Xoa dịu nỗi đau cho các thương, bệnh binh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chiến tranh đã đi qua, nhưng di chứng để lại cho những thương, bệnh binh ở Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An vẫn còn rất nặng nề. Sự chung tay của các tầng lớp xã hội trong chăm sóc, nhằm xoa dịu vết thương là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa của những người đã chịu nhiều mất mát, thiệt thòi cho hòa bình, thống nhất của đất nước.

Nỗi đau còn mãi...

Những ngày tháng 7, chúng tôi lại trở về với nơi rất đỗi quen thuộc - Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An. Qua cánh cổng sắt khu ở của thương binh, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy vọng lên những âm thanh ngắt quãng “xung phong, tiến lên”. Đó là những tiếng hô của các thương, bệnh binh đang điều trị tại đây. Với họ, dường như ký ức của những ngày ra trận vẫn vẹn nguyên.

Trong căn phòng nhỏ, được lát gạch sạch sẽ, là nơi ở của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường, quê ở xã Hoa Thành (Yên Thành), năm nay đã ngoài 60 tuổi, là thương binh nặng. Ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam và bị thương trong một trận chiến sinh tử với Khmer đỏ. Trong dòng hồi ức của cựu chiến binh này không còn có tính liền mạch, nhưng chúng tôi đã cố gắng lắng nghe để hiểu về những ngày tháng oanh liệt mà ông đã chiến đấu và bị thương tại chiến trường ấy.

Ông Nguyễn Văn Cường sức khoẻ ngày càng được cải thiện nhờ sự chăm sóc tận tình của các điều dưỡng viên. Ảnh: Đức Anh
Ông Nguyễn Văn Cường sức khoẻ ngày càng được cải thiện nhờ sự chăm sóc tận tình của các điều dưỡng viên. Ảnh: Đức Anh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường nhớ lại: “Tôi nhập ngũ năm 1978, thuộc Quân đoàn 4, Sư đoàn 9, tham gia vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Vào 2h sáng, ngày 1 tháng 1 năm 1979, Khmer đỏ bất ngờ tập kích vào trung đội của chúng tôi. Khi chúng tôi đang ở dưới hầm trú ẩn, thì trúng đạn pháo. Toàn bộ hầm bị vùi lấp, tôi sau đó bị thương ở đầu và được đưa đi chữa trị”.

Cũng từ lần bị thương đó, ông Cường không còn là chính mình nữa, có lúc tỉnh, lúc mê. Đầu những năm 1980, ông xuất ngũ trở về với gia đình. Cũng từ đây căn bệnh thường xuyên tái phát. Khi lên cơn ông thường bị kích động; trong vườn nhà ông thường đào những hầm trú ẩn, dùng que, gậy làm súng để chiến đấu...

Đến tận năm 2017, tinh thần ông trở nên suy sụp. Ông không thể ngủ, cơ thể bắt đầu gầy yếu, ngại tiếp xúc và sống thu mình. Với bệnh tình như vậy, ông được gia đình đưa đến Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An. Sau quá trình chăm sóc, điều trị, giờ đây, sức khoẻ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường đã tốt hơn.

Các thương, bệnh binh được thăm khám, chăm sóc sức khỏe chu đáo. Ảnh: Đức Anh
Các thương, bệnh binh được thăm khám, chăm sóc sức khỏe chu đáo. Ảnh: Đức Anh

Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An là nơi chăm sóc 90 bệnh nhân bị bệnh tâm thần kinh. Trong đó có 59 người là thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công bị bệnh tâm thần.

Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau

Chiếc bàn nhỏ, trong khuôn viên của Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An, rôm rả tiếng nói cười giữa những điều dưỡng viên và các bác thương, bệnh binh. Những câu chuyện về con cái, gia đình, đồng đội đều được họ chia sẻ thân tình với nhau. Các cựu chiến binh xem đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Bởi ở đây các bác được chăm sóc tận tình, chu đáo, bằng tất cả tình yêu thương.

Các điều dưỡng viên ngoài làm nhiệm vụ của nhân viên y tế, thì còn như những người bạn, người con luôn tâm sự, sẻ chia để những cựu chiến binh trút bỏ được những gánh nặng về tinh thần. Tìm đến với những niềm vui thường nhật. Ảnh: Đức Anh
Các điều dưỡng viên ngoài làm nhiệm vụ của nhân viên y tế, thì còn như những người bạn, người con luôn tâm sự, sẻ chia để những cựu chiến binh trút bỏ được những gánh nặng về tinh thần. Tìm đến với những niềm vui thường nhật. Ảnh: Đức Anh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường kể lại: “Từ ngày vào đây, sức khoẻ tôi đã tốt lên hẳn, da dẻ hồng hào, diện mạo tươi tỉnh. Ngoài bị bệnh về tâm lý, tôi còn bị khá nhiều bệnh, như huyết áp, tiểu đường, nhưng ở đây tôi được các cháu chăm sóc như người thân”.

Với những điều dưỡng ở đây, luôn đồng cảm với những thương, bệnh binh. Bởi họ thấu hiểu được sự hy sinh của các bác cho Tổ quốc. Và họ chăm sóc các thương binh bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm.

Tổ chức các buổi sinh hoạt mỹ thuật là liệu pháp tốt giúp cải thiện tinh thần cho các thương, bệnh binh tâm thần kinh. Ảnh: Đức Anh
Tổ chức các buổi sinh hoạt mỹ thuật là liệu pháp tốt giúp cải thiện tinh thần cho các thương, bệnh binh tâm thần kinh. Ảnh: Đức Anh

Chị Thái Thị Hà - Điều dưỡng viên, Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình đều có bố mẹ, người thân từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đều là thương, bệnh binh. Vì vậy, tôi rất đồng cảm khi gặp các bác. Chúng tôi đã gắn bó ở đây khá lâu và xem các bác như là những người cha, người chú”.

Công việc hằng ngày của các điều dưỡng viên là chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho các thương, bệnh binh; cho các bác uống thuốc đúng giờ, kiểm tra sức khoẻ. Khi rảnh rỗi, các điều dưỡng viên như những người bạn cùng trò chuyện, tâm sự với các bác.

Các thương, bệnh binh tâm thần kinh được tham gia nhiều hoạt động giải trí, giúp thuyên giảm bệnh tật. Ảnh: Đức Anh
Các thương, bệnh binh tâm thần kinh được tham gia nhiều hoạt động giải trí, giúp thuyên giảm bệnh tật. Ảnh: Đức Anh

“Khi nói chuyện với thương, bệnh binh tâm thần kinh, thì các câu chuyện của các bác thường khó hiểu. Nhưng chúng tôi phải kiên trì. Bởi qua quá trình tâm sự, các bác sẽ trút bỏ được những tâm tư, giúp chúng tôi gần gũi với các bác hơn. Và chính điều đó cũng làm cho tinh thần của các bác trở nên vui vẻ, yêu đời, bệnh tật cũng sẽ thuyên giảm”, anh Nguyễn Hữu Trung - Điều dưỡng viên, Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An cho biết.

Điều dưỡng viên luôn chăm sóc các thương, bệnh binh như những người thân trong gia đình. Ảnh: Đình Tuyên
Điều dưỡng viên luôn chăm sóc các thương, bệnh binh như những người thân trong gia đình. Ảnh: Đình Tuyên

Cùng với việc chăm lo về đời sống, các thương, bệnh binh tâm thần kinh còn được tham gia vào các hoạt động về thể dục, thể thao. Đây là hoạt động vừa tăng cường sức khoẻ, nhưng cũng vừa cải thiện các bệnh về tâm lý. Hằng ngày, khu điều dưỡng còn tổ chức các buổi trị liệu cùng âm thanh, lao động trị liệu. Bên cạnh đó, các tổ chức như Đoàn Thanh niên cũng thường về khu điều dưỡng để tổ chức các buổi vẽ tranh, biểu diễn văn nghệ. Qua đó, giúp tinh thần của các bác càng ngày càng ổn định.

Các bác thương binh cũng thỉnh thoảng tham gia lao động. Đây là một trong những hình thức trị liệu khá hiệu quả. Ảnh: Đình Tuyên
Các bác thương binh cũng thỉnh thoảng tham gia lao động. Đây là một trong những hình thức trị liệu khá hiệu quả. Ảnh: Đình Tuyên

Ông Nguyễn Thiếu Lâm – Giám đốc Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An cho biết: “Có thể nói, các thương bệnh binh ở đây đều là những bệnh nhân khá nặng và khó hoà nhập với cộng đồng. Vì thế, Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An rất quan tâm, hàng năm đều có các đoàn về thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ, động viên các bác thương binh. Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và tỉnh Nghệ An nhiều năm qua cũng đã có các nguồn đầu tư, để các thương bệnh binh có chỗ ở khang trang, sạch sẽ, điều kiện sinh hoạt càng ngày càng tốt lên".

Tin mới