Chấm dứt các hiện tượng tiêu cực, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019.
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại cuộc họp. Tham dự có Phó Chủ tịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành thị và lãnh đạo các ban, ngành.  Ảnh: Mỹ Hà
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại cuộc họp. Tham dự có Phó Chủ tịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành thị và lãnh đạo các ban, ngành. Ảnh: Mỹ Hà

Cuộc họp đã bàn các giải pháp đồng bộ để chấm dứt tiêu cực trong ngành giáo dục, xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh. Trong đó, chú trọng bàn đến các vấn đề chính là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, vấn đề thu – chi trong năm học, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm – học thêm và vấn đề dôi dư giáo viên.

Lãnh đạo huyện Yên Thành phát biểu cho ý kiến về việc triển khai công tác dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn. Ảnh - Mỹ Hà.
Lãnh đạo huyện Yên Thành phát biểu cho ý kiến về việc triển khai công tác dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hà.

Liên quan đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, theo các đại biểu, đây là yêu cầu tất yếu trong thời điểm hiện nay, nhằm đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của phụ huynh và học sinh; là giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo tiền đề cho việc đổi mới sách giáo khoa.

Tuy nhiên, tại Nghệ An việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày còn nhiều khó khăn do tỷ lệ giáo viên chỉ mới bố trí được 1,3 giáo viên/lớp (trong khi quy định là 1, 5 giáo viên/lớp). Trong khi đó, việc thu tiền nộp buổi học thứ 2 còn bất cập và nhiều nơi chưa nhận được sự đồng tình của phụ huynh.

Việc tổ chức dạy  học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học sẽ giúp học sinh tăng cường các hoạt động về kỹ năng. Ảnh: Mỹ Hà
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học sẽ giúp học sinh tăng cường các hoạt động về kỹ năng. Ảnh: Mỹ Hà

Về vấn đề dôi dư giáo viên, trong cuộc họp nhiều địa phương cũng giải trình về việc điều động giáo viên từ bậc THCS xuống bậc tiểu học. Bên cạnh đó, cũng đề nghị tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp chỉ đạo và có hướng dẫn để các địa phương hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, tránh tình trạng hợp đồng trái quy định như hiện nay.

Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Lê Minh Thông cho rằng, thời điểm này cần phải sớm có văn bản thay thế Quyết định số 1517/QĐ-UBND.VX về việc phê duyệt Kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày (ban hành từ năm 2015) và tham mưu ra văn bản mới với tinh thần công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật và nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân.

Trong việc giải quyết dôi dư giáo viên, quan điểm của UBND tỉnh là không thể giải quyết vội vàng vì có một phần nguyên nhân từ khách quan và lịch sử để lại. Việc điều chuyển giáo viên từ bậc THCS xuống tiểu học trong thời điểm này cũng là giải pháp cần thiết nhưng trong quá trình triển khai cần phải tuyên truyền, giải thích đầy đủ, bố trí hợp lý để nhận được sự ủng hộ của đội ngũ giáo viên và các nhà trường.

Trước áp lực giảm biên nhưng lại đang thiếu giáo viên, đồng chí Lê Minh Thông đề nghị các địa phương cần cố gắng sắp xếp hợp lý và yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản trình tỉnh để có cơ chế hợp đồng, tuyển dụng, bố trí giáo viên, đảm bảo việc tổ chức dạy và học.

Bên cạnh đó, trước thời điểm năm học mới, đồng chí yêu cầu các địa phương cần sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cần thiết, quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, an ninh trường học...

Về việc tinh giản biên chế, tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện việc tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến nay ngành giáo dục đã tinh giản được 1.800 người. 
Đến năm 2021, theo kế hoạch để giảm được 3.100 biên chế còn lại đúng lộ trình, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tinh giản trên tinh thần giảm vị trí lãnh đạo, phục vụ và giữ vững đội ngũ giáo viên để đảm bảo được nhiệm vụ dạy và học ở các nhà trường.

Tin mới