Đổi thay trên mảnh đất 'dưa cồi'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhìn từ trên cao, dòng sông Lam chảy đến xã Thuận Sơn (Đô Lương) qua chợ Rạng đến xã Đại Đồng đã tạo nên hình dáng của đôi bầu sữa. Thôn Cẩm Thái là mảnh đất nhô ra bãi sông bên bầu ngực trái. Xưa thôn có tên là Bàu Sen và cũng từ ngôi làng chỉ rộng 36 ha này đã sinh ra nhiều văn nhân, người tài danh cho quê hương Đại Đồng.
Một góc làng Cẩm Thái. Ảnh: Quốc Sơn

Một góc làng Cẩm Thái. Ảnh: Quốc Sơn

Đưa “thần gió” về Cẩm Thái

“Ngày xưa, người ta gọi chúng ta là dân "dưa cồi". Đó là người ta có ý khen người làng ta và cũng có ý chê người làng ta.

Khen là khen những người dân cần cù, siêng năng, lam lũ. Giữa nắng gay gắt tháng 6, mà vẫn chịu khó tưới tắm, chăm bẵm để làm ra những cây dưa ngon (cây cải – P.V), dưa trái vụ - một đặc sản của làng ta mà không nơi nào làm được, giúp cho biết bao nhiêu thế hệ dân làng Cẩm Thái ăn học thành tài.

Nhưng cũng vì tằn tiện, tiết kiệm quá mức: Đưa bán đi phần dưa ngon nhất, chỉ giữ lại cho mình cồi dưa để ăn, nên người ta nghĩ rằng, dân làng ta bủn xỉn, keo kiệt…”. Tôi bắt gặp những dòng trạng thái này trên trang facebook cá nhân của anh Nguyễn Hữu Nghĩa khi nói về mảnh đất Cẩm Thái, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương.

Người dân Cẩm Thái vui văn nghệ trong hội làng. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân

Người dân Cẩm Thái vui văn nghệ trong hội làng. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân

Nhấc máy gọi, anh cả cười: “Quê anh xưa kia người ta vẫn gọi là dân “dưa cồi”, cũng là để nói về một mảnh đất chịu nhiều khắc nghiệt, khó khăn. Nhưng giờ thôn Cẩm Thái đang thay đổi. Thay đổi từ nếp nghĩ, nếp làm của người dân, nhất là nhiều người trẻ được sinh ra trên mảnh đất này”. Anh Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết, những ngày vừa qua, bà con thôn Cẩm Thái gọi nhau trồng cây phong linh xung quanh thôn. Anh Nghĩa đã mua 400 cây phong linh từ đền Hùng, tỉnh Phú Thọ mang về để tạo thêm điểm nhấn cho ngôi làng nằm phía tả ngạn của dòng sông Lam. Theo anh Nghĩa, loài phong linh vào mùa Xuân nở hoa vàng rất đẹp. Anh cũng cắt nghĩa, “phong linh” là thần gió. “Khi nhắc đến gió, ta nghĩ đến những gì thoáng, mát, nhẹ nhàng, thanh lịch, nhưng cũng rất uy phong, dũng mãnh. Và người dân (xứ sở) phong linh - con của gió thần, sẽ là những người có cả đức, tài, trí và dũng, là những người cởi mở, hiếu khách, nhẹ nhàng, thanh lịch, quý phái, năng động, nhanh như những ngọn gió và hào phóng mở hầu bao để đầu tư cho quê hương. Hỡi những người con làng Cẩm Thái xa quê, làm ăn thành đạt, hãy trở về và mang theo cả trí và lực để đưa làng Cẩm Thái chúng ta cất cánh!”

Cây phong linh được anh Nguyễn Hữu Nghĩa đưa về từ tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hữu Nghĩa

Cây phong linh được anh Nguyễn Hữu Nghĩa đưa về từ tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hữu Nghĩa

Tôi đã nghĩ: Có đôi chút “phong thủy - duy tâm” từ việc lựa chọn giống cây phong linh để làm thay đổi mảnh đất “dưa cồi” mà anh Nguyễn Hữu Nghĩa đã làm. Tuy nhiên, tìm hiểu ra thì không phải như vậy. Anh Nghĩa không chỉ tài trợ thôn Cẩm Thái của mình trồng mới 400 cây phong linh và loài bàng xuất xứ từ Đài Loan, mà những năm gần đây anh còn là người đứng ra tài trợ để nâng cấp, tôn tạo xây dựng nhà Văn thánh, đình làng. Hiện anh đang tiếp tục tài trợ thôn xây dựng nghĩa trang, cải tạo, xây dựng hồ sen trước nhà Văn thánh,… “Mục đích không gì khác là làm thay đổi quê hương, làm cho mảnh đất Cẩm Thái vẫn giữ được bản sắc truyền thống, và trở nên giàu có hơn, đáng sống hơn” – anh Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.

Người dân Cẩm Thái trồng cây phong linh. Ảnh: Nguyễn Hữu Nghĩa

Người dân Cẩm Thái trồng cây phong linh. Ảnh: Nguyễn Hữu Nghĩa

Điều khá đặc biệt, Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm 1973, từng được đào tạo báo chí ở Pháp. Sau đó anh về nước và trở thành một nhà báo, công tác tại Ban Đối ngoại – Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Sau 25 năm cống hiến cho một trong những cơ quan báo chí lớn nhất cả nước, anh xin nghỉ hưu, quyết gác lại mọi thứ để cống hiến cho quê hương. Và dường như anh đang nỗ lực truyền cảm hứng cho cư dân thôn Cẩm Thái và cả những người con xa quê đóng góp nhằm đổi thay quê hương.

Nhà Văn thánh và đình Cẩm Thái. Ảnh: Quốc Sơn

Nhà Văn thánh và đình Cẩm Thái. Ảnh: Quốc Sơn

Cẩm Thái đã đổi thay

Dòng sông Lam chảy từ thượng nguồn đến tổng Đại Đồng (nay là xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương) tạo nên một dải lụa hình bán nguyệt ôm trọn mảnh đất có diện tích gần 16.000 km2.

Đội văn nghệ làng Cẩm Thái với chương trình "Sống mãi hồn quê" trong ngày hội làng. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân

Đội văn nghệ làng Cẩm Thái với chương trình "Sống mãi hồn quê" trong ngày hội làng. Ảnh: Nguyễn Thanh Xuân

Thực ra, xã Đại Đồng được tái thành lập trở lại kể từ tháng 12/2020. Trước đó là 3 xã riêng biệt: Thanh Tường, Thanh Văn và Thanh Hưng. Nhìn từ trên cao, dòng sông Lam chảy đến xã Thuận Sơn (Đô Lương) qua chợ Rạng đến xã Đại Đồng đã tạo nên hình dáng của đôi bầu sữa. Thôn Cẩm Thái là mảnh đất nhô ra bãi sông bên bầu ngực trái. Xưa thôn có tên là Bàu Sen và cũng từ ngôi làng chỉ rộng 36 ha này đã sinh ra nhiều văn nhân, người tài danh cho quê hương Đại Đồng.

Theo anh Nguyễn Thanh Xuân - nguyên Bí thư Chi bộ Cẩm Thái, hiện là cán bộ Văn phòng UBND huyện Thanh Chương, thôn Cẩm Thái được lập từ thế kỷ thứ XV, bởi hai anh em trai Nguyễn Biện và Nguyễn Văn Tấu. Hai người này cũng được xem là bản cảnh Thành hoàng làng Cẩm Thái.

Trong số những người con nổi danh ở Cẩm Thái, có thể kể đến Tiến sĩ Nguyễn Hữu Điển, sinh năm 1825. Ông đậu Tam giáp đồng tiến sĩ năm 1853. Ông là hậu duệ đời thứ 9 của Binh bộ Thượng thư Quận công Nguyễn Hữu Trác, dưới triều Lê trung hưng. Thân sinh của ông là Tri huyện, huyện Thiên Thi Nguyễn Hữu Bích.

Hội làng Cẩm Thái. Ảnh: Quốc Sơn
Hội làng Cẩm Thái. Ảnh: Quốc Sơn

Năm Tự Đức thứ 9, Nguyễn Hữu Điển được bổ làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương). Nhờ có học vấn uyên thâm, thâm hiểu đạo đời, bản tính thanh liêm, chỉ sau một thời gian ngắn, ông góp phần đưa cuộc sống của người dân bản địa được yên bình, thịnh vượng.

Giữa lúc sự nghiệp của ông Nguyễn Hữu Điển đang phát triển tốt đẹp thì thực dân Pháp kéo. Ông đã hô hào nhân dân tập hợp lực lượng đánh lui được quân giặc và ông đã hy sinh tại Bãi Dâu, tỉnh Hưng Yên.

Khi còn sống, ông Nguyễn Hữu Điển còn được biết đến là người rất giàu tình cảm, trách nhiệm với quê hương. Năm 1828, ông đã cùng cha mình góp phần xây dựng nhà Văn thánh (bà con vẫn gọi là Nhà Thánh) tại làng Cẩm Thái. Nhà Thánh là nơi tôn vinh sự học, đạo học theo triết lý của Nho gia. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Điển cũng là người đã cung tiến 3 gian giang đình để làng làm trung điện Nhà thánh. Đây là món quà ông được xã tặng khi đỗ tiến sĩ. Quần thể di tích Văn thánh, đình làng hiện đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Cách đó khoảng 300m, nhà thờ Nguyễn Hữu Điển cũng được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Không chỉ có thế, trải qua các cuộc kháng chiến cứu nước, thôn Cẩm Thái có 68 con em hy sinh. Hiện nay, trong khuôn viên Nhà thánh- đình làng, nhân dân đã xây dựng bia ghi tên những người con của làng “sống anh dũng, chết vẻ vang”. Đây cũng là niềm tự hào của người dân thôn Cẩm Thái.

Tiếp nối truyền thống của làng, từ nhiều năm nay, người dân Cẩm Thái không ngừng nỗ lực vươn lên. Thôn hiện có 294 hộ với 1.285 nhân khẩu. Người làng vẫn gắn bó với nông nghiệp, lúa má, tuy nhiên, hoạt động lao động, sản xuất không thủ công, dựa vào tay chân như trước nữa. Thay vào đó bà con đã áp dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hoá trong nông nghiệp. Ngoài trồng ngô, lúa, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thôn Cẩm Thái còn nổi danh với cây rau màu vụ đông. Nhờ cây vụ 3 này, người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người dân Cẩm Thái thoát ly quê hương làm ăn, lập nghiệp. Theo anh Nguyễn Thanh Xuân, có đến 2/3 người dân thôn Cẩm Thái rời quê học tập, lao động. Họ làm việc trong các nhà máy, công ty trong Nam, ngoài Bắc và làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ngay trong tỉnh, trong huyện. Hằng năm, còn có từ 15-16 người dân Cẩm Thái tham gia thị trường lao động nước ngoài. Nhờ sự năng động đó, đến nay thôn Cẩm Thái chỉ còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo, còn lại là khá, giàu.

Quê hương đã nhiều đổi mới, đất và người Cẩm Thái cũng đổi mới. Năm nay hội làng Cẩm Thái (16/10 âm lịch) rất to và rất vui.

Tin mới