Đừng bắt trẻ thơ mặc chiếc áo quá rộng

(Baonghean) - Sự tác động của truyền thông đã biến đứa trẻ trở nên sành sỏi trong thế giới người lớn. Chúng đánh mất đi tuổi thơ của mình để khoác vào đó những chiếc áo trưởng thành to tướng. Tất cả đều là sự toan tính của người lớn.

Văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người, nhất là trẻ con. Thời đại sân chơi ngoài trời ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho những tòa nhà cao ốc, sinh hoạt giải trí của trẻ thơ cũng vì thế mà teo tóp theo. Nắm bắt được vấn đề đó, các đài truyền hình, các công ty truyền thông ra sức khai thác những cuộc thi truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi.

Xét thuần túy, điều đó là tốt, giúp trẻ con sống trong môi trường lành mạnh, mạnh dạn giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng, thay vì ngồi dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại. Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng nhân văn. Do chạy theo lợi nhuận, người lớn đã biến trẻ con thành cỗ máy kiếm tiền và vô tình phù phép các bé thành một người khác.

Chương trình Giọng hát Việt nhí (ảnh minh họa).
Chương trình Giọng hát Việt nhí (ảnh minh họa).

Sự thành công của Giọng hát Việt Nhí (The voice kids). Ngay từ mùa đầu tiên (năm 2013), có nhiều lời khen nhưng cũng không ít tiếng chê. Do không có quy định và phân loại bài hát, nên thí sinh nhí cứ vô tư hát nhạc người lớn loạn xạ. Có những bài mang tính chất yêu ông bà, cha mẹ, quê hương, đất nước... thì không có gì bàn cãi. Chỉ tiếc là để trẻ hát những bài về tình yêu đôi lứa.

Cứ nhìn những đứa trẻ với gương mặt hồn nhiên, thân hình bé bỏng nhưng lại “phiêu” trong những ca từ sặc mùi yêu đương, ân ái rất chi là choáng. Ở mùa Giọng hát Việt Nhí đầu tiên, nếu như á quân Phương Mỹ Chi thể hiện những bài như: Ru lại câu hò; á quân Trần Ngọc Duy hát bài Sóng tình; thì quán quân Nguyễn Quang Anh ca bài Đá trông chồng. Toàn những bài ai oán, tình yêu trai gái, vợ chồng.

Phụ huynh càng bàng hoàng hơn với chương trình Gương mặt thân quen nhí. Đây là chương trình đòi hỏi thí sinh nhí bắt chước những ngôi sao lớn. Nhìn trẻ con đứng trên sân khấu trong vai trò của một nhân vật khác, đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Họ sợ rồi đây, những đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành những bản sao mà không chịu sáng tạo. Tại sao lại dạy trẻ bắt chước người khác mà không phải là chứng tỏ tài năng từ bản thân mình. Chẳng phải ngay từ nhỏ chúng ta luôn ra sức cổ vũ trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo để tương lai trở nên “khác biệt” hay sao?

Vậy cớ gì để con em cứ bắt chước giọng hát người này, phong cách người kia, hình tượng người nọ? Bởi dù có bắt chước giỏi thì cũng chỉ là chiếc bóng của người khác và theo thời gian cũng bị lu mờ. Đó là chưa nói, trong chương trình Gương mặt thân quen còn có cảnh thí sinh nam giả con gái, uốn éo, múa máy trông rất khôi hài. Khó coi nhất là trong chương trình Vietnam's Got Talent 2014, cậu bé Đức Vĩnh đã cố gắng uốn éo để trở thành nàng Thị Mầu lẳng lơ. Các bé sẽ học được gì từ sân chơi “bắt chước” này?

Trẻ con là những búp non trên cành. Chỉ cần một cơn gió độc thổi nhẹ cũng đủ làm trẻ sa ngã. Vì vậy hãy cho trẻ được sống với đúng tuổi của mình bằng những sân chơi lành mạnh, bổ ích. Đặc biệt, lứa tuổi trẻ thơ luôn định hình nhân cách, tính nết cũng như thói quen, cho nên đừng bắt trẻ phải giả trai hay giả gái, trái với giới tính, khiến cho tuổi trưởng thành có thể bị chi phối bởi tâm sinh lý. 

Công Trung 

TIN LIÊN QUAN