơm nước... Trở về quê, anh mở một cửa hàng sửa chữa đồ diện dân dụng nhỏ.  “Trước đây, tôi luôn mặc cảm bản thân là gánh nặng của gia đình. Nhưng từ khi được học nghề, tôi không những bớt đi mặc cảm mà còn thêm quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, có kế hoạch cho tương lai” – anh Nhạ cho biết.

Xưởng may gia công tại Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ An.
Xưởng may gia công tại Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ An.

Sau hơn 1 tháng học nghề tại Trung tâm giáo dục dạy nghề người khuyết tật tỉnh, chị Đinh Thị Vân (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) nắm được những thao tác cơ bản của nghề may công nghiệp. Chị Vân chia sẻ: “Trong thời gian học nghề, tôi được tìm hiểu kiến thức, kỹ năng thực hành nghề may công nghiệp. Sau khóa học 3 tháng, tôi mong được theo học lớp may nâng cao để bổ sung kỹ năng, nâng cao trình độ, phục vụ cho công việc sau này. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là số tiền học phí cho khóa học trong khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, cũng như việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất sau khi hoàn thành khóa học”.

Tham gia học nghề là mong muốn của rất nhiều người khuyết tật như anh Nhạ, chị Vân. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 203.000 nghìn người khuyết tật (trong đó có khoảng 70.000 người khuyết tật có nhu cầu được học nghề và có nghề để tự lập), nhưng hàng năm, số người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm là rất ít ỏi.

Ông Nguyễn Hải Thanh – Chủ tịch Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Nghệ An thừa nhận: “Dù Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh được thành lập được hơn 5 năm (từ tháng 12/2010) và đã có 14 huyện, thành, thị thành lập được hội cấp huyện nhưng việc trợ giúp người tàn tật mới chỉ được thực hiện qua các hoạt động khám chữa bệnh, tặng thẻ BHYT, tặng học bổng,  tặng xe lăn, xây dựng nhà tình thương, cho vay vốn sản xuất…, còn việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm còn rất hạn chế, mỗi năm chỉ xấp xỉ gần 60 người”.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện nay chỉ có một cơ sở duy nhất chuyên đào tạo nghề cho người khuyết tật là Trung tâm giáo dục, dạy nghề người khuyết tật. Ngoài phục hồi chức năng, dạy văn hóa, định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật, Trung tâm còn đưa vào giảng dạy các nghề: may, thêu, mộc, điện dân dụng và tin học văn phòng. Tuy nhiên, hàng năm, số học viên được học nghề cũng chỉ từ 200-250 người.

Ông Nguyễn Hải Thanh – Chủ tịch Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh khẳng định: “Mức hỗ trợ học nghề cho người khuyết tật thời chỉ bằng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chưa đáp ứng chất lượng đào tạo với người khuyết tật”..
Các học viên Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật thực hành nghề mộc.
Các học viên Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật thực hành nghề mộc.
Ông Hoàng Ngọc Châu - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ, TB&XH): "Đối với người khuyết tật, việc dạy nghề và giúp các học viên thành thạo với nghề phải mất thời gian gấp 3 - 4 lần so với người bình thường.Nhưng hiện nay, vẫn chưa có khung chương trình cụ thể về dạy nghề cho đối tượng khuyết tật; thời gian học nghề sơ cấp cho người khuyết tật hiện đang áp dụng như với người bình thường; đội ngũ giáo viên dạy nghề tại Nghệ An hầu hết chưa có kiến thức chuyên sâu về dạy nghề cho đối tượng khuyết tật".


 Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới