Đình công trái pháp luật: Góc nhìn từ cơ sở ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Trong quá trình tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An xây dựng Đề án “Một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế các cuộc đình công không đúng trình tự pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030”, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã có nhiều phiên làm việc với các cấp công đoàn. Từ những phiên làm việc đó, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp đông công nhân lao động đã có nhiều góp ý, chia sẻ giá trị.

Chị Lê Thị Ánh Lâm – Cán bộ công đoàn chuyên trách tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử BSE (Khu Công nghiệp Nam Cấm):

Đình công là ngọn lửa sau thời gian dài âm ỉ

Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử BSE đã trải qua 3 cuộc đình công. Ở cuộc đình công đầu tiên vào năm 2013, vì tôi chưa về nhận nhiệm vụ ở đây nên chỉ nghe kể lại nguyên nhân đình công là vì công nhân bức xúc vì các vấn đề liên quan đến mức lương, tiền ăn, chế độ… Năm 2018, người lao động đình công vì cho rằng, giá trị quà Tết không tương xứng với số tiền công ty thông báo. Mặc dù sau đó công đoàn công ty đã check giá và chứng minh giá trị quà tặng nhưng công nhân vẫn không chấp nhận. Đầu năm 2022, trong giai đoạn dịch bệnh, công nhân đình công với lý do trực tiếp là muốn được nghỉ 10 ngày sau khi phun khử khuẩn. Đây là một đòi hỏi vô lý và theo quy định, chỉ sau 3 ngày phun thuốc là nhà máy có thể hoạt động bình thường.

Đình công tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử BSE năm 2013. Ảnh tư liệu.

Đình công tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử BSE năm 2013. Ảnh tư liệu.

Điểm chung ở cả 3 lần đình công này là người lao động có sự bất bình âm ỉ với doanh nghiệp vì nhiều lý do từ trước. Sau khi bị lôi kéo, kích động, họ chỉ cần vin vào một lý do gần nhất, lớn nhất để đứng lên đình công. Ngoài ra, với những doanh nghiệp có nhiều cơ sở sản xuất, người lao động ở cơ sở này sẽ có sự hùa theo, so sánh với cơ sở kia để tổ chức đình công. Công nhân giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoặc địa bàn cũng sẽ có sự so sánh tương tự.

Từ thực tế ở công ty mình, tôi cho rằng, nếu lãnh đạo công ty cần kịp thời lắng nghe nguyện vọng công nhân và tiếp nhận ý kiến công đoàn thì sẽ tránh được tình trạng đình công. Bản thân người lao động cũng không mong muốn đình công, bởi họ cần công việc, họ cần lương, nên chỉ cần đảm bảo được cuộc sống thì họ sẽ chuyên tâm làm việc.

Ngoài ra, sau khi xảy ra đình công, cần tìm và xử lý nghiêm đối với các đối tượng đứng đầu kích động, lôi kéo, chia rẽ công nhân lao động. Nếu không có sự cảnh cáo, nhắc nhở nghiêm khắc, những đối tượng này sẽ tiếp tục tìm cách gây rối.


Chị Nguyễn Thị Thanh – Công ty trách nhiệm hữu hạn Giày da VietGlory (Diễn Châu):

Sau đình công, vị thế công đoàn được nâng lên

Công ty thành lập chưa lâu nhưng công ty chúng tôi trải qua 2 cuộc đình công liên tiếp trong 2 năm. Lần thứ nhất, đình công diễn ra khi tổ chức công đoàn chưa được thành lập. Lần thứ hai, đầu năm 2022, công nhân đình công với lý do chính là mức lương thấp và quà Tết chưa tương xứng với số tiền 300 nghìn của tổ chức công đoàn cho. Ngoài ra, kích động từ các đối tượng bên ngoài cũng là một lý do dẫn đến đình công.

Cuộc đình công tại Công ty trách nhiệm hữu hạn VietGlory đầu năm 2022. Ảnh tư liệu: D.T

Cuộc đình công tại Công ty trách nhiệm hữu hạn VietGlory đầu năm 2022. Ảnh tư liệu: D.T

Nhìn nhận khái quát về tình trạng này, tôi cho rằng, nguyên nhân đến từ nhiều phía, trong đó, chủ yếu đến từ sự yếu kém của ban chấp hành công đoàn non trẻ. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm trong xử lý kiến nghị, nắm bắt ý kiến công nhân, không tổ chức đối thoại sát sao cũng như chưa trở thành cầu nối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Từ sau đình công, chúng tôi đã rút kinh nghiệm cho mình, cố gắng xử lý kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của công nhân thông qua hòm thư góp ý. Hàng tháng, các ủy viên ban chấp hành công đoàn sẽ có một cuộc họp để trực tiếp trả lời, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của công nhân.

Ngoài ra, trong các hoạt động và chương trình gần đây, công ty cũng đã tạo điều kiện hơn để công đoàn công ty thể hiện sự quan tâm, chăm lo người lao động. Vị thế của công đoàn trong công ty vì thế cũng được nâng lên.


Anh Lê Thanh Minh - Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare ICT (Khu Công nghiệp VSIP):

Minh bạch, hài hoà, đầu tư nhân sự để phòng ngừa đình công

Với hơn 7.000 công nhân, chúng tôi hiểu rằng, nếu công ty mình không làm tốt các chế độ, chính sách cho người lao động thì quan hệ lao động sẽ rất phức tạp, dẫn đến nguy cơ đình công rất cao. Rất may là từ khi thành lập đến nay, công ty chưa xảy ra đình công.

Để có sự cạnh tranh lao động, cân bằng quan hệ lao động cũng như đảm bảo đời sống cho công nhân, chúng tôi chấp nhận chi trả mức lương cơ bản và các chế độ cao hơn so với quy định và so với các doanh nghiệp cùng kim ngạch trên địa bàn. Ngoài ra, công ty tạo điều kiện cho công đoàn công ty tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động, như tổ chức các giải thể thao, câu lạc bộ âm nhạc… Với các chương trình tặng quà, chúng tôi thường điều tra nguyện vọng người lao động trước, công khai thông tin về giá thành và đơn vị cung cấp và cho công nhân quẹt mã để chọn quà theo nhu cầu.

Để đảm bảo hài hoà quan hệ lao động Công ty TNHH Luxshare ICT đã áp dụng nhiều kinh nghiệm từ các chi nhánh khác trong hệ thống. Ảnh: Diệp Thanh
Để đảm bảo hài hoà quan hệ lao động Công ty TNHH Luxshare ICT đã áp dụng nhiều kinh nghiệm từ các chi nhánh khác trong hệ thống. Ảnh: Diệp Thanh

Ngoài ra, chúng tôi xem đối thoại định kỳ là chìa khoá đảm bảo quan hệ lao động hài hoà. Ngoài ra, công ty có rất nhiều kênh trực tiếp, gián tiếp như nhóm zalo, hòm thư, hotline… để nắm bắt kiến nghị, khiếu nại từ công nhân lao động. Công đoàn công ty có trách nhiệm giải quyết, trả lời khiếu nại bằng văn bản trong tối đa 7-10 ngày kể từ ngày tiếp nhận.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của các nhà máy trong miền Nam, chúng tôi có đội ngũ trợ lý chuyên thu thập, nắm bắt ý kiến công nhân, phòng khi cán bộ công đoàn quá bận hoặc công nhân không tin tưởng đội ngũ cán bộ công đoàn. Không chỉ nắm bắt đời sống, tâm lý, ý kiến của công nhân, đội ngũ trợ lý này còn cập nhật những thay đổi của chính sách, chế độ cho công nhân để công nhân luôn biết rằng, ý kiến của họ được lắng nghe, tiếp nhận. Khi xử lý kịp thời, đình công sẽ được hạn chế tối đa. Để tránh tình trạng đình công tự phát, kể cả khi quan hệ lao động đang ổn định, chúng tôi cũng chủ động tuyên truyền với công nhân về trình tự, thủ tục đình công theo đúng quy định của pháp luật.


Anh Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina Kim Liên (Nam Đàn):

Chỉ có thể sử dụng các giải pháp mềm để giải quyết đình công

Năm 2019, công ty chúng tôi có một cuộc đình công với nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề liên quan đến cách tính lương. Vốn dĩ đây là quy định của cả hệ thống 4 công ty khắp cả nước nên không thể cứ muốn là thay đổi được. Mặc dù sau đó bộ phận làm lương đã đứng ra giải thích nhưng rất nhiều công nhân vẫn không hiểu, không chấp thuận.

Bản thân những cán bộ công đoàn như chúng tôi rất khó xử khi làm công việc chuyên môn, ăn lương từ công ty nhưng cần phải bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. Trong rất nhiều tính huống, cán bộ công đoàn cố gắng thuyết phục chủ doanh nghiệp rồi nhưng họ gạt đi. Thậm chí, kể cả khi đã cầu cứu sự giúp đỡ từ công đoàn cấp trên, lãnh đạo công ty vẫn không đồng ý. Nếu vẫn tiếp tục làm đến cùng, cán bộ công đoàn rất dễ phải đối mặt với nguy cơ mất lợi ích cá nhân, thậm chí mất việc khi nhiệm kỳ kết thúc. Đó là một thực tế mà nhiều cán bộ công đoàn phải chấp nhận.

Anh Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina Kim Liên chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết đình công. Ảnh: Diệp Thanh.

Anh Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina Kim Liên chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết đình công. Ảnh: Diệp Thanh.

Sau nhiều năm làm chủ tịch công đoàn cơ sở, tôi khẳng định để giải quyết mâu thuẫn lao động nói chung và đình công nói riêng, chỉ có thể sử dụng các biện pháp mềm mỏng chứ không thể dùng các biện pháp cứng rắn, máy móc. Trong đó, đối thoại trực tiếp là một mắt xích quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có thêm sự vào cuộc, can thiệp và chứng kiến của cơ quan quản lý Nhà nước để những đối thoại, thương lượng có sức nặng hơn.

Cụ thể, ở các doanh nghiệp quy mô lớn, khi những hội nghị người lao động, những Thỏa ước lao động tập thể có sự tham dự của cả Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì chất lượng cũng như sức ảnh hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều. Một khi hội nghị người lao động và Thỏa ước lao động phát huy hiệu quả thì sẽ phòng tránh, hạn chế tối đa nguy cơ đình công trái pháp luật.

Tin mới