Căng thẳng an ninh ở Trung Đông diễn ra ở cấp độ đáng lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Việc Iran tấn công trả đũa vào lãnh thổ Israel đánh dấu lần đầu tiên Tehran trực tiếp tấn công Tel Aviv làm cho căng thẳng an ninh ở Trung Đông diễn ra ở cấp độ cao. Điều này cần phải được ngăn chặn trước nguy cơ leo thang dẫn đến chiến tranh toàn diện trong khu vực.

Thông điệp răn đe

Vụ tấn công bằng hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào lãnh thổ Israel rạng sáng 14/4 là lời giải đáp cho câu hỏi “Iran sẽ đáp trả bằng cách nào sau khi khu phức hợp Đại sứ quán của họ tại Thủ đô Syria bị tấn công?”.

Anh 1 - iran Israel.jpg
Hàng ngàn người Iran đã xuống đường thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc tấn công đáp trả Israel. Ảnh: AFP

Diễn biến này là đỉnh điểm của hai tuần đặc biệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông vốn luôn bất ổn. Đây cũng là khủng hoảng mới nhất sau việc Israel tấn công tổ chức Hồi giáo Hamas, giao tranh giữa Israel với các tổ chức Hồi giáo thân Iran, cho tới việc Iran tố cáo Israel giết các tướng lĩnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Việc Iran đáp trả là điều đã được dự đoán. Tuy nhiên, thời điểm, mức độ và hình thức tấn công cũng hàm chứa những thông điệp và tính toán của Tehran.

Trước hết, xét về thời điểm, màn đáp trả của Iran được thực hiện sau 2 tuần nước này hứng chịu cuộc không kích khiến 7 người thiệt mạng, bao gồm cả tướng lĩnh cao cấp. Điều này cho thấy, Iran cần khoảng thời gian có thể gọi là “độ trễ” để chuẩn bị kỹ lưỡng phương án và mục tiêu tấn công. Hai tuần này cũng là thời gian Iran có các cuộc mặc cả, thương lượng với Mỹ và Israel về các vấn đề của khu vực trước khi quyết định hành động.

Còn nhớ cách đây 1 tuần, giới chức Iran đánh tiếng rằng nếu Mỹ thúc đẩy Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, nước này sẽ không đáp trả Israel. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về ngừng bắn vẫn bế tắc và điều kiện Iran nêu ra không thể thực hiện. Hành động đáp trả đã diễn ra.

Xét về mức độ, có thể nói, vụ tấn công của Iran là chưa từng có. Dù Iran và Israel là hai quốc gia thù địch trong nhiều thập kỷ, nhưng cả hai đều chưa bao giờ tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp và công khai vào lãnh thổ của nhau –ngoại trừ vụ tấn công ngày 1/4 vào lãnh sự quán Iran ở Syria mà phía Iran cho rằng do Israel gây ra, diễn ra trên khu vực được coi là lãnh thổ có chủ quyền của Iran về mặt kỹ thuật theo quy ước ngoại giao.

Khói bốc lên sau khi cuộc tấn công nghi do Israel thực hiện nhằm vào một tòa nhà gần đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria ngày 1 tháng 4 năm 2024. Ảnh: Reuters
Khói bốc lên sau khi cuộc tấn công nghi do Israel thực hiện nhằm vào một tòa nhà gần đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria ngày 1 tháng 4 năm 2024. Ảnh: Reuters

Hầu hết các hành động thể hiện sự thù địch giữa hai bên trước đây đều thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Như vậy, đây được coi là màn đáp trả mạnh mẽ nhất của Iran với Israel. Điều này cũng gây bất ngờ bởi trước đó không ít nhà quan sát dự đoán Iran sẽ chỉ đáp trả nhắm vào các cơ sở ngoại giao của Israel ở nước ngoài, hoặc thông qua lực lượng ủy nhiệm để gây thiệt hại cho các lợi ích an ninh của Israel. Vì thế, đòn tấn công trực diện lần này dường như là thông điệp mang tính răn đe cao của Iran với Israel rằng, nếu Israel mắc thêm sai lầm nữa, phản ứng của quốc gia Hồi giáo sẽ không hề đơn giản.

Xét về hình thức, việc Iran sử dụng hàng trăm UAV và các loại tên lửa tấn công, tên lửa hành trình là cách để Iran chứng minh năng lực quân sự trước đối thủ. Điểm đáng chú ý là trước khi vụ tấn công xảy ra đã có nhiều cảnh báo an ninh trong khu vực, đây cũng có thể xem là cách “báo trước” có chủ ý của Tehran chứ không hành động “đánh úp” bất ngờ gây hậu quả khó lường.

Hơn nữa sau khoảng 5 tiếng tấn công, giới chức Iran tuyên bố “hoạt động đáp trả kết thúc”. Điều này đồng nghĩa Iran thực hiện chiến thuật “đánh nhanh, thu quân nhanh” và sẽ không tiếp tục tấn công Israel cho đến khi có diễn biến căng thẳng mới.

Anh 2 - Israel Iran.jpg
Thủ tướng Israel B.Netanyahu họp với nội các sau khi cuộc tấn công của Iran rạng sáng 14/4. Ảnh: AFP

Xem ra, dù là cuộc tấn công đáp trả của Iran là chưa từng có nhưng hành động này được thực hiện ở mức “vừa phải”. Mặc dù thống kê thiệt hại vẫn đang được đánh giá nhưng ước tính ban đầu, không có thiệt hại liên quan đến nhân mạng, điều này có thể làm giảm nhẹ hậu quả của một cuộc xung đột nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu răn đe.

Nguy hiểm chưa hết

Mặc dù Iran tuyên bố cuộc tấn công đáp trả Israel coi như đã “kết thúc” nhưng chưa ai có thể khẳng định cái kết này liệu có dẫn đến sự bắt đầu mới nào hay không. Trong những giờ qua, cả Israel và Iran đều có loạt tuyên bố “nắn gân” lẫn nhau.

Một quan chức cấp cao Israel giấu tên cho biết, cuộc tấn công của Iran sẽ nhận lại một “sự đáp trả chưa từng có tiền lệ” và nội các thời chiến của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục thảo luận phương án đáp trả.

Về phần mình, Đại sứ Iran và Đại diện thường trực tại Liên hợp quốc, Amir Saeid Iravani tuyên bố: “Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không ngần ngại thực hiện quyền tự vệ vốn có của mình nếu cần thiết. Nếu chính quyền Israel thực hiện bất kỳ hành động gây hấn quân sự nào một lần nữa, phản ứng của Iran chắc chắn và dứt khoát sẽ mạnh mẽ và kiên quyết hơn”.

Như vậy, mọi việc diễn ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công tương đối của cuộc tấn công của Iran và quyết định phản ứng từ Israel. Nếu vụ tấn công không gây hậu quả nghiêm trọng cho Israel, nước này có thể không hoặc đáp trả “vừa phải” Iran. Điều này sẽ không dẫn đến một cuộc chiến toàn diện.

Ngược lại, nếu Israel tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Iran chẳng hạn như cơ sở hạt nhân, chắc chắn quốc gia Hồi giáo sẽ đáp trả lại bằng những hành động tương xứng thậm chí mạnh mẽ hơn. Khi đó một cuộc xung đột lan rộng tại Trung Đông là kịch bản có thể, kéo theo hàng loạt quốc gia trong và ngoài khu vực tham gia. Tất nhiên đây là kịch bản mà các nước Arab cũng như Mỹ không hề mong muốn. Sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết bảo vệ Israel, song giới chức Mỹ tiết lộ Washington đã cảnh báo không ủng hộ Tel Aviv tấn công trả đũa Tehran.

Dù diễn ra theo hướng nào, nhưng diễn biến vừa qua đã càng khoét sâu thêm sự hận thù giữa Israel và Iran, gia tăng nguy cơ đối đầu ở bất cứ mặt trận nào và một hành động quân sự sai lầm nhỏ nào cũng có thể bùng phát thành một cuộc chiến quy mô lớn.

Anh 3 - Iran Israel.jpg
Máy bay không người lái của Iran. Ảnh: AP

Do đó, hơn lúc nào hết, vai trò của Liên hợp quốc và các quốc gia có ảnh hưởng ở khu vực cần được thể hiện bằng các bước đi khẩn cấp, hối thúc các bên liên quan kiềm chế, tiến hành hòa đàm nhằm hạn chế tối đa những màn tấn công “ăn miếng trả miếng”.

Trong bối cảnh Trung Đông vốn đang chịu sức ép từ các yếu tố chính trị, tôn giáo và các cuộc xung đột dai dẳng, vòng xoáy đáp trả quân sự giữa Iran và Israel sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho hai quốc gia này mà còn toàn bộ khu vực, thậm chí là nhiều lĩnh vực của đời sống thế giới./.

Tin mới