Xuyên tạc những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch là tội ác

(Baonghean.vn) - Đã thành thói quen, cứ mỗi khi Việt Nam làm một việc gì đó quan trọng tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước là họ lại sử dụng chiêu trò bóp méo, xuyên tạc để phá hoại. Điệp khúc này tiếp tục lặp lại khi Việt Nam kiểm soát được tình hình dịch và chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, linh hoạt, để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Những luận điệu bóp méo, xuyên tạc cần cảnh giác

Ngày 11/10, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về việc Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các thế lực thù địch thông qua một số phương tiện truyền thông thiếu thiện chí ở hải ngoại, xuyên tạc rằng việc ban hành Nghị quyết thể hiện sự “thất bại” của Việt Nam trong chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp hôm 17/10, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê bình, chấn chỉnh một số địa phương thực hiện chưa nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP. Từ việc này, các thế lực thù địch xuyên tạc, thổi phồng rằng ở Việt Nam xuất hiện tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Với tiêu đề: “Lãnh đạo cấp dưới không phục tùng cấp trên nói lên điều gì?” bài phát trên RFA đã mượn dư luận cho rằng đó là biểu hiện “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”.

Bài viết trên trang RFA xuyên tạc Nghị quyết 128/NQ-CP. Ảnh chụp màn hình
Bài viết trên trang RFA xuyên tạc Nghị quyết 128/NQ-CP. Ảnh chụp màn hình

Bình luận về Nghị quyết 128/NQ-CP, RFA trích đăng ý kiến của người đàn ông giấu tên mà theo cách nói của họ là “một người am hiểu tình hình nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội” để nói xấu Việt Nam. Ý kiến của người không danh tính, không địa chỉ xác định tính chính xác của nguồn tin ấy nói rằng, xã hội Việt Nam như câu ngạn ngữ: “Người trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi coi thường”. Cũng từ câu chuyện Thủ tướng phê bình một số địa phương thực hiện Nghị quyết 128 chưa nghiêm, RFA thổi phồng, suy diễn cho rằng nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang “có vấn đề”, xã hội Việt Nam sắp “không phải loạn 12 xứ quân mà loạn 63 xứ quân”...

Luận điệu bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch như đã nêu trên có thể xem là tội ác bởi nó nguy hiểm hơn cả COVID-19. Đòi hỏi chúng cần phải tỉnh táo nhận diện cho rõ ràng, tìm ra loại vaccine phù hợp, loại thuốc đặc hiệu để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Những nỗ lực của Việt Nam là không thể phủ nhận

Nhìn nhận khách quan gần 2 năm qua, chúng ta không phủ nhận công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn có nhiều khó khăn, khuyết điểm. Những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người và KT-XH mà chúng ta phải gánh chịu đã rõ. Với tinh thần trung thực, thẳng thắn, những hạn chế, bất cập, vấn đề đặt ra đã được Đảng, Chính phủ ta kiểm điểm làm rõ, phân tích sâu sắc nguyên nhân và tập trung biện pháp kiên quyết khắc phục.

Nhưng chúng ta không thể vì những khó khăn, khuyết điểm ấy mà phủ nhận sạch trơn sự nỗ lực, cố gắng của cả dân tộc Việt Nam. Và càng không thể vì thiếu sót, khuyết điểm của một vài địa phương mà “vơ đũa cả nắm” để suy diễn, quy kết vô lối rằng Việt Nam “thất bại” trong phòng, chống dịch; nội bộ Việt Nam “có vấn đề” hay sắp “loạn 63 sứ quân”... Chỉ có những kẻ mang tâm địa xấu xa mới phán xét hồ đồ như thế.

Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là không thể phủ nhận. Ảnh minh họa: Tư liệu
Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là không thể phủ nhận. Ảnh minh họa: Tư liệu

Một thực tế mà không ai có thể phủ nhận là, bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc”; “mỗi người dân là một chiến sĩ”,... phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, Việt Nam từng bước ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID-19. Đặc biệt, từ tháng 4/2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư rất mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố với chủng virus mới nguy hiểm hơn rất nhiều và tốc độ lây lan cực nhanh.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực, đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ nên chúng ta phải bám sát thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt đã được chúng ta áp dụng để thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy nhân dân là chủ thể phòng, chống dịch.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu như: y tế, quân đội, công an, các lực lượng cơ sở và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời ấn tượng với cách thức điều trị người mắc bệnh của Việt Nam.

Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19. Ảnh: Tư liệu
Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19. Ảnh: Tư liệu

Cùng với đẩy mạnh ngoại giao vaccine, Việt Nam đã thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay. Cho đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch và chuyển sang giai đoạn mới. Ông Kidong Park - Quyền Điều phối viên thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam đã kiểm soát được đợt dịch lần thứ tư với rất nhiều nỗ lực và giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả.

Cho đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, trong đó nhiều tỉnh, thành phố có Kế hoạch thích ứng và các văn bản chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển KT-XH. Mọi khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của các địa phương được Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xử lý kịp thời.

Tỉnh táo để không “nối giáo cho giặc”

Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT-XH. Đại diện WHO, cũng như Quyền Điều phối viên thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức LHQ đánh giá cao lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả để vừa chống dịch thành công, vừa phục hồi, phát triển KT-XH; hoan nghênh Nghị quyết 128 của Chính phủ Việt Nam về phục hồi và thích ứng an toàn đối với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường nên chúng ta phải hết sức đề phòng, tránh lơ là, chủ quan.

Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động luôn rình rập để núp bóng dịch bệnh chống phá Việt Nam. Do đó, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch càng trở thành một trong những nhiệm vụ bức thiết. Cùng với phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, phục hồi và phát triển KT-XH thành công, chúng ta phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đặc biệt là chiêu trò thổi phồng mặt trái; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm lu mờ, phủ nhận thành quả cách mạng nói chung và những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng. Các thế lực thù địch coi đây là một phương thức hữu hiệu nhất nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân, gây bất ổn trong xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để thực hiện mưu đồ nguy hiểm ấy, họ không từ bất cứ chiêu thức, thủ đoạn nào. Đáng chú ý, họ triệt để lợi dụng MXH để phát tán, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, bịa đặt sai sự thật hòng kích động, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi trong cộng đồng.

Người tham gia MXH cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo để không tự biến mình thành “nối giáo cho giặc”. Ảnh minh họa: SCMP
Người tham gia MXH cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo để không tự biến mình thành “nối giáo cho giặc”. Ảnh minh họa: SCMP

Do vậy, việc theo dõi, quản lý nắm chắc tình hình hoạt động trên internet và MXH để chủ động có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa với những thông tin, luồng dư luận trái chiều là rất cần thiết. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Bằng nhiều hình thức, phương pháp, công tác tuyên truyền, giáo dục phải đi sâu vạch trần tính chất nguy hiểm của chiêu trò thổi phồng mặt trái, khuyết điểm để chống phá Việt Nam mà các thế lực thù địch đang tiến hành, từ đó nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác.

Đối với mỗi cá nhân, nhất là những người tham gia MXH cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo để không tự biến mình thành “nối giáo cho giặc”. Trước mọi thông tin mỗi người cần có một cái nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển để khi tiếp cận và nhận thức cho đúng đâu là thông tin chính thống, đâu là những thông tin sai lệch, chủ quan, phiến diện, một chiều. Khi tham gia MXH cần thận trọng, có quan điểm, nhận định rõ ràng, trên cơ sở khoa học, tránh nóng vội, chủ quan, đưa ra những thông tin vô căn cứ. Đó chính là biện pháp cần thiết để mỗi chúng ta tự bảo vệ, tự miễn dịch trước những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm thổi phồng khuyết điểm, khoét sâu mặt trái để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Tin mới